Cơ hội việc làm ở nhiều tỉnh, thành vẫn chờ lao động

0:00 / 0:00
0:00
Người lao động đến nhà máy làm việc trong trật tự, giữ khoảng cách tại khu công nghiệp ở Bắc Giang. Ảnh: Ng Thắng
Người lao động đến nhà máy làm việc trong trật tự, giữ khoảng cách tại khu công nghiệp ở Bắc Giang. Ảnh: Ng Thắng
TP - Theo khảo sát của PV Tiền Phong, các trung tâm công nghiệp ở phía Bắc đang có dấu hiệu thiếu hụt lao động rất lớn. Đây cũng là cơ hội cho những lao động đang từ phía Nam về quê tránh dịch sớm có việc làm mới.

Chưa tính chuyện quay lại thành phố

Vượt gần 1.400km bằng xe máy từ TPHCM về Nghệ An, anh Trần Minh Hoàng (Đô Lương, Nghệ An) và khoảng 40 thành viên trong đoàn gồm nhiều lao động tự do, công nhân mất việc mệt nhoài sau 4 ngày (8 đến 11/10) ròng rã mưa nắng. 4 tháng TPHCM giãn cách xã hội, những lao động tự do mất việc như anh Hoàng rơi vào tình trạng hết tiền, nơm nớp nỗi lo dịch bệnh.

“Tôi làm ở quán cà phê, trước nay đi làm có bao nhiêu tích luỹ đều gửi về cho gia đình ở quê, bố mẹ khó khăn lắm. Đồng hương của tôi phần lớn đều như vậy. Nhiều bạn còn bị nợ lương từ tháng 6, 7/2021”, anh Hoàng kể.

Anh Hoàng chia sẻ: “Đoàn của chúng tôi có 40 người không quen nhau, hẹn nhau qua mạng xã hội và cùng đi. Người lớn tuổi nhất là cặp vợ chồng khoảng 60 tuổi, đèo nhau trên chiếc Dream cũ, mất yếm, phải treo 2 bình nước 5 lít để làm mát động cơ. Có em bé 21 tháng tuổi cũng theo cha mẹ về quê”.

Hiện tại, anh Hoàng và các thành viên đang trong thời gian cách ly và dự định sắp tới của họ là tìm việc làm ở quê, tỉnh lân cận, miền Bắc. Lo ngại dịch bệnh, anh Hoàng dự tính tìm việc gần nhà, nhưng khá khó vì ở quê ít hàng quán. “Vào lại TPHCM, tôi cần ít nhất 10 triệu đồng để ổn định cuộc sống, giờ lấy đâu ra”, anh Hoàng nói.

Cùng trong đoàn về quê với anh Hoàng, anh Võ Văn Giang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, anh về vì mất việc đã 4 tháng. Ở TPHCM, mỗi ngày chi tiêu tằn tiện lắm cũng hết 100.000 - 200.000 đồng, khó khăn lắm. “Tôi đang còn phải cách ly. Ở quê cũng không có việc, mình dự tính lên TP Hà Tĩnh tìm việc, chứ chưa quay lại TPHCM”, anh Giang kể. Giống như anh Hoàng, anh Giang, nhiều thành viên trong đoàn chưa có dự định gì cụ thể cho tương lai, nhưng họ phần nhiều e ngại việc trở lại thành phố lớn.

Doanh nghiệp phía Bắc “khát”... lao động

Bà Nguyễn Thị Thời, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH Compal Việt Nam (KCN Bá Thiện, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cho biết, do việc kiểm soát dịch trên địa bàn Vĩnh Phúc diễn ra tốt nên doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Hiện nay, công ty có nhu cầu tuyển dụng hơn 5.000 lao động. Tuy nhiên, công ty vẫn “đỏ mắt” tìm không ra. Trung bình mỗi tuần, DN chỉ tuyển được 5-10 lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất.

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc nhu cầu tuyển dụng từ nay đến cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 của các DN trên địa bàn tỉnh đăng ký tuyển dụng hơn 6.300 lao động. Trong đó, phần lớn là lao động phổ thông. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm, các DN trên địa bàn tuyển dụng được gần 900 lao động. Do nhu cầu cấp bách, các DN đang mở rộng tuyển thêm lao động ngoại tỉnh đang cư trú tại vùng an toàn (vùng xanh) vào địa bàn Vĩnh Phúc làm việc.

Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang cũng cho hay, các DN trên địa bàn tỉnh này đang cần khoảng trên 41.000 người. Nhưng đến nay các DN mới chỉ tuyển được 23.216 người.

Cuối tháng 9, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang đã tổ chức hội nghị việc làm trực tuyến kết nối với các địa phương trên cả nước để tuyển dụng lao động.

Theo ông Huế, sau khi kết nối với các địa phương, đến nay đã có khoảng 720 người lao động đăng ký làm việc với mức lương khá cao. Yêu cầu người lao động chỉ cần xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ, đồng thời thực hiện cách ly 7 ngày tại DN là có thể làm việc.

MỚI - NÓNG