Có nên ân xá thủ phạm vụ bắt cóc lớn nhất lịch sử Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi bắt cóc 26 học sinh và 1 tài xế xe buýt trường học, nhốt họ trong lòng đất vào năm 1976, Fred Woods và hai đồng phạm phải nhận 27 bản án chung thân không được ân xá. Một nạn nhân đang bày tỏ bức xúc trước khả năng Woods sắp được trả tự do, CNN đưa tin ngày 2/4.

Ác mộng kéo dài

Từ khi bị bắt cóc chiều 15/7/1976 đến nay, Lynda Carrejo Labendeira luôn bị ám ảnh, rất dễ hoảng sợ trước một số hình ảnh gợi nhớ việc mình bị chôn sống năm đó, như một chiếc xe tải màu trắng, đèn xây dựng, một căn phòng nhỏ…

Khi đang là học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Dairyland ở thành phố Chowchilla, bang California, cô cùng 25 trẻ em khác và tài xế xe buýt của trường bị 3 người đàn ông có vũ trang bắt cóc để đòi 5 triệu USD tiền chuộc.

Có nên ân xá thủ phạm vụ bắt cóc lớn nhất lịch sử Mỹ? ảnh 1
Chiếc xe buýt chở 27 người bị bắt cóc được lưu giữ tại Bảo tàng Bright ở bang California. Nguồn: CNN.

Những kẻ bắt cóc lái xe buýt (rồi chuyển sang xe tải) chở 26 học sinh từ 5 đến 14 tuổi cùng tài xế xe buýt vượt quãng đường 160km tới một mỏ đá hẻo lánh gần thành phố Livermore, bang California.

Với một số đèn xây dựng chiếu sáng mỏ đá tối tăm, những kẻ bắt cóc ra lệnh cho 27 nạn nhân đi vào nơi trông giống như một ngôi mộ lớn - một chiếc xe tải màu trắng được chôn trong lòng đất, cách mặt đất hơn 1,8m.

Từng đứa trẻ lần lượt trèo xuống một cái thang và bước vào chiếc xe tải trong lòng đất. Sau khi học sinh cuối cùng bước vào, những kẻ bắt cóc tháo thang. Suốt 16 tiếng đồng hồ, bọn trẻ chờ được cứu hoặc chờ chết.

Nhiều học sinh khóc lóc, những học sinh lớn tuổi hơn cố gắng an ủi đàn em. Cô Labendeira (giờ đây ngoài 50 tuổi) kể, tất cả bọn họ bị chôn trong một chiếc “quan tài”, với mùi hôi thối của chất nôn và rác rưởi bốc lên nồng nặc bởi cái nóng gay gắt của California.

Có nên ân xá thủ phạm vụ bắt cóc lớn nhất lịch sử Mỹ? ảnh 2

Các công nhân khai quật chiếc xe tải bị chôn trong mỏ đá. Nguồn: CNN.

Trong 46 năm kể từ ngày đó, cô Labendeira cố gắng tránh một đêm ngủ đủ giấc bình thường. “Tôi không cho phép mình đi vào giấc ngủ sâu hơn vì tôi không muốn có giấc mơ đó (bị bắt cóc)… Tôi luôn cố gắng đánh thức bản thân bất cứ khi nào tôi bắt đầu gặp ác mộng”, cô Labendeira nói.

Cơn ác mộng ngoài đời thực đã kết thúc nhờ sự tài tình của tài xế xe buýt Edward Ray và một số học sinh. Họ lên kế hoạch chạy trốn trong khi những kẻ bắt cóc ở bên ngoài. Các con tin xếp chồng những tấm nệm trong xe tải trắng, đứng lên trên để chạm tay một tấm kim loại trên mái. Những tấm kim loại được chặn bởi một bình ắc quy xe tải rất nặng và một đống đất lớn. Tài xế Ray và một số học sinh lớn đánh vật với lối thoát duy nhất đó.

