Có nên tồn tại luận văn?

Có nên tồn tại luận văn?
Trước thực trạng luận văn tốt nghiệp đại học không còn nhiều giá trị về mặt khoa học, có nhiều ý kiến xem xét sự tồn tại của việc này.

Sinh viên từ chối làm luận văn tốt nghiệp 

Có nên tồn tại luận văn?

> Nhiều sinh viên từ chối làm luận văn tốt nghiệp
> Sinh viên năm cuối lo “sốt vó” với chuẩn đầu ra mới

Trước thực trạng luận văn tốt nghiệp đại học không còn nhiều giá trị về mặt khoa học, có nhiều ý kiến xem xét sự tồn tại của việc này.

Chỉ chọn một số sinh viên (SV), để tất cả SV làm luận văn hay bỏ hẳn việc này là 3 quan điểm đang gây tranh luận ở các trường ĐH, CĐ hiện nay.

Một buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh Đăng Nguyên
Một buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh Đăng Nguyên.

Học đủ tín chỉ là ra trường

Với quy mô nhỏ nên hiện nay luận văn tốt nghiệp đại học được gọi là khóa luận/đồ án để phân biệt với luận văn cao học. Giá trị khoa học của khóa luận không cao, thiếu giảng viên hướng dẫn, tình trạng cắt - dán trở nên phổ biến, SV theo học chế tín chỉ… khiến quan điểm không làm khóa luận đối với bậc ĐH tuy mới ở Việt Nam nhưng ngày càng có nhiều người ủng hộ.

PGS-TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết: “Học tín chỉ và không làm khóa luận là một xu hướng hiện nay của các trường ĐH trên thế giới. Tại Mỹ, châu Âu, SV hoặc không làm khóa luận hoặc chỉ làm rất ít, không tốn nhiều công sức. Còn như ở Úc, học ĐH chỉ có 3 năm, SV còn không có thời gian để làm khóa luận. Điều này không phải là điều mới mẻ với các trường ĐH ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam, còn tùy thuộc vào mục tiêu, quan điểm của lãnh đạo các trường”.

PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ủng hộ việc xóa bỏ làm khóa luận tốt nghiệp đối với bậc đại học. “Làm khóa luận thì kỹ năng xử lý, báo cáo số liệu… của SV sẽ được tăng lên. Nhưng giá trị khoa học của khóa luận thật ra rất thấp. Trong khi đó, bậc ĐH chưa cần thiết phải đi nghiên cứu nên không cần làm đại trà khóa luận làm gì. Chỉ cần tích lũy đủ tín chỉ là được ra trường. Điều quan trọng là nên gắn thực hành, thực tập vào từng môn học để SV có thể cọ xát tốt hơn với việc làm sau này”, ông Ngãi phân tích.

Còn tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng đối với một trường ĐH nghiên cứu, việc làm khóa luận tốt nghiệp là rất quan trọng. Tuy nhiên, với trường thiên về hướng nghề, cũng có thể chỉ để SV hoàn thành tín chỉ là ra trường.

Chỉ khuyến khích sinh viên có khả năng

Do thiếu giảng viên nên hiện nay phần lớn các trường chỉ chọn lọc một tỷ lệ nhất định (thường là những SV khá giỏi) làm khóa luận. Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, từ khi chuyển qua đào tạo tín chỉ, trường khuyến khích SV nào có khả năng và nhu cầu có thể đăng ký làm khóa luận tốt nghiệp. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng vẫn xem xét đặc cách cho những trường hợp SV nằm ngoài danh sách nhưng phải có đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải trong quá trình học tập, hoặc nếu khoa nào có đông SV đạt điểm cao và đủ điều kiện nhưng vẫn không được chọn, thì em nào có nhu cầu được làm luận văn trường vẫn xem xét.

Một SV năm cuối ngành tài chính doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Dù có quy định nhưng em biết có thầy hướng dẫn tới mười mấy SV gồm cả trong lẫn ngoài trường. Với một lượng SV lớn như vậy, thầy lại còn phải lên lớp dạy nữa, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng khóa luận”.

