Cô nàng 9X 'hoang dã'

Cô nàng 9X 'hoang dã'
Thu Trang sẵn sàng ở trong rừng hàng tháng trời để tìm hiểu đời sống của động vật hoang dã như linh trưởng, vooc.

> Tranh vẽ…trên đùi đẹp như mơ của thiếu nữ 9X

Nguyễn Thị Thu Trang có niềm đam mê với động vật từ bé. Cô nàng đang theo đuổi và ấp ủ nhiều dự án nhằm bảo tồn và phát triển động vật hoang dã. Thu Trang đã lập nên page Tôi yêu động vật thu hút hàng chục ngàn người yêu thích trên Facebook. Vừa qua, Trang cũng nhận được học bổng nghiên cứu sinh của ĐH Cambridge danh tiếng.

Thu Trang yêu thích động vật từ nhỏ và ấp ủ nhiều dự án bảo tồn động vật hoang dã.
Thu Trang yêu thích động vật từ nhỏ và ấp ủ nhiều dự án bảo tồn động vật hoang dã..

- Hi Trang, từ khi nào bạn lại yêu thích đông vật vậy?

- Từ nhỏ mình đã rất yêu động vật và rất thích xem những chương trình về động vật hoang dã. Ngày xưa, nhà mình nuôi rất nhiều động vật như chó, mèo, cá… Có lẽ sự yêu mến động vật bắt nguồn từ đó. Chỉ nhớ là mình bắt đầu có ý thức muốn làm gì đó để bảo vệ động vật vào lúc khoảng 8 tuổi.

- Tại sao bạn lại chọn động vật hoang dã để gắn bó, theo đuổi?

- Tình yêu và đam mê cho công việc bảo tồn đã thấm vào máu mình từ khi còn nhỏ rồi. Ngày còn bé có lần mình đánh nhau với hai đứa em họ vì tụi nó giết kiến bò trên tường hay cãi nhau với bạn bè vì tụi nó tìm cách giết mấy chú ong bay vào trong lớp.

Nhiều người không hiểu vì sao mình lại phản ứng gay gắt như thế nhưng đối với mình bất cứ loài động vật nào cũng có quyền được sống trong môi trường tự nhiên của chúng, việc đánh đập hay giết hại động vật là không chấp nhận được.

Thu Trang trong chuyến nghiên cứu về linh trưởng hoạt động về đêm tại Tsitongambarika, Madagascar.
Thu Trang trong chuyến nghiên cứu về linh trưởng hoạt động về đêm tại Tsitongambarika, Madagascar..

- Bạn đã gặp những khó khăn gì khi quyết định chọn ngành bảo tồn động vật hoang dã?

- Khó khăn đầu tiên khi bắt đầu chọn ngành là thiếu thông tin. Hồi ấy Internet ở Việt Nam là cái gì đó mới lạ lẫm, chưa biết lên Google như bây giờ. Hơn nữa tiếng Anh của mình hồi ấy cũng rất hạn chế. Vậy nên mình chỉ ra hiệu sách, tìm đọc những thông tin cơ bản về động vật, rồi cố gắng nhớ rồi ghi chép lại.

Sau đó mình bắt đầu tìm hiểu về những tổ chức phi chính phủ về bảo tồn ở Việt Nam như WWF (World Wildlife Fund), FFI (Fauna & Flora International), TRAFFIC: The Wildlife Trade Monitoring Network, IUCN..., rồi xin vào thư viện của họ đọc thông tin.

Ngoài ra, bố mẹ mình cũng không muốn mình theo đuổi ngành này vì sợ con gái sẽ phải đi nhiều nơi, vào rừng sâu gặp nguy hiểm. Nhưng bằng niềm đam mê mình đã thuyết phục được họ.

- Những kỷ niệm trong những lần băng rừng, lội suối mà bạn nhớ nhất?

- Điều hứng thú nhất khi làm việc ở những khu rừng đó là mình được gặp những loài thực vật, động vật độc đáo mà mình chưa nhìn thấy bao giờ. Có lần đi làm nghiên cứu về linh trưởng nhưng mình lại ghi hết những loài động, thực vật mới mà mình gặp trong suốt chuyến đi vào sổ.

Cũng có lần đi rừng mình bị côn trùng cắn, gai cào, bị mưng mủ, sốt hay bạn đồng hành bị rắn cắn khi đang phát đường qua bụi rậm.

Cũng có những chuyện không may mắn nhưng đáng nhớ như hồi mình đi Madagascar. Mình đã phải ở trong rừng một mình với chú dẫn đường chỉ nói tiếng bản địa. Lúc ấy rất lo lắng vì không biết sẽ phải làm việc như thế nào. Nhưng cuối cùng thật may là mình và chú ấy vẫn tìm được cách hiểu ý nhau và vẫn làm được việc.

Cô nàng 9x cùng người dẫn đường bản địa ở Sainte Luce, Madagascar.
Cô nàng 9x cùng người dẫn đường bản địa ở Sainte Luce, Madagascar..

- Bạn tâm đắc nhất với dự án nào nhất từ trước đến nay?

- Ở Việt Nam thì mình chưa có cơ hội được nghiên cứu nhiều. Mình chỉ mới làm dự án bảo tồn ở Vườn Quốc Gia (VQG) Ba Bể, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu bảo tồn Ngọc Linh, VQG Cúc Phương. Ở nước ngoài thì mình đã đến Malaysia, Borneo, Tenerife (Tây Ban Nha), Tsitongambarika & Sainte Luce (Madagascar).

Dự án tâm đắc nhất đó là nghiên cứu ở Madagascar vừa rồi, mình làm về loài Eulemur collaris ở phía Đông Nam của Madagascar. Sau khi hoàn thành thì phát hiện ra số lượng nó ít hơn rất nhiều so với những gì mọi người vẫn nghĩ. Cụ thể là có thêm 2 mảng rừng lớn nữa mà loài này hoàn toàn không còn tồn tại ở đó. Số liệu này sau đó được thống kê cùng với nhiều số liệu khác qua cuộc gặp mặt của các chuyên gia ở Madagascar. Loài Eulemur collaris này từ mức “VU” (sắp nguy cấp) đã được đẩy lên mức “EN” (đang bị nguy cấp) .

Ngoài ra, hồi ở Madagascar mình có làm một chương trình thi vẽ tranh cho trẻ em ở đó với nội dung cổ động bảo vệ môi trường rừng và loài lemur. Rất vui là hiện giờ chương trình này đã trở thành hoạt động thường niên ở làng Sainte Luce.

- Bạn nghĩ sao về việc bảo vệ động vật hoang dã hiện nay của các bạn trẻ?

- Ý thức của người dân Việt Nam, đặc biệt là những bạn trẻ về vấn đề bảo vệ động vật đã được nâng cao rất nhiều. Hiện nay có rất nhiều diễn đàn của các bạn trẻ lập ra với thông điệp cứu giúp các loài động vật. Có rất nhiều bạn tham gia làm tình nguyện với các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã hay chọn học ngành bảo tồn động vật ở các trường đại học ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Mình nghĩ sẽ tốt hơn nếu như chúng ta có thể tạo ra nhiều chương trình hoạt động hè có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường và động vật để các bạn trẻ cùng tham gia. Những chương trình như thế sẽ không chỉ giúp nâng cao ý thức mà còn cung cấp những kinh nghiệm và kiến thức hữu ích nữa.

- Bạn có hoạt động nào để kêu gọi bạn trẻ bảo vệ động vật?

- Đó là fanpage Tôi yêu động vật. Lý do đầu tiên cũng vì mình yêu động vật và muốn thu hút sự chú ý của mọi người đến với những loài động vật hoang dã. Một lý do nữa là hồi mình học cấp 2, cấp 3 rất muốn đọc thông tin về các loài động vật nhưng tìm thông tin rất khó khăn. Vì vậy mình lập trang TYĐV với mong muốn cung cấp thông tin khoa học đến cho những bạn nào giống như mình ngày ấy.

TYĐV và WildPlanet (đơn vị làm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã do mình thành lập) còn làm tạp chí cung cấp thông tin về động vật hoang dã.

Ngoài ra, mình còn phát động ngày đi xe đạp đầu tháng 4 hàng năm, cuộc thi ảnh về môi trường và động vật hoang dã, cuộc thi đố vui cũng được tổ chức online dành cho các bạn trẻ.

Thu Trang trong chuyến đặt bẫy máy ảnh tại khu bảo tồn Ngọc Linh.
Thu Trang trong chuyến đặt bẫy máy ảnh tại khu bảo tồn Ngọc Linh..

- Chia sẻ về học bổng từ ĐH Cambridge bạn vừa nhận được?

- Việc được nhận vào ĐH Cambridge là một điều bất ngờ và được nhận học bổng thì còn bất ngờ hơn gấp bội. Mình chưa bao giờ nghĩ là mình đủ giỏi để được nhận vào một trong những trường đại học đứng đầu thế giới như thế. Đây là hai cột mốc khiến mình cảm thấy tin tưởng hơn vào con đường mình đã chọn.

- Ngoài ngoài đam mê nghiên cứu, bảo tồn động vật hoang dã bạn có niềm đam mê nào khác?

- Mình thích đi du lịch, đọc sách và tập Kendo - kiếm đạo Nhật. Mình bắt đầu tập năm 2006 ở Việt Nam, sau đó khi đi đu học thì có tham gia tập kiếm trong CLB của trường ở Anh.

- Kế hoạch sắp tới của bạn?

- Hiện tại, kế hoạch gần nhất là hoàn thành dự án và nghiên cứu mới. Đây là dự án về loài báo gấm (Neofelis nebulosa) và vooc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) kéo dài 1 năm ở KonTum.

Về kế hoạch dài lâu mình hi vọng có thể được đi nhiều hơn, làm nhiều dự án về bảo tồn hơn nữa.

Theo Xuân Tân
Ione

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG