Có nên “ra mắt” người yêu trong những ngày Tết?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tết là dịp thuận lợi để "ra mắt" người yêu với gia đình. Nhưng hãy cẩn thận khi chọn ngày, giờ, vì điều đó có thể ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ của bạn...

Mỗi dân tộc đều có những ngày được xem là thiêng liêng. Sự thiêng liêng đó phụ thuộc vào đời sống văn hóa xã hội có tính lâu đời được truyền lại cho thế hệ sau. Đối với khu vực Châu Á, những dân tộc có văn hóa dùng đũa để lấy thức ăn; và Phật giáo, những ngày thiêng liêng được chọn theo lịch mặt trăng. Riêng đối với Việt Nam, ngày thiêng liêng nhất là ngày mồng một, mồng hai, mồng ba tháng giêng âm lịch, còn gọi là Tết Nguyên Đán.

Những ngày tết, người ta cấm kỵ nhất là ngày mồng một, trong ngày mồng một người ta thiêng liêng nhất từ 0 giờ đến 12 giờ. Việc chọn người xông đất, việc xuất hành về hướng nào đều được tính kỹ. Có một số người chọn người hợp tuổi Can, Chi; tức là Canh, Tân, Nhâm, Quý, Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỹ và Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi có hợp với chủ nhà không. Chủ nhà thường chọn người chủ trì (lớn nhất) trong nhà làm chuẩn. Có một số người chọn theo tính cách như hiền lành, tháo vát … để xông nhà. Có một số khác thì lấy xác suất ngẫu nhiên xem ai là người đến chúc tết đầu tiên trong năm. Tùy vào tâm lý, sở thích, tín ngưỡng mà người ta chọn cách nào.

Việc mời hoặc đưa bạn đến gia đình mình vào ngày Tết mà không nắm bắt được tâm lý cha mẹ, ông bà mà cứ đưa ào ào về có thể trở thành sự phức tạp và dễ bị kết tội “làm xui xẻo” cho nhà cả năm. Đây là vấn đề khá tế nhị nên rất cần sự cẩn trọng trong việc có nên hay không nên giới thiệu “bạn” với gia đình trong ngày Tết Nguyên Đán năm nay.

Không được mời bạn đến nhà vào sáng mồng một Tết vì thời khắc này chỉ dành cho người lớn giao tiếp. Nếu mà đưa bạn đến hoặc đến thăm bạn mình vào những giờ trong sáng mồng một Tết rất dễ trở thành đối tượng bị chê bai, gán cho cái tội “thiếu lịch sự”, “vô ý thức”, “vô học” …

Không nên mời bạn đến vào chiều mồng một Tết vì thời điểm này vẫn thuộc ngày mồng một, ngày “Lễ cha”, là ngày lễ tế bên nội. Nếu mời bạn đến vào chiều mồng một mà năm đấy gia đình có việc gì thì tất cả đều trút lên đầu bạn mình.

Có thể mời bạn đến nhà chơi vào ngày mồng hai Tết. Ngày mồng hai Tết là ngày “Lễ mẹ” , tức là đi lễ bên ngoại. Ngày đi lễ bên ngoại cũng là ngày có thể đón người ngoài vào nhà. Tuy nhiên, nếu ngày mồng một chưa có khách đến nhà thì không nên mời bạn đến vì có thể bị cho là “người xông đất đầu tiên”. Đây là vấn đề linh hoạt và chú trọng vì tâm lý ngày linh thiêng như đã nói ở trên.

Ngày mồng ba Tết là ngày “Lễ thầy”. Đây là ngày có nhiều cơ hội hơn cả. Bạn có thể nhân cớ rủ nhau đến thăm thầy cô giáo để đến nhà nhau. Cơ hội ngàn vàng nằm trong ngày mồng ba. Tuy nhiên cũng phải xin phép cha mẹ trước để tránh sự đột ngột vào năm mới.

Sau ngày mồng ba có thể đến nhà nhau để rủ nhau đi lễ hội, thăm phong cảnh, đi vui xuân … theo nhóm. Nhưng phải lưu ý là đi theo nhóm từ 3 người trở lên, không được đi chơi 2 người, vì 2 người đi ngày đầu xuân nhất là một nam một nữ dễ bị nghi kỵ và dễ bị cấm đoán, mà bị cấm đoán vào ngày đầu năm là “rông” cả năm.

Tính ngày là thế nhưng còn phải tính tâm lý của cha mẹ, nếu cha mẹ bạn cấm yêu đương và kiên quyết cấm thì tuyệt đối không mời bạn đến nhà trừ khi bạn của bạn đi cùng một nhóm bạn khác nữa. Đi cùng nhóm bạn đến nhà sẽ tránh được tâm lý “nghi kỵ” mà vẫn thầm “khoe” với “bạn” rằng tôi luôn được cha mẹ tin yêu. Việc giữ kỷ cương theo ý cha mẹ ngày Tết là quan trọng lắm, vì nếu có sơ suất gì mà bị mắng thì năm ấy “xui” lắm.

Nếu cha mẹ của bạn tân tiến, tôn trọng đời sống riêng của con cái thì bạn có thể mời bạn đến nhà một mình cũng được. Khi “bạn” đến nhà không được tỏ thái độ “bồ bịch”, vì tỏ thái độ bồ bịch trong ngày Tết ở nhà mình hay nhà “bạn” đều bất nhã. Nếu được sự đồng ý của cha mẹ cho mời “bạn” đến thì phải hướng dẫn bạn rất kỹ về tâm lý cha mẹ, ông bà mình để cần tránh cái gì, làm cái gì, trang phục ra sao … cho phù hợp với người lớn. Khi đến nhà không được tự ý vào nhà và bạn không được mời bạn ngồi, phải chờ cha mẹ, ông bà lên tiếng mời vào nhà mới được bước vào. Khi vào nhà phải xin phép cha mẹ, ông bà được thắp hương trên bàn thờ ông bà (nếu có bàn thờ), sau đó chờ khi nào cha mẹ, ông bà ngồi mới được ngồi. Nếu tự ý bước vào nhà hoặc ngồi sẽ bị xem là vô lễ.

Việc giới thiệu “bạn” với cha mẹ, ông bà vào dịp Tết có thể gặp thuận lợi nhờ ngày thiêng liêng ít bị bắt lỗi, hỏi tội, vì người Việt Nam luôn tôn trọng con và tôn trọng nhau trong những ngày Tết. Đây là điểm thuận lợi để các bạn có thể bộc lộ tư cách đến tuổi trưởng thành của mình. Tuy nhiên, sẽ là thách thức nếu gặp cha mẹ, ông bà nghiêm khắc hoặc “bạn” thiếu thuận tình với cha mẹ của bạn. Khi không thuận tình, mọi bất lợi sẽ đổ dồn lên đối tượng gây ra, lúc có “bạn” ở đấy có thể chưa “thành chuyện” nhưng khi “bạn” về sẽ phức tạp vô cùng và bạn có thể phải chảy nước mặt trong ngày Tết.

Thực sự là khó khi phải trả lời câu hỏi “Nên hay không nên giới thiệu “bạn” với gia đình trong ngày Tết vì mỗi con người, mỗi hoàn cảnh sẽ cho những kết quả khác nhau. Khoa học tâm lý có các quy luật chung nhưng rất ít so với sự tồn tại khác biệt tâm lý mà ta gọi là cái riêng. Bạn phải hết sức thận trọng khi giới thiệu “bạn” trong ngày Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ năm nay.

Theo GS.TS. Vũ Gia Hiền

Theo Mực tím
MỚI - NÓNG