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, lý giải: “Vì số lượng SV quá đông trong khi một giảng viên chỉ được hướng dẫn một số SV nhất định. Nếu để toàn bộ SV được làm khóa luận thì sẽ không có trường ĐH nào đáp ứng đủ lực lượng giảng viên hướng dẫn. Do đó việc hạn chế số SV làm luận văn cũng là hợp lý nhằm nâng cao chất lượng của luận văn tốt nghiệp”. Tình trạng này cũng phổ biến ở nhiều trường. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Tại trường, có khoa có rất nhiều SV đạt điểm cao như Khoa Công nghệ may, nếu để làm đồ án tốt nghiệp hết thì không đủ giảng viên hướng dẫn, do đó nhiều em phải chấp nhận học thêm học phần mới tương đương 7-10 tín chỉ để tốt nghiệp”. Tương tự, thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng chia sẻ: “Trường không thể để tất cả các em đều làm khóa luận vì không đủ điều kiện về số lượng giảng viên. Trong khi một công trình nghiên cứu khoa học như luận văn đòi hỏi sự chuyên tâm, tìm tòi, tâm huyết của chính SV lẫn giảng viên hướng dẫn”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khi giáo dục ĐH Việt Nam có sự phân tầng giữa ĐH nghiên cứu, ĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng, ĐH cộng đồng thì việc duy trì hay bỏ khóa luận ở các trường sẽ rõ ràng hơn hiện nay rất nhiều. Khi đó, có thể chỉ những SV thuộc các trường ĐH nghiên cứu mới cần làm khóa luận. Có như thế, chất lượng khóa luận mới được nâng cao và SV mới thấy hết giá trị, tầm quan trọng của một công trình khoa học.

Áp dụng cho các ngành đặc thù

Những trường/ngành đặc thù đều bắt buộc các SV thực hiện khóa luận/đồ án.

Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM mỗi khóa có khoảng 1.100 SV theo học và cũng chừng đó SV bắt buộc phải làm đồ án tốt nghiệp chứ không có hình thức nào khác. Thạc sĩ Ninh Quang Thăng, Trưởng phòng Đào tạo, cho hay: “Vì trường đào tạo những ngành tương đối đặc thù nên SV phải thể hiện kết quả học tập của mình thông qua một đồ án chứ không phải những câu lý thuyết suông trong một bài thi. Mặc dù trước đó, các em đã từng làm rất nhiều đồ án môn học nhưng đồ án tốt nghiệp thì sẽ tổng hợp được tất cả mọi kiến thức và kỹ năng trong suốt 4-5 năm học”. Tương tự, một số trường khác cũng yêu cầu 100% làm đồ án tốt nghiệp như Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, các ngành xây dựng, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang của Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM…

Ông Thăng cho rằng, mặc dù mỗi trường có một quy định riêng, đặc thù riêng, nhưng nên để SV có cơ hội được thể hiện mình thông qua một công trình nghiên cứu khoa học dạng khóa luận hay đồ án vào dịp kết thúc khóa học.

Ý kiến

Hình thức nào cũng có ưu điểm

“Trong học chế tín chỉ, SV chọn làm khóa luận tốt nghiệp hay hoàn thành tín chỉ là theo ý thích. Mỗi một hình thức có ưu điểm riêng. Nếu muốn tìm hiểu chuyên sâu về một vấn đề nào đó, SV nên làm khóa luận. Còn học thì có các môn bổ trợ để SV có một số kỹ năng khi ra trường”.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Tư duy logic hơn khi làm khóa luận

“Kinh nghiệm cho thấy các SV làm khóa luận tốt nghiệp thường biết cách hoàn thành một vấn đề, một dự án... logic khi đi làm việc sau này. Lý do là trong quá trình làm, các SV này đã biết cách tìm hiểu, xâu chuỗi, trình bày theo một trình tự khoa học”.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)

Thi an toàn hơn

“Nếu đến sát ngày quyết định mà bạn còn lưỡng lự và chưa có định hướng gì thì thi an toàn hơn. Vì cùng khoảng thời gian, học 3 môn chắc là dễ hơn. Làm khóa luận rất tốn thời gian, công sức, tiền bạc, nên nếu chưa có định hướng thì không nên làm”.

T.Hoàng (SV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM)

Theo Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG