Có một con phố mang tên Hồ Xuân Hương

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và cháu ngoại Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và cháu ngoại Ảnh: Nguyễn Đình Toán
TP - Phố Hồ Xuân Hương là một con phố rất ngắn ở Hà Nội. Nhưng thực sự ở đó trú ngụ nhiều nhân vật “ghê gớm” trong chiều dài lịch sử của con phố này. Nhưng cái tên còn lại trong ký ức đẹp đẽ và đầy cảm hứng của tôi lại là tên một tờ báo: Tiền Phong. 

Đã quá lâu rồi tôi không bước vào tòa nhà trụ sở của tờ báo này vì bây giờ chẳng còn viết được gì cho tờ báo ấy và những người tôi quen biết hầu như không còn làm ở đó nữa. Thi thoảng đi qua nơi đó, dừng lại một khoảnh khắc như dừng lại trước cổng ngõ nhà người yêu xưa, và hồi tưởng, và nhớ nhung. Hồi tưởng về cái thời ấy của Tiền Phong là cái thời hoàng kim của “báo giấy”. Báo Tiền Phong nằm trong TOP những tờ báo được mọi người yêu quí. Nhưng đặc biệt hơn đối với cá nhân tôi là cái thời của văn chương ngự trị đầy uy lực trên nhiều trang của nhiều tờ báo và cũng tạo ra một cách riêng biệt cho báo chí Việt Nam một thời gian rất dài. Bây giờ, nhiều thứ đã đổi thay và Tiền Phong cũng phải thay đổi. Các thế hệ nhà báo và cộng tác viên lướt đi như những cơn gió khi ầm ào khi lặng lẽ... Và những người làm báo, viết báo như tôi đã trở thành “đồ lưu niệm”. 

Tôi không chăm chỉ viết bài cho Tiền Phong như các cộng tác viên khác mà thi thoảng lặng lẽ góp cái gì đó chủ yếu là truyện ngắn, tản văn hay ghi chép... Tôi là người làm thơ nhưng theo trí nhớ của mình thì tôi chưa in một bài thơ nào trên Tiền Phong. Lý do vì sao cho đến giờ cũng không biết nữa. Tuy vậy, nhưng hầu như tuần nào cũng phải mò đến đó và không đến là không chịu được. Nơi mà tôi đến là phòng làm việc của tờ Tiền phong Chủ nhật. Lúc nào cái phòng của Tiền Phong Chủ nhật mà nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn phụ trách cũng tấp nập các cộng tác viên.

Những vòm lá xà cừ rủ bên căn phòng cũ của Tiền Phong Chủ nhật xuộm vàng nắng chiều cho tới lúc bất chợt xanh non trong ánh đèn cao áp mà chúng tôi vẫn còn ngồi. Ngồi gì mà lắm thế? Chả biết… Ngoài kia, những lát gió tứ mùa khi thư thả khi hối hả lần lượt tiễn thời gian trôi cùng sự kiện của con phố mang tên nữ sĩ Xuân Hương. Khi khượt người lúc choãi chân trong thư thế thoải mái nhất để có thể thấm và gẫm thêm chuyện tôi đang nghe, khi lần đầu khi những chi tiết mới, thêm về những cây viết của Tiền Phong những năm xa, rất xa. Những Tất Vinh tại sao không được ký tên thật phải lấy bút danh Hồng Dương, những Mạc Lân (con trai cả của nhà văn người hùng Lê Văn Trương) đã phải đi kiếm thêm bằng cách bán máu… Biết thêm về Bùi Ngọc Tấn và Lý Biên Cương - các phóng viên báo Tiền Phong sau này thành danh ở Đất Cảng Hải Phòng và vùng mỏ Quảng Ninh như thế nào… Rồi những Ngô Vĩnh Viễn (bút danh Nguyễn Vĩnh) từng một thời là phóng viên ban Quốc tế báo Tiền Phong, sau này nổi danh với dịch phẩm Chuông nguyện hồn ai của Ernest Miller Hemingway và Chiếc lá cuối cùng của  O. Henry. Đến đây phải mở thêm một cái ngoặc. Tổng biên tập Tiền Phong bây giờ là Lê Xuân Sơn mà tôi biết từ thời anh còn làm ở tờ Diễn đàn văn nghệ. Một thời gian sau Lê Xuân Sơn như ghi danh mình vào đội ngũ dịch văn chương nước ngoài với một vài tác phẩm trong đó có thứ tày tặn như Trở về Eden của Rosalind Miles. Cứ nghĩ thêm điều chi ngồ ngộ may mắn về hai TBT từng ít nhiều có căn cốt chữ nghĩa với hai nhiệm kỳ điều hành một tờ báo tuổi trẻ ở hai thời khác nhau? 

Trở lại những ngày thương mến chưa xa… Hình như ngày ấy con người không vội vã như bây giờ. Có thể ngồi cả buổi sáng nhẩn nha trà và bàn chuyện văn chương, báo chí. Rồi không thể không xuề xòa tuế tóa với cây viết Xuân Ba ngày ấy quả thực là một “thế lực” của thể loại bút ký và ghi chép. Xuân Ba là dạng nhà văn của những sự kiện và số phận. Âm hưởng của cuốn phóng sự Mọi linh hồn đều được đưa tiễn vẫn còn trong tôi mãi đến bây giờ. Thế rồi có một thời gian, tôi mơ được về làm việc ở báo Tiền Phong. Nhưng giấc mơ ấy dần dần tàn lụi và bất thành. 

Tôi là người thích viết chân dung văn học. Viết nhưng khó in ở đâu vì thường bài viết chân dung khá dài có lúc đến bốn, năm ngàn chữ. Thế rồi một ngày, nhà thơ Hữu Việt thông báo Tiền Phong Chủ nhật mở hẳn hai trang cho chân dung và mời tôi tham gia. Thế là lao vào viết đắm mê. Chính vì thế mà không ít lần ngồi trong phòng làm việc của Tổng biên tập Dương Kỳ Anh, tôi nói với ông về một tờ báo văn chương, phụ trương của Tiền Phong. Tại sao tôi lại nghĩ đến điều ấy vì không ít những bài viết trên Tiền Phong đặc biệt là Tiền Phong Chủ nhật đều đậm tính văn chương có rất đông bạn đọc và ở tờ báo này mời gọi, trú ngụ không ít các nhà văn, nhà thơ tên tuổi. Nhưng hình như giấc mơ ấy của tôi thật hão huyền và không thực tế nên một phụ trương văn chương của Tiền Phong chẳng bao giờ xuất hiện như mong muốn của tôi. 

Báo chí đã thay đổi quá nhiều. Báo chí mỗi thời đại đều chọn lựa một cách đi hay nói khác là cách tồn tại của nó. Không biết như thế thì hay hơn hay dở hơn. Nhưng có một thứ không thay đổi trong ký ức của tôi là những ngày tháng thật náo động, thật cảm hứng và đầy tính nhân văn của đời sống báo chí mà báo Tiền Phong trên phố Hồ Xuân Hương là một nơi chốn sinh ra những điều đó. 

Trữ lượng Nguyễn Quang Thiều hơi bị kinh. Trữ lượng của sức nghĩ, sự liên tưởng bề dày kiến thức tầng vỉa văn hóa… Mà oái oăm, để phát lộ và khai thác được những tầng vỉa ấy duy chỉ có cái cần cùng mũi khoan Nguyễn Quang Thiều mới chạm đến được!
Nhớ không phải một lần ngồi với nhau hình như cùng thời điểm với việc manh nha một Tiền Phong phụ trương về văn chương như Nguyễn Quang Thiều nhắc trên đây, anh từng đay đi đay lại cụm từ tại sao không một cách thân ái. Ấy là việc nên hay phải có một Tiền Phong phóng sự một dạng phụ trương ăn theo tờ Tiền Phong chính như Tiền Phong chủ nhật. Một thể loại báo chí chấp chới giữa văn và báo một dạng nối dài phóng sự của Vũ Trọng Phụng nhưng không phải phiếm chỉ mà có địa chỉ hẳn hoi của muôn mặt đời sống phong phú bộn bề. Cũng đã tốn kha khá bia nước trà và thuốc lào với nhiều cuộc tụ bạ. Nhưng rồi đã không thành.
Chỉ sau này thấy Hữu Ước chủ trương tờ An Ninh Thế giới khoán hẳn cho Nguyễn Quang Thiều trang phỏng vấn nhân vật tràn khắp cả hai trang báo nhưng bạn đọc không hề mỏi, mệt mắt. Và nữa tờ Cảnh sát toàn cầu  cũng do Thiều phụ trách ngồn ngộn phóng sự, tôi mới giật mình cứ tưởng như mình và tờ Tiền Phong đang bị mất cắp điều chi quý giá? Nhưng giật  mình cũng chỉ để nghĩ vẩn vơ và mừng cho cái trữ lượng, năng khiếu báo chí của Nguyễn Quang Thiều sao mà phong phú, tày tặn? Mà nữa, hình như Nguyễn Quang Thiều lần đi Apganixtan là nhà thơ nhà văn Việt đầu tiên đi hành nghề báo chí ở nước ngoài thời trận mạc?
Lẩn thẩn nghĩ thêm, con gà (Thiều tuổi Dậu, sinh năm 1957) luôn đẻ quả trứng vàng hay sao ấy? Ngoài giải thưởng (Giải A) Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1993, Nguyễn Quang Thiều còn nhận được hơn 20 giải thưởng văn học khác trong và ngoài nước. Từ những năm 1990, thơ Việt Nam đương đại bắt đầu có sự chuyển đổi lớn về mặt thi pháp và có thể nói, Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ đầu tiên, bằng những nỗ lực vượt bậc và tài năng xuất sắc của mình, đã xác lập một giọng điệu mới trong thơ Việt.
Thiều luôn biết làm mới (chứ không làm mệt mình? Qua những trận đồ bát quái với cái chức Phó chủ tịch Hội nhà văn quyền rơm vạ đá. Nay chĩnh chiện thêm cái chức GĐ Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Á Phi

Một dạo ghé thấy nhà phê bình Vương Trí Nhàn đang chụm đầu gì đó với Xuân Ba. Thì ra báo Tiền Phong đang mở cuộc thi phóng sự mà thành phần Ban chung khảo có những nhà văn nổi tiếng như Vương Trí Nhàn, Vũ Bão… Người ta vẫn nói đó thôi, thành phần giám khảo như thế nào thì chất lượng cuộc thi hoặc giải sẽ như thế. 

MỚI - NÓNG