> Tiền Phong - 60 năm trong đội ngũ tiên phong
> Phóng viên 'Tiền Phong' và những điểm nóng miền Nam
Tổng Biên tập Đinh Văn Nam (bìa trái) và các phóng viên Tiền Phong những năm 70. |
Ngay từ năm 1985, trước khi xuất hiện tác giả “NVL”, dưới sự chỉ đạo của TBT Đinh Văn Nam, trên báo Tiền Phong đã lác đác đăng tải những bài viết chống tiêu cực. Và cũng chính từ báo Tiền Phong, đã xuất hiện cụm từ “sự im lặng đáng sợ”. Song, dấu ấn đầu tiên phải kể đến bài thơ “Có thép”, “Mùa xuân nhớ Bác” của nữ sinh viên Phan Thị Xuân Khải – một hồi chuông báo động sự lép vế của cái Tốt trước cái Xấu. Hàng ngàn bức thư gửi về Tòa soạn thể hiện đại đa số độc giả từ già đến trẻ đều tâm đắc, ủng hộ nội dung, tư tưởng của bài thơ, tuy nhiên, một số người lại coi đó là sự “xuyên tạc”, “bôi xấu chế độ”, thậm chí là “phản động” cần phải “xem xét”, “xử lý”…
Còn nhớ, thuở đó, ngoài sự tán thưởng nhiệt thành của độc giả trong cả nước, cũng đã hiển hiện một đám mây đen nặng nề phủ lên tòa soạn. Song, dưới sự “lèo lái” khéo léo, bình tĩnh của Đinh Văn Nam, đám mây đó cũng dần tan biến. Có thể nói, đó chính là cái mốc đáng nhớ mà qua đó, tờ báo Tiền Phong đã chiếm được lòng tin và sự ủng hộ của các tầng lớp công chúng. Âm hưởng của “Mùa xuân nhớ Bác” còn đang vang rộng, trên tờ Tiền Phong lại xuất hiện “vụ án Lê Huy Chung” – một học sinh nghèo của Thanh Hóa, nhưng lại là một nạn nhân điển hình bởi những tiêu cực trong ngành Giáo dục “cái sảy, nảy cái ung”.
Từ chuyện của một học sinh cấp 3 đã dẫn tới sự đối đầu công khai giữa một số lãnh đạo địa phương với các cơ quan báo chí ở Hà Nội. Đó thực sự là một cuộc đấu tranh đầy cam go, gian khổ. Phóng viên của Đại Đoàn Kết, Lao Động, Tuần Tin Tức, Tiền Phong… đều phải trở thành những “thám tử” bất đắc dĩ khi về hoạt động tại địa phương bởi sự theo dõi gắt gao như thời chiến. Các phóng viên khỏe mạnh, có chút kinh nghiệm của Tiền Phong đều đã được huy động “nhập cuộc” như Hồ Thu Hiền, Xuân Ba, Trung Hiền và cả TBT cũng “ra trận”, về Thanh Hóa “ém quân” nhiều ngày tại cơ sở bí mật để thu thập tin tức, bằng chứng.
Hẳn bạn đọc tầm tuổi trung niên còn nhớ loạt phóng sự 4 kỳ “Người vô danh” được đăng tải trên Tiền Phong vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Từ phóng sự này mà nhà soạn kịch tài ba Lưu Quang Vũ đã dựng vở “Hai ngàn ngày oan trái” (nguyên văn một tít nhỏ trong bài báo). Có lẽ đến nay, còn rất ít người biết rằng, chính nhà báo Đinh Văn Nam là người đầu tiên của báo Tiền Phong phát hiện ra. |
Còn nhớ giữa mùa hè rát bỏng của cái nắng miền Trung (1986), TBT Đinh Văn Nam rỉ tai Hồ Thu Hiền và tôi “ngậm tăm đi Thanh!”. Bí mật là phải, bởi trước đó, không ít phóng viên của các báo mỗi khi có mặt ở Thanh Hóa, là có vài cái “đuôi” bám theo, không “mần ăn” được gì. Nhiều lần, các phóng viên phải hẹn nhân chứng và “liên lạc viên”, tại đầu cầu Hàm Rồng, hoặc ở địa điểm cách xa thị xã. Mục đích của chuyến đi là bằng mọi cách phát hiện ra được một “chân gỗ” thân cận với quan chức trong ngành Giáo dục tỉnh. “Sở chỉ huy” đặt tại một “cơ sở” đáng tin cậy. Qua sàng lọc, chúng tôi phát hiện ra một “đệ tử” của quan chức nọ mà dân ở đây gọi là “cò”… T. Việc tiếp cận đối tượng rất khó, không khéo là lộ “tẩy”. Qua trao đổi, “sếp” thống nhất với kế hoạch là Hồ Thu Hiền và tôi đóng giả là một cặp vợ chồng trẻ, mới từ Đức về, tiền bạc không thành vấn đề, miễn là xin được cho con được chuyển từ Đồ Sơn vào một trường “oách” trong thị xã.
Trước lúc xuất phát, “hai vợ chồng” phải qua một “sát hạch” giả giọng nói xứ Thanh. Chủ nhà chấm 8 điểm. “Đồ nghề” gồm: Áo sơ mi “chim cò” có in chữ nước ngoài, một túi khoác cũng in chữ nước ngoài, bên trong “vũ khí” quan trọng nhất là máy ghi âm, ngoài ra “sếp” hào phóng chi cho mấy bao 555 cho xứng với đôi vợ chồng giầu mới từ nước ngoài về; tay Hồ Thu Hiền còn đeo một chiếc nhẫn giả to tướng.
Chẳng ngờ, “đối tượng” mắc câu quá nhanh, thậm chí, còn ngoan ngoãn theo chúng tôi ra bụi tre để “tâm sự”, có lẽ, một phần do choáng ngợp trước “mồi câu” là con “ mô – kích”(xe máy Sim Sơn của Đức – của quý thời đó). Trong lúc “vợ” khai thác thì “chồng” thò tay vào túi lấy bao 555, cùng lúc bấm “Play” máy ghi âm. Cò T. vẫn thao thao bất tuyệt không đề phòng gì, khai tuốt tuồn tuột “ông nọ”, “bà kia”. Về đến cơ sở, mở băng nghe lại, rõ mồn một giọng cò T, thi thoảng điểm thêm tiếng chó sủa… Đêm ấy mãi hơn 1 giờ đêm mọi người mới lên giường. Sếp và tôi nằm trên một giường, bên kia là Hồ Thu Hiền và con gái chủ nhà. Đêm oi bức, ngột ngạt, lại mất điện, nên cả nhà trằn trọc. Sếp đùa:
Có nhớ “vợ” thì sang bên kia!
Cám ơn thủ trưởng, em đã…
Cả nhà cùng cười, rồi thức dậy, lấy lạc luộc ra ăn...
Hẳn bạn đọc tầm tuổi trung niên còn nhớ loạt phóng sự 4 kỳ “Người vô danh” được đăng tải trên Tiền Phong vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Từ phóng sự này mà nhà soạn kịch tài ba Lưu Quang Vũ đã dựng vở “Hai ngàn ngày oan trái” (nguyên văn một tít nhỏ trong bài báo). Có lẽ đến nay, còn rất ít người biết rằng, chính nhà báo Đinh Văn Nam là người đầu tiên của báo Tiền Phong phát hiện ra. Tôi còn nhớ rất rõ, đó là một buổi chiều Xuân 1988. Số báo Tết đã lên khuôn để sớm mai in. Năm hết Tết đến, ngày cùng, tháng tận, nên mọi người ai ai cũng lo sắm sửa cho mấy ngày đầu xuân, bởi thế, phóng viên các phòng ban đều mắt trước, mắt sau rủ nhau... lỉnh! Riêng TBT Đinh Văn Nam, mặc dù đã duyệt xong báo Tết, nhưng, ông vẫn lăn tăn vì thực sự, trong cả số báo ấy, chưa có bài nào được coi là “Đinh”. Ông ghé qua Ban bạn đọc. Vắng teo! Nhìn chồng thư bạn đọc mới gửi về, ông liền ngồi xuống ghế rồi giở từng thư, bài viết của bạn đọc. Sau này, nhiều lần tôi tự nhủ, nếu không có sự sâu sát, tìm tòi của ông, cộng với sự lơ là của một ai đó, rất có thể đã không có phóng sự nổi tiếng “Người vô danh”. Bình thường, cũng là người rất chịu khó “lỉnh” đi làm vài ly, nhưng buổi chiều ấy, không hiểu vì lý do gì mà sắp hết giờ chiều tôi vẫn “ngoan”, bao tử “chay tịnh” chưa một giọt nào, vẫn lượn lờ ở cơ quan. Ông lên tận phòng bảo Mạnh Việt xuống phòng mình tí nhé! Tới nơi, ông đưa cho tôi bài báo “Phiên tòa ngày mai” của một bạn đọc là Hồ Hồng Tuyến vừa gửi từ Nghệ An ra. Tôi lướt qua và nhận thấy nội dung tuyệt hay, người viết cũng thật khéo, đó là câu chuyện ly kỳ mà sau này, một kiểm sát viên cao cấp phải thốt lên là một vụ án ly kỳ mà trên thế giới chưa từng xảy ra. Câu chuyện về người anh trai giết nhầm em ruột rồi đổ tội cho giảng viên Nguyễn Sỹ Lý phải gánh 17 năm tù giam...