Cô Labendeira nhớ lại: “Edward đào, Mike đào, Jeff đào, Robert đào”. Cuối cùng, họ đào được lỗ hổng đủ lớn để trốn thoát. Những học sinh thấp bé trèo lên vai nhau để chui lên, chạy trốn trong khi những kẻ bắt cóc ngủ.

Có nên ân xá thủ phạm vụ bắt cóc lớn nhất lịch sử Mỹ? ảnh 3

Các nạn nhân bị bắt cóc đào đường thoát thân trong khi bọn bắt cóc ngủ. Nguồn: CNN.

Bắt giữ và kết án

Con trai của chủ sở hữu mỏ đá, Frederick Newhall Woods IV (lúc đó 24 tuổi) nhanh chóng bị nghi ngờ là một trong những người có chìa khóa vào mỏ đá và đủ khả năng tiếp cận để chôn chiếc xe tải ở đó, CBS News đưa tin. Anh ta và hai người bạn của mình, anh em James và Richard Schoenfeld (24 và 22 tuổi), trước đó bị kết tội trộm cắp phương tiện cơ giới, sau đó bị kết án quản chế.

Trên khu đất của cha Woods, cảnh sát tìm thấy một trong những khẩu súng được sử dụng trong vụ bắt cóc cũng như bản thảo giấy đòi tiền chuộc, nhưng ba thanh niên đã bỏ trốn. Hai tuần sau vụ bắt cóc, Woods bị bắt ở thành phố Vancouver, Canada. James Schoenfeld bị bắt trước đó cùng ngày tại California, trong khi Richard Schoenfeld đầu thú 8 ngày sau vụ bắt cóc.

Những kẻ bắt cóc đã không thể đòi số tiền chuộc dự định là 5 triệu USD (tương đương 25 triệu USD vào năm 2022) vì các đường dây điện thoại tới Sở Cảnh sát Chowchilla luôn bận với các cuộc gọi của báo chí và các gia đình đang tìm kiếm con của họ. Ba kẻ bắt cóc đi ngủ ngày 16/7/1976 và thức dậy muộn vào đêm hôm đó để xem các bản tin truyền hình thông báo rằng các nạn nhân đã tự giải thoát.

James Schoenfeld sau đó nói rằng mặc dù xuất thân từ những gia đình giàu có, nhưng cả Schoenfeld và Woods đều mắc nợ rất lớn. “Chúng tôi cần nhiều nạn nhân để có được nhiều triệu đô la, và chúng tôi chọn trẻ em vì chúng quý giá. Nhà nước sẽ sẵn sàng trả tiền chuộc cho chúng. Và chúng không đánh trả, dễ bị tổn thương”, Schoenfeld nói.

Có nên ân xá thủ phạm vụ bắt cóc lớn nhất lịch sử Mỹ? ảnh 4

Các nạn nhân bị bắt cóc phải sử dụng một chiếc hộp có lỗ để làm nơi vệ sinh. Nguồn: CNN.

Đặc xá tha tù

Trong phần còn lại của thời thơ ấu, cô Labendeira đã có một chút an ủi khi nghĩ rằng ba kẻ bắt cóc, anh em Richard và James Schoenfeld và Fred Woods, có thể sẽ dành phần đời còn lại của họ sau song sắt.

Nhưng vào năm 1980, một hội đồng phúc thẩm lật lại bản án ban đầu, nói rằng ba thủ phạm không gây ra thương tích nghiêm trọng cho cơ thể nạn nhân và do đó sẽ có cơ hội được ân xá. Richard Schoenfeld được ân xá vào năm 2012, còn anh trai James được trả tự do vào năm 2015.

Có nên ân xá thủ phạm vụ bắt cóc lớn nhất lịch sử Mỹ? ảnh 5

Ba thủ phạm Frederick Woods, James Schoenfeld and Richard Schoenfeld (từ trái sang). Ảnh: Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Alameda.

