Cơ hội thúc đẩy đổi mới

Cơ hội thúc đẩy đổi mới
TP - Ngày 5/11, thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, sửa đổi Hiến pháp là việc trọng đại mà tác động của nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến của lịch sử. Nếu tiếp thu được những tinh hoa trí tuệ mà nhân dân đã đóng góp sẽ thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước, tạo động lực thoát khỏi nguy cơ tụt hậu.

> Mạnh dạn phân cấp cho chính quyền địa phương
> Không bầu trực tiếp Chủ tịch nước, Thủ tướng

Giải pháp cho mọi giải pháp

ĐB Trương Trọng Nghĩa bày tỏ, trong kỳ họp này QH đã bàn nhiều giải pháp cho tình hình chung của đất nước. Không ít ý kiến cho rằng, nếu không có những giải pháp toàn diện và đột phá thì tình hình đất nước không thể chuyển biến tích cực một cách căn bản.

Nguyên nhân có nhiều, trong đó có nguyên nhân là công cuộc đổi mới thể chế và luật pháp chậm bước so với nhu cầu của đất nước. “Việc đổi mới chính trị đã không đồng bộ và không theo kịp đổi mới kinh tế như Nghị quyết Đại hội Đảng XI nêu. Nhân dân đặc biệt quan tâm, góp ý và chờ đợi những thay đổi trong đó có 3 nội dung lớn cần đổi mới là: đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, đổi mới thành phần kinh tế nhà nước và đổi mới pháp luật đất đai. Không ít ý kiến cử tri cho rằng, Hiến pháp (sửa đổi) chính là giải pháp của mọi giải pháp”- Ông Nghĩa nói.

Vừa qua, các tầng lớp nhân dân đã phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức dân chủ, tầm trí tuệ và văn hóa để đóng góp xây dựng Hiến pháp sửa đổi. “Nếu việc sửa đổi Hiến pháp lần này không đạt được yêu cầu đó, không tiếp thu được những tinh hoa trí tuệ mà nhân dân đã đóng góp thì sẽ bỏ lỡ cơ hội đưa công cuộc đổi mới lên một tầm cao mới, tạo động lực cho đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, tiến kịp các nước trong khu vực và trên thế giới”- Ông Nghĩa bày tỏ.

“Nhà thơ lớn Nguyễn Du lúc sinh thời đã cảm thán rằng: Bất tri tam bách dư niên hậu - Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như, băn khoăn hậu thế 300 năm sau có nhớ đến mình. Tôi nhận thức rằng sửa đổi Hiến pháp là việc trọng đại mà tác động của nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến của lịch sử. Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa XIII đã làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc, mà lịch sử dân tộc ta có trí nhớ rất dai”- Ông Nghĩa kết thúc bài phát biểu của mình.

Quyền sử dụng đất cần là quyền tài sản

Dự thảo quy định “đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật và quy hoạch”, nhưng ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) băn khoăn chữ “quản lý theo quy hoạch”. Nếu quy định quản lý theo quy hoạch thì vô hình trung chúng ta đã đặt tính chất pháp lý của quy hoạch ngang với pháp luