“Cỗ máy thần kỳ” chờ thử thách

Chiếc máy bơm thông minh, đang được gấp rút lắp đặt để chống ngập cho TPHCM. Ảnh: Ngô Bình.
Chiếc máy bơm thông minh, đang được gấp rút lắp đặt để chống ngập cho TPHCM. Ảnh: Ngô Bình.
TP - Người dân TPHCM lâu nay khổ sở vì phải sống chung với cảnh hễ mưa là ngập. Mới đây, Cty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung triển khai lắp máy bơm “khủng” trên tuyến đường ngập nặng nhất thành phố, với lời hứa “không hết ngập không lấy tiền”.

Nhiều tuần lễ nay, cán bộ, công nhân Cty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đang ngày đêm lắp đặt máy bơm cỡ lớn cho nơi được mệnh danh là “rốn ngập” của thành phố. Giữa thời tiết thất thường vừa nắng oi ả, lại sầm sập mưa, ông Nguyễn Tăng Cường - Tổng giám đốc Cty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung áo ướt đẫm mồ hôi vẫn miệt mài cùng đội ngũ công nhân lắp từng thiết bị, từng con ốc nhỏ trên công trường.

7 năm và nhiều tỷ đồng nghiên cứu kế chống ngập

Để hoàn thành trạm bơm thông minh chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, ông Cường cho biết đã tự mình đi mua những thiết bị tốt nhất phục vụ công trình. Hiện đội ngũ công nhân, thợ kỹ thuật đang trong gia đoạn đóng tường thép để đào đất, đổ bê tông thi công hầm chứa máy bơm.

“Nếu thời tiết thuận lợi thì vào giữa tháng 8, trạm bơm hoàn thành và được “thử thách” khả năng trước chính quyền và người dân TPHCM. Tình trạng ngập mỗi khi mưa trên con đường siêu ngập này sẽ chấm dứt”, ông Cường nói.

Ông nói, sau nhiều lần chứng kiến cảnh đời sống người dân TPHCM bị đảo lộn bởi ngập lụt, giao thông ùn tắc, hỗn loạn do triều cường và những cơn mưa lớn gây ra, ông quyết tâm nghiên cứu, tìm phương án chống ngập cho thành phố. Khoảng 7 năm qua, ông đã bỏ ra nhiều tỷ đồng nghiên cứu “căn bệnh ngập úng” mãn tính của TPHCM, thăm quan, tìm hiểu các công trình chống ngập úng của Mỹ, Hà Lan, Anh...

Để lên được phương án “giải cứu” TPHCM, đội ngũ cán bộ nhiều kinh nghiệm của Cty cũng đã thị sát một thời gian dài tại các tuyến phố, đồng thời tham khảo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, đơn vị quản lý chuyên ngành cấp thoát nước từ nhiều năm qua.

Các số liệu từng tháng, từng quý, từng năm cho thấy, tình trạng ngập úng tại thành phố ngày càng gia tăng. Hiện có trên 66 điểm ngập úng, trong đó khoảng 40 điểm ngập thường xuyên và ngập nặng ở các quận 1, quận 2, quận Thủ Đức, Nhà Bè… Ông Cường cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tốc độ đô thị hóa cao dẫn đến bê tông hóa bề mặt khiến nước mưa không thẩm thấu kịp xuống đất.

Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn và bảo vệ hệ thống cấp thoát nước của người dân còn hạn chế, vẫn còn xả rác thải bừa bãi, gây ách tắc dòng chảy. Tầm nhìn quy hoạch hệ thống cấp thoát nước cũng rất bất cập, chắp vá. Đặc biệt, do các cống quá nhỏ nên chỉ sau một thời gian, bùn, đất, rác thải trôi xuống… gây ách tắc dòng chảy. Tình trạng tắc cống nghiêm trọng đến mức mỗi năm TPHCM phải chi cả nghìn tỷ đồng cho công tác thông, nạo vét cống.  

“Cỗ máy thần kì” có gì?

Tự tin mình am hiểu những điểm yếu của hệ thống cống cũng như tình trạng ngập úng của TPHCM, ông Cường khẳng định giải pháp phù hợp, hiệu quả và nhanh nhất để cứu thành phố khỏi tình trạng ngập úng chính là máy bơm thông minh.

Dẫn PV đi xem chi tiết cỗ máy, ông Cường giải thích, tổ hợp máy bơm thông minh có tối thiểu 5 cấp công suất, cấp nhỏ nhất là 27.000m3/h, lớn nhất là 96.000 m3/h. Với thiết kế đa công suất, máy bơm sẽ hoạt động tiết kiệm, phù hợp với lượng nước mưa cần tiêu thoát. Máy tự hành bằng động cơ diesel, không phụ vào nguồn điện. Nguyên tắc cơ bản là máy giúp nước mưa tiêu thoát một cách nhanh nhất, giải quyết tình trạng úng ngập tức thời.

Thiết bị dài 15m, rộng 6m và cao 4,2m. Ống chính có đường kính tương đương với đường kính của hệ thống cống đường Nguyễn Hữu Cảnh là 1,6m. Khi lắp đặt thực tế, một đoạn ống cống trước khi đổ ra sông sẽ được cắt ra và đặt tổ hợp máy bơm xuống, lúc đó chỉ nổi trên mặt đất nhà điều hành và hệ thống tách rác.

Với những ưu điểm của hệ thống máy bơm “khủng” này, ông Cường khẳng định việc giải cứu đường Nguyễn Hữu Cảnh thoát khỏi cảnh ngập nước mỗi khi trời mưa là điều trong tầm tay.

Cũng theo ông Nguyễn Tăng Cường, chi phí đầu tư hệ thống chống ngập chỉ bằng 10 - 15% chi phí các dự án chống ngập thông thường. Mỗi lần hoạt động, một tổ hợp máy bơm hút ly tâm thông minh chỉ cần khoảng 5 triệu đồng chi phí nhiên liệu. Giải pháp của Cty có mức chi phí đầu tư thấp nhất, thành phố sẽ tiết giảm được 60 - 70% chi phí nạo vét hệ thống cống hàng năm do hệ thống cống đã được làm sạch mỗi khi vận hành tổ hợp máy bơm hút ly tâm thông minh.

Trước đó, để xử lý vấn nạn ngập úng, TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp, lắp đặt hệ thống máy bơm được mua từ Đức với công suất khoảng 3.000m3/h ở một số điểm tại quận 1, quận 2, Tân Bình... nhưng không hiệu quả.

Theo ông Cường, để giải quyết chống ngập, thành phố đưa ra một số phương án như xây hồ điều hòa, điều tiết nhưng đây cũng chỉ là biện pháp bổ trợ. Điều quan trọng là độ dốc, độ lớn của hệ thống cống thoát nước của TPHCM hiện nay không đảm bảo. Có nhiều hôm nước sông rất thấp nhưng khi trời mưa, một số quận của thành phố cũng ngập. Hay như Hà Nội, có cốt nền khá cao nhưng nhiều nơi mưa vẫn ngập, điều này cho thấy hệ thống cống thoát nước không đảm bảo đường kính và độ dốc. Cần phải có hệ thống bơm bổ trợ, tạo áp lực hút để hút nước ra ngoài.

Cốt nền của TPHCM đã thấp, nền địa chất lại rất yếu mà hệ thống cống hiện nay có độ dải của mỗi ống cống rất ngắn, khi lắp đặt kết nối với nhau sẽ tạo độ võng cao làm nước thoát chậm hơn. Nếu mỗi ống cống có độ dài lớn thì khi lắp đặt sẽ hạn chế độ võng, thoát nước tốt hơn. Tuy nhiên, giờ thay thế hệ thống cống của toàn thành phố cũng là một vấn đề nan giải và tốn kinh phí cao.

Vì vậy, bài toán ông đang chứng minh là hệ thống máy bơm công suất lớn tạo áp lực hút nước kể cả cống ngang, cống võng vẫn hút được nước. Khi đó nếu thành công thì thành phố sẽ không cần thay cống, không cần nâng đường, người dân khỏi cảnh khổ sở vì nâng đường, nâng cống…

“Như Hà Lan, toàn bộ cốt nền thấp hơn mực nước biển nên họ xây kè bao quanh. Xung quanh thành phố được làm các hệ thống cống rất lớn để toàn bộ nước mưa dồn về hệ thống cống. Từ đó, nhiều trạm bơm công suất lớn được đặt xung quanh và bơm nước ra ngoài. Tôi thấy đó là phương pháp tối ưu nhất để chống ngập.

TPHCM cũng đang học Hà Lan để xây dựng hệ thống đê kè, đập ngăn triều. Nếu hoàn thành và kết hợp với hệ thống bơm công suất lớn thì công tác chống ngập sẽ rất hiệu quả hơn nhiều”, ông Cường thông tin.

Hiện nay, Cty ông đang tiếp tục nghiên cứu máy bơm công suất lớn tối ưu hơn hệ thống máy bơm hiện đang được lắp đặt ở đường Nguyễn Hữu Cảnh. Máy bơm hiện nay vẫn hoạt động tốt ở mọi điều kiện thời tiết, kể cả tạp chất như bùn đất, rác trong cống cũng được hút qua hệ thống lọc của máy bơm và thải qua hệ thống thu gom rác để đảm bảo vệ sinh môi trường. Hơn nữa, chi phí lắp đặt máy bơm thấp hơn rất nhiều so với việc nâng đường, thay cống.

Ngày 24/6/2017, Thành uỷ TPHCM chính thức chấp thuận phương án thử nghiệm chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh bằng máy bơm thông minh của Cty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung.

Ông Nguyễn Tăng Cường - Tổng giám đốc Cty khẳng định: “Nếu UBND TPHCM cho phép triển khai ngay, Tập đoàn cam kết giải quyết úng ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh ngay trong mùa mưa 2017. Không hết ngập không lấy tiền, thậm chí bồi thường 2 tỷ đồng. Nếu hiệu quả Tập đoàn hoàn toàn có năng lực chế tạo thiết bị đáp ứng giải quyết toàn bộ các điểm ngập úng của thành phố”.

Trong buổi khảo sát dự án mới đây, Bí Thư thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nỗ lực của doanh nhân Nguyễn Tăng Cường cũng như lời hứa của ông Cường “không hết ngập không lấy tiền”. Nếu hệ thống vận hành tốt, TPHCM sẽ tiếp tục triển khai ra các khu vực khác. 

MỚI - NÓNG