Mới đây, ngày 25/3/2022, hai ủy viên ân xá đã đề nghị trả tự do cho Woods. Quyết định của ban hội thẩm vẫn phải được xem xét bởi cố vấn trưởng của Hội đồng Điều trần ân xá - người có thể nêu vụ việc để xem xét và bỏ phiếu bởi toàn hội đồng. Một thành viên Hội đồng Điều trần ân xá cũng có thể nêu vụ việc với toàn bộ hội đồng. Nếu cả hai điều trên đều không xảy ra trong vòng bốn tháng, thống đốc bang có 30 ngày để xem xét quyết định.

Khi cô Labendeira biết Woods có thể sớm đi lại tự do, cô đã bị sốc. Cô đã tham dự mọi phiên điều trần ân xá kể từ khi Richard Schoenfeld được trả tự do, bao gồm cả các phiên điều trần dành cho James Schoenfeld và Fred Woods.

Tại phiên điều trần gần đây nhất của Woods, người đàn ông 70 tuổi nói mình vô cùng hối hận vì đã gây ra nỗi kinh hoàng và chấn thương cho các nạn nhân. Nhưng cô Labendeira nói. “Lời nói đó không thay đổi được hành động, không thay đổi được kết quả, không thay đổi được những năm đã qua. Nó không thay đổi tất cả những ký ức về những gì đã xảy ra. Những ký ức không bao giờ mất đi”, cô nói.

Woods ngồi tù từ năm 24 tuổi. “Woods không phải là một con quái vật”, luật sư Dominique Banos của Woods nói. Trong nhiều thập kỷ qua, Woods đã ân hận, tìm cách chuộc lỗi, tham gia kiểm soát côn trùng gây hại trong nhà tù, tham gia các khóa học, bao gồm các khóa học về sự đồng cảm và tác động tới nạn nhân, luật sư Banos nói.

Có một vài lý do có thể khiến Woods ở tù nhiều năm hơn hai đồng phạm. Ngoài là chủ mưu vụ bắt cóc lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, Woods cũng có một số hành vi vi phạm trong tù, như sử dụng điện thoại di động trái phép…

Nhưng Woods giờ không còn là một mối đe dọa đối với xã hội, luật sư Banos nói. “Woods đã ở tù 46 năm... và không làm hại một con ruồi”, cô nói.

Có nên ân xá thủ phạm vụ bắt cóc lớn nhất lịch sử Mỹ? ảnh 6

Ba tù nhân Fred Woods, Richard Schoenfeld và James Schoenfeld (từ trái sang). Nguồn: CNN.

Tuy nhiên, Labendeira không đồng ý với việc trả tự do cho Woods. Cô giống như đang thụ án chung thân vì ký ức đau thương từ năm 10 tuổi và tin rằng những kẻ bắt cóc sẽ phải chịu án chung thân không được ân xá.

“Nếu con bạn bị bắt cóc và chôn sống, thì bao lâu là đủ? Bao lâu là đủ đối với 26 đứa trẻ trên một chiếc xe buýt học sinh bị bắt cóc và chôn sống?”, cô Labendeira hỏi.

Có nên ân xá thủ phạm vụ bắt cóc lớn nhất lịch sử Mỹ? ảnh 7

Lynda Carrejo Labendeira cho biết cô vẫn thường hoảng loạn do hậu quả vụ bắt cóc năm 1976. Nguồn: CNN.

Tác động lâu dài

Một nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ bị bắt cóc năm 1976 phải chịu đựng những cơn hoảng loạn, những cơn ác mộng liên quan bắt cóc và cái chết, và thay đổi tính cách. Nhiều người nảy sinh nỗi sợ hãi về những thứ như “xe cộ, bóng tối, gió, nhà bếp, chuột, chó…”, Chicago Tribune đưa tin. Nhiều nạn nhân tiếp tục báo cáo các triệu chứng chấn thương ít nhất 25 năm sau vụ bắt cóc, bao gồm lạm dụng chất kích thích và trầm cảm.

MỚI - NÓNG