Có nên thụt mật ong liên tục cho bé sơ sinh?

Ảnh minh họa: Parentdish.co.uk.
Ảnh minh họa: Parentdish.co.uk.
Bé nhà tôi được 2 tháng 18 ngày, vừa bú mẹ vừa ăn sữa công thức. Tháng đầu, bé đi ngoài dễ dàng và đều đặn nhưng hơn một tháng nay, mỗi lần đi là khóc thét rất dữ dội.

Tôi được hàng xóm mách là lấy mật ong thụt vào hậu môn cho bé, thử làm thì thấy bé dễ đại tiện hơn. Kể từ đó đến nay, mỗi lần thấy con muốn đi ngoài là tôi lại dùng mật ong để thụt hậu môn cho con, thậm chí một ngày thụt 2-3 lần. Xin hỏi bác sĩ: Bé nhà tôi có bị táo bón không, cách điều trị thế nào? Việc tôi thụt mật ong cho cháu nhiều như vậy có ảnh hưởng gì? Tôi thật sự rất lo lắng, xin bác sĩ cho lời khuyên.

(Phương Trinh)

Trả lời

Chào bạn,

Bạn không nói rõ mấy ngày bé đi ngoài một lần, phân có rắn hoặc thành hình như viên bi không nhưng theo bạn tả, mỗi lần bé đi ngoài trong tình trạng khó thét, khó khăn như vậy thì bé bị táo bón thật rồi. Bình thường nếu bé bú mẹ hoàn toàn thì ít bị táo bón, mỗi ngày đi ngoài khoảng 3-5 lần phân sệt hoặc hoa cà hoa cải. Khi bạn cho ăn thêm sữa ngoài, có thể sữa không hợp với bé nên dẫn đến bé bị táo bón. Bạn thử đổi sữa khác xem thế nào.

Trước mắt, vì bé mới có hai tháng, bạn cố gắng ăn uống đa dạng thực phẩm, ngủ đủ giấc để có nhiều sữa cho con bú, bé bú càng nhiều thì kích thích sữa về nhiều hơn, chỉ cho bé uống sữa công thức sau khi cho con bú kiệt cả hai bầu sữa mẹ mà bé vẫn chưa no. Sữa mẹ dễ tiêu hóa và hấp thu thì bé đỡ bị táo bón hơn. Có thể bổ sung thêm men vi sinh và chất xơ hòa tan cho bé nhưng cần theo chỉ định của bác sĩ.

Hàng ngày, bạn có thể xoa bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ vào lúc đói, mỗi lần 5 phút. Luyện cho bé đi ngoài hàng ngày đều đặn.

Khẩu phần ăn của mẹ tăng cường ăn nhiều rau xanh (rau lang, mồng tơi, rau đay… và hoa quả tươi (cam, bưởi, chuối tiêu, đu đủ)... Mẹ uống một ngày 2,5-3 lít dung dịch bao gồm sữa, nước quả hoặc hoa quả tươi, nước canh, nước lọc, bổ sung mỗi ngày một đến hai hộp sữa chua sau ăn ít nhất 30 phút.

Bạn không nên lạm dụng thụt cho bé quá nhiều như vậy. Khi bé bị thụt nhiều lần, lâu dần sẽ làm suy yếu cơ thắt vòng hậu môn, về sau bé dễ bị mắc bệnh ị đùn (đi ngoài không tự chủ). Nếu bạn làm mọi cách mà không đỡ thì cần cho bé đi khám nhi để xác định bé có bị mắc bệnh lý về đại tràng không.

Chúc bé sớm khắc phục được tình trạng táo bón và luôn phát triển tốt. 

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.