đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng
Với tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT trên 98%, liệu chúng ta có nên xem xét bỏ kỳ thi chung, thay vào đó là xét tốt nghiệp và để các trường đại học tự chủ tổ chức thi riêng?
Hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn nghiên cứu đề xuất đổi mới thi. Đề xuất này cũng đã được nêu ra nhiều lần trước đây. Tất nhiên, bỏ thi tốt nghiệp hay không là một vấn đề lớn, cần phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, chặt chẽ. Nhưng với kết quả thi gần như tuyệt đối như vậy, theo tôi, cũng nên nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng trong việc cải tiến thi thời gian tới.
Ưu điểm nhất trong việc tổ chức kỳ thi chung là đánh giá được mặt bằng và đưa ra được sự so sánh trong toàn quốc. Các tỉnh nhìn vào đó để cạnh tranh nhau, nếu đứng ở cuối bảng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến danh dự địa phương, nên càng phải phấn đấu. Thế nhưng, để đánh giá sự đổi mới trong việc dạy học và thi, thực tế nếu không tổ chức thi toàn quốc vẫn có cách khác để làm điều này, như phân cấp về cho địa phương chẳng hạn.
Dựa vào thi chung, ngại thi riêng
Với tuyển sinh đại học thì sao, theo ông?
Hiện nay, các trường đại học đã được trao quyền trong tự chủ đầu vào. Tự tuyển sinh đại học cũng là một trong những mong muốn và là một trong những lý do để các trường đấu tranh, bảo vệ tự chủ. Trước đây, rất nhiều trường rất tự tin và mong muốn tự chủ để tự lựa chọn cho phù hợp với yêu cầu đặc thù của từng trường. Vậy bây giờ, Luật Giáo dục đại học đã cho tự chủ rồi, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các trường rồi thì hãy làm đi.
Nhưng trên thực tế, số trường tự chủ bằng cách tổ chức thi riêng không nhiều?
Đó là tâm lý chung. Nếu cứ cho thi toàn quốc như hiện nay thì hầu hết các trường đều căn cứ vào kết quả đó để tuyển sinh. Bởi thực tế, nếu tổ chức riêng, họ cũng sợ rất nhiều điều. Khi tổ chức thi, tự ra đề, tự chấm thi, chi phí sẽ phát sinh. Bên cạnh đó, họ cũng lo về sự cạnh tranh giữa các trường với nhau. Khi nhiều trường tổ chức thi như vậy, học sinh sẽ đến trường nào thi? Trường của mình học sinh có đến không?...
Với trường tốp đầu có thương hiệu, họ đứng ra tổ chức thi còn được, nhưng với những trường trung bình, yếu một chút thì thế nào? Với những lý do cả khách quan và chủ quan như vậy, dẫn đến không phát huy được tính tự chủ trong tuyển sinh. Điều đó cũng đặt ra vấn đề cho công tác quản lý nhà nước.
Nếu vẫn giữ kỳ thi chung như hiện nay sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc tự tuyển sinh của các trường, vì thực tế họ được lợi nhiều từ kỳ thi chung này. Còn nếu bỏ thì đương nhiên họ sẽ phải tự tổ chức thi thôi.
Cảm ơn ông.