Một ngày thượng tuần tháng 11, tôi tìm đến nhà Lê Xuân Hải. Vượt gần trăm cây số, tới nơi, không cần hỏi, tôi nhận ra ngay ngôi nhà của những con người thơm thảo. Trước sân, 3 người phụ nữ và 2 người đàn ông. Người đang xúc lúa, người đang nhặt sắn, bỏ vào các bao tải, rồi mang đi. Ở phía đầu hồi ngôi nhà sàn gỗ có một hồ nước rộng, 2 người đàn ông đang kéo lưới bắt cá. Họ bỏ những chú rô phi, trắm cỏ, chép suối vào các túi nilon cho những trẻ nhỏ chờ sẵn trên bờ. Hỏi anh Hải chủ nhà, người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu liền gọi chồng từ trên mái nhà bếp xuống.
Khác với tôi hình dung, không phải vì công việc nhuốm màu khói bếp đen kịt cộng với mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, mà vì nước da rám cháy, sạm đen như màu đồng hun với nhiều nếp nhăn dọc ngang, khó nghĩ anh đang tuổi 44. Hải bảo: “Em xin nghỉ phép 3 ngày để sửa lại cái nhà bếp bị dột hơn 1 năm nay chưa có thời gian để sửa. Hơn 24 năm làm cán bộ xã, em xin nghỉ phép chỉ 3 lần, 2 lần trước để chăm sóc ba và con bị ốm phải nhập viện. Còn lại, dù bận rộn việc nhà đến mấy, em cũng cố gắng sắp xếp để đến cơ quan. Mình làm cán bộ phải thế! Hơn nữa, ở đây có chút khác đồng bằng; bà con có khi cả năm không có việc gì đến xã, nhưng khi đến mà không gặp được người cán bộ họ cần, giải quyết công việc liên quan, họ rất dễ sinh chán nản, mất niềm tin, lần sau có việc họ sẽ không đến, mình có việc nhờ đến họ cũng không làm”.
Năm 1990, bố Hải hồi hưu sau nhiều năm công tác ở Công an huyện miền núi Hướng Hóa. Năm sau, cả nhà từ thị trấn Khe Sanh chuyển về lại quê cũ ở bản Tà Lao. Chuyện về quê cũng là mong ước của bố, bởi chính trên mảnh đất này, ông từng có rất nhiều kỷ niệm gắn bó sâu sắc với các đồng chí đồng đội của mình vào những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông là một trong số ít người may mắn còn sống sót, hầu hết họ đã hy sinh, nằm lại với đất, với rừng. Ông về để thực hiện bằng được lời tự thề hẹn với lòng mình năm xưa: không tìm kiếm, cất bốc hết được xương cốt của đồng đội, ít ra cũng có điều kiện hàng ngày thắp nén nhang tưởng nhớ họ, trên bàn thờ vọng và bất cứ đâu trên mảnh đất này.
Về quê cũ được 3 năm, bên cạnh việc giúp cha đi tìm hài cốt liệt sĩ, Hải còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội từ thiện khác của xã. Cộng với trình độ học vấn khá, anh được Chủ tịch UBND xã Tà Long giới thiệu và đề nghị với lãnh đạo huyện tuyển dụng vào làm cán bộ xã này. Từ đó đến nay, Hải được phân công đảm nhận nhiều vị trí công tác khác nhau. Ban đầu, anh làm cán bộ văn hóa thông tin rồi Phó Công an xã 5 năm; từ năm 2016 đến nay, anh làm cán bộ tư pháp xã.
Hải kể: “Về lại quê, em trăn trở rất nhiều, bản làng đã qua chiến tranh mấy chục năm rồi mà cái đói cái nghèo vẫn cứ bám riết. Em đem điều mình suy nghĩ chia sẻ với già làng và trưởng bản. Ban đầu, các cụ lắc đầu. Đất có lề, quê có thói! Lâu nay bà con sinh sống du cư du canh, mùa này phát đốt cốt trỉa ở đây, mùa sau lại đi nơi khác nên việc tập hợp họ định cư sinh sống trong một làng mạc quây quần, thay đổi phương thức sản xuất là điều không dễ”.
Hải bảo: “Không thuyết phục được già làng, trưởng bản, em khéo léo làm cách khác. Đầu tiên em dựng nhà gần một con đường mòn, rồi tiến hành khai hoang đất ở dưới chân các con suối để trồng lúa nước, đào các ao hồ cạnh đó để nuôi cá. Làm chuồng trại chăn nuôi trâu, bò và dê theo hình thức bán thả rong. Vụ mùa đầu, em thu hoạch được hơn 1 tấn lúa từ nửa ha ruộng nước. Năm tiếp, năng suất cao hơn nhờ bón phân động vật. Cộng với xuất bán lứa trâu, bò, dê đầu tiên thu được tổng cộng gần 1 tỷ đồng. Có tiền, em đầu tư vào trồng rừng sản xuất. Sau 5 năm, em thu được tiền mặt hơn 3 tỷ đồng và hơn 10 ha rừng tràm đã đến tuổi cho khai thác. Lúc ăn nên làm ra, em bắt đầu chia sẻ khó khăn với bà con trong bản, hỗ trợ giúp đỡ bà con lương thực; cung cấp cho bà con các loại cây, con giống và thuyết phục, động viên họ mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, làm theo cách của mình. Rất may, lúc bấy giờ bà con nhìn vào sự đổi thay của gia đình em nên ai cũng nghe và làm theo”.
Để thuận lợi hơn cho việc phát triển sản xuất, đi lại sinh hoạt hằng ngày, Hải vận động và hỗ trợ bà con các vật tư vật liệu để di dời nhà ở, xây dựng chúng ở gần con đường mòn và nằm sát nhau. Việc này bà con cũng đã làm theo. Đến năm 2007, Hải xin xã Tà Long và huyện Đakrông cho đầu tư xây dựng con đường bằng bê tông nối từ trung tâm xã và đường Hồ Chí Minh vào bản. Ban đầu, sự hỗ trợ kinh phí xây dựng được 4km. Năm 2016, Hải tiếp tục xin và xây thêm được 2km. Từ khi có con đường, mọi sự ở bản trở nên rất thuận lợi. Kinh tế phát triển, nhà cửa bà con trở nên khang trang, con cái có điều kiện học cái chữ.