Có nên mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV?

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh Như Ý
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh Như Ý
TPO - Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định mở rộng việc tiếp cận thông tin người nhiễm HIV.

Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận cho ý kiến về Luật Phòng, chống nhiễm vi rút HIV/AIDS (sửa đổi). Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình Quốc hội những điểm mới trong lần sửa đổi bổ sung này. Dự án được thực hiện theo quy trình rút gọn, lần đầu trình ra và dự kiến sẽ được thông qua ngay tại kỳ họp này.

Vấn đề được nhiều người quan tâm là quy định mở rộng việc tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Theo cơ quan thẩm tra, chính sách này ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin của cá nhân người nhiễm HIV. Việc điều chỉnh chính sách này cần hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng cũng cần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh, phù hợp với khuyến nghị của quốc tế.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin là vấn đề cực kỳ quan trọng. Để phòng chống lây nhiễm, ông cho rằng, việc mở rộng đối tượng là cần thiết, vì như cha mẹ, người chuẩn bị đăng ký kết hôn cần phải biết. Tuy nhiên, cũng chỉ nên mở rộng đối tượng trong phạm vi thực sự cần thiết, chứ không phải ai cũng được biết thông tin về người nhiễm.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh), việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin là cần thiết, nhưng quy định như dự thảo luật là quá rộng. Điều này sẽ tác động đến tâm lý người nhiễm, lo sợ lộ thông tin cá nhân. Chính vì vậy, bà ủng hộ phương án 2, chỉ cho phép một số cán bộ y tế được tiếp cận thông tin để làm cơ sở điều trị.

Tranh luận sau đó, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) ủng hộ phương án mở rộng đối tượng được quyền tiếp cận thông tin. Vì họ liên quan trực tiếp đến việc khám chữa điều trị cho người nhiễm, tránh lây nhiễm cho chính họ. Mặt khác, nếu không quy định, họ vẫn biết. Ngược lại, nếu quy định sẽ gắn trách nhiệm cho họ.

Bên cạnh đó, một trong những quy định nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu là đề xuất giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi.

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) phân tích, thực tế nhiều trẻ em không dám nói cho bố mẹ biết, nếu xét nghiệm sớm và điều trị kịp thời sẽ đảm bảo hơn. Tuy nhiên, về mặt tâm sinh lý, đây là độ tuổi đang phát triển, tâm sinh lý chưa ổn định, dễ dẫn đến tâm lý cực đoan, nguy hiểm. Bà Yến đề nghị cần nghiên cứu độ tuổi dưới góc độ khoa học.

Cũng có đại biểu lập luận rằng, người dưới 16 tuổi là trẻ em, nên cần phải giữ quy định như hiện hành. Vì việc này liên quan đến tâm sinh lý của trẻ em. Mặt khác, nếu nói điều chỉnh cho phù hợp tới tình hình thực tiễn, trẻ đủ 15 tuổi đã trưởng thành cũng không hợp lý. Mặt khác, việc có bố, mẹ đi giám hộ cũng bình thường, không vấn đề gì cả. Chính vì vậy, nên để quy định như hiện hành là hợp lý.

MỚI - NÓNG