“Sếp” bàn với tôi: Theo mình giờ có hai phương án, vì mai báo đã đăng, bây giờ đã cuối giờ chiều, các cơ quan đều sắp nghỉ. Một là, ta cứ cho đăng rồi ghi là “bạn đọc viết”, nhưng tính chiến đấu còn kém, vả lại, nếu tác giả “phịa” ra thì báo Tiền Phong sẽ lãnh đủ. Hai là, phải xác định đúng là có sự việc này xảy ra, nhưng trong hoàn cảnh này thật khó, Việt có ý kiến gì không. Nên chăng, ta sang Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) hỏi thử xem, biết đâu bên đó vẫn còn có người làm việc.
Tôi đáp: Phải hỏi cho chắc đã “sếp” ạ, nếu không sau này phiền toái lắm. Cứ để em chạy qua bên Tòa án, may chăng gặp được ai đó, nếu không mình đến tận nhà riêng...
Vì thời gian gấp gáp, nên chẳng kịp lấy giấy giới thiệu, tôi lấy xe phi thẳng sang TANDTC. Đúng lúc các cán bộ, nhân viên của Tòa đang lục tục ra về. Trước lúc tôi đi, “sếp” còn dặn với theo: Tìm được chị Khanh thì tốt, chị ấy là phó Chánh án, trước công tác bên Đoàn...
Bài báo "Người Vô danh" trên Tiền Phong năm 1988 gây chấn động. |
Thật là may, đúng lúc bà phó Chánh án ra đến cửa để về thì tôi tới nơi. Sau khi nghe tôi trình bày vắn tắt sự việc, bà phó Chánh án rất nhiệt tình, bảo đợi một lát, rồi bà giới thiệu ông Trịnh Hồng Dương, lúc đó là Chánh Tòa hình sự TANDTC. Ông Trịnh Hồng Dương xác nhận đó là một câu chuyện có thật và sắp tới TANDTC sẽ xét xử theo thủ tục tái thẩm. Trước mắt, Nguyễn Sỹ Lý được tại ngoại... Sáng hôm sau, bài báo “Phiên Tòa ngày mai” ra mắt bạn đọc. Ăn Tết xong, “sếp” giục tôi đi Quỳ Hợp (Nghệ An), và sau đó, loạt phóng sự “Người vô danh” đã đến với bạn đọc...
Sau “Người vô danh” bạn đọc lại biết đến vụ Bàn Mạch (Vĩnh Phúc), từng gây xôn xao dư luận một thời. Nhưng không ai biết rằng, người đầu tiên phát hiện ra những tiêu cực ở cái làng bé nhỏ miền Trung du ấy, cũng chính là nhà báo Đinh Văn Nam. Khi đó, ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn làm việc với vai trò “cố vấn”. Ông đã trực tiếp cùng tôi về tận Bàn Mạch để điều tra, thu thập tài liệu, rồi cùng viết, biên tập và sau đó, cùng tôi và các đồng nghiệp khác trải qua những ngày tháng lao khổ để rồi cuối cùng chân lý đã thắng...
Bấy nhiêu năm đã trôi qua, ông đã trở thành người thiên cổ, nhưng, dấu ấn của cây viết Đinh Văn Nam để lại cho báo Tiền Phong là không thể phai mờ. Ông vẫn còn như đâu đây, nhất là vào dịp sinh nhật tờ báo mà ông đã gắn bó trọn một đời...