Một người làm nghề thành công là khi họ có thể làm tốt nhất, giỏi giang nhất công việc của mình. Nhưng khi một người làm nghề không chỉ thực hiện hiệu quả nhất phần việc của mình mà còn quan sát, trải nghiệm để đúc kết được những quan niệm góp vào phần lí thuyết cho nghề, thậm chí, nhìn ở góc độ văn hóa, có thể nâng thành triết lí nghề, thì người ấy là thầy, trong nghề của họ (nếu cách gọi ngày xưa thì họ là bậc sư phụ của nghề).
Nhà giáo Văn Như Cương, PGS toán học, giảng viên khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là người chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu SGK, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học, là tác giả bộ SGK hình học phổ thông (Bộ nâng cao theo Chương trình giáo dục 2006) của Việt Nam. Với việc sáng lập và làm hiệu trưởng trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, thầy trở thành người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục ngoài công lập dân lập tại Việt Nam. Chừng ấy thông tin đã quá đủ minh chứng cho sự thành công đáng ngưỡng mộ của một người làm nghề trong ngành giáo dục. Nhưng không dừng lại ở những thành tựu mang tính định lượng, PGS Văn Như Cương còn để lại cho giáo dục Việt Nam những triết lí giáo dục sâu sắc, thông tuệ khiến tư tưởng của thầy trở thành những giá trị không thể đong đếm, luôn hiện hữu trong sự tri ân và niềm kính trọng của rất nhiều thế hệ giáo viên, học sinh trong và ngoài ngôi trường do chính thầy sáng lập.
Cố PGS Văn Như Cương cùng học sinh Lương Thế Vinh |
Có quá nhiều câu nói của thầy đã được truyền tụng trong nhiều chục năm nay, bài viết nhỏ này chỉ đề cập tới một vài quan niệm mang tính căn cốt nhất trong triết lí giáo dục của thầy Văn Như Cương. Mọi hành trình đều cần xác định trước vạch đích hướng tới, giáo dục cũng không ngoại lệ. Trước hết, và sau cùng, thầy Văn Như Cương coi sự tử tế là mục đích lớn lao nhất của giáo dục. Ngay khi bước vào cổng trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, lời dạy của thầy Văn Như Cương đã được những thế hệ kế cận, tiếp nối sự nghiệp và tâm nguyện của thầy khắc sâu vào đá:“Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc… nhưng trước hết phải là những người tử tế”!
Trong thời đại văn minh vật chất phát triển mạnh mẽ, nhiều khi tầm vóc, nhân cách con người được khẳng định bằng những giá trị hiện hữu dễ định lượng, thay vì sự tử tế, lòng nhân ái, sự khoan dung…, và đó là bối cảnh xã hội khiến quan niệm của thầy Văn Như Cương như một cách giúp cân bằng lại các giá trị đang bị nhìn nhận cực đoan, thiên lệch. Trong câu nói của thầy, sau các từ chỉ những giá trị tích cực như “giỏi, thành công, tầm cỡ, xuất sắc” là từ “tử tế”, cho thấy với thầy, tử tế là giá trị cao nhất trong thang bậc đánh giá con người; tử tế không chỉ thuộc bình diện đạo đức, nhân cách, nó còn là chìa khóa đưa con người mở ra cánh cửa thành công; đúng như tư tưởng của Inamori Kazuo – một doanh nhân người Nhật – gửi gắm trong cuốn sách mang nhan đề: Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế!
Triết lý giáo dục của thầy vẫn sống mãi với thời gian và các thế hệ học sinh |
Triết lí giáo dục về sự tử tế của thầy tiếp tục được duy trì, phát triển mở rộng bởi các thế hệ tiếp nối. Tâm nguyện của thầy mong được lan tỏa sự tử tế, được chia sẻ tình yêu thương với những mảnh đời bất hạnh ở những vùng sâu, vùng xa; cứu giúp những cảnh ngộ thương tâm trong mỗi lần bão lụt… đã được đội ngũ cán bộ quản lí, tập thể giáo viên, công nhân viên và học sinh trưởng THPT Lương Thế Vinh thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả nhất.
Năm 2017, trước khi mất, trái tim nhân hậu của thầy vẫn đau đáu hướng về những ngôi trường heo hút của vùng cao, thầy đã dặn lại con cháu: “Một phần tiền phúng viếng bố, hãy thay bố tiếp tục xây dựng trường Na Ngao”! Thực hiện di nguyện thiêng liêng của thầy, năm 2018, Hội đồng trường THCS&THPT Lương Thế Vinh đã xây dựng thành công điểm trường Na Ngao tại Hà Giang.
Tháng 11/ 2024, triết lí sống tử tế của thầy tiếp tục được lan tỏa trong một sự sẻ chia xúc động khi Ban Giám hiệu trường Lương Thế Vinh và các thầy cô giáo Trường THCS &THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã trực tiếp tới thăm và tiến hành “Lễ khởi công xây dựng điểm trường Hú Trù Lình - Trường Mầm Non Lao Chải”, một trong những điểm trường khó khăn nhất thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Kiên định kỷ luật nghiêm học sinh
Thầy từng nói về một trong những giải pháp cho sự tử tế:“… khi nào tôi vẫn còn lãnh đạo trường Lương Thế Vinh thì vẫn giữ chủ trương phải theo kỷ luật", hoặc“Cần nghiên cứu lại các hình thức kỷ luật học sinh, vừa nghiêm minh, vừa hiệu quả, vừa mang tính giáo dục”…
Cũng từng có một vài cách nghĩ trái chiều về quan điểm kỉ luật nghiêm minh ở trườngTHCS&THPT Lương Thế Vinh, nhưng tính sư phạm và sự nhân văn trong“các hình thức kỉ luật học sinh, vừa nghiêm minh, vừa hiệu quả, vừa mang tính giáo dục” đã được chứng minh khi những thế hệ học sinh của trường nối tiếp nhau trưởng thành nhờ sự tử tế, đúng như mong ước của người thầy đáng kính. Sự đúng đắn trong nhiều chủ trương của trường đã được cả xã hội công nhận, ví dụ những quy định khi sử dụng Facebook, hoặc yêu cầu học sinh không sử dụng điện thoại trong lớp học… đã gặp nhiều phản đối, nhưng tới nay, những quy định đó không chỉ được thực hiện ở các trường học trong nhiều tỉnh thành mà thậm chí quy định về sử dụng Facebook còn được nhắc đến ở nhiều tổ chức, cơ quan ngoài ngành giáo dục, trở thành một trong những tiêu chí của văn hóa cộng đồng.
“Chủ trương phải theo kỷ luật" của thầy tuyệt đối đúng đắn và nhân văn bởi đó là cách đảm bảo cao nhất cho sự phát triển tự do chân chính của con người. Khi mỗi cá nhân là thành viên của một cộng đồng có tổ chức, con người chỉ thực sự tự do khi tuân thủ những quy định của cộng đồng, không để quyền tự do của mình ảnh hưởng tới cộng đồng, bởi kỉ luật chính là tự do! Thử hình dung nếu mọi thành viên trong một cộng đồng đều thực hiện cái gọi là “quyền tự do” của mình bằng những hành vi có thể làm phương hại tới quyền lợi, danh dự, hoặc sự yên ổn trong cuộc sống của người khác, thậm chí của cả cộng đồng, khi ấy, sự tự do của tất cả mọi cá nhân sẽ biến mất. Chính kỉ luật giúp chúng ta có không gian tự do, giúp chúng ta trở thành những con người sống trách nhiệm, nhân văn, biết tôn trọng người khác, tôn trọng pháp luật, biết tự trọng bản thân. Rất nhiều học sinh sau khi ra trường đã chia sẻ: kỉ luật nghiêm minh của nhà trường đã xây dựng nên nguyên tắc sống trong suốt cuộc đời để chúng em biết tuân thủ pháp luật cùng những quy ước, quy định trong cộng đồng xã hội, giúp chúng em trở thành những con người tử tế!
Ở trường THCS &THPT Lương Thế Vinh, dòng chữ “Có chí thì nên” trở thành một lời nhắc nhở ân tình, vọng tự truyền thống ngàn năm, qua sự tiếp nhận, tâm niệm và phấn đấu của PGS Văn Như Cương, câu tục ngữ dân gian ấy đã trở thành bí quyết thành công trong sự nghiệp giáo dục, cũng là tâm nguyện của các thế hệ giáo viên và học sinh trường THCS & THPT Lương Thế Vinh. Từ triết lí giáo dục của thầy về sự tử tế, chúng ta hiểu rằng “nên” trong“Có chí thì nên” chính là “nên người” – người thành công, người tử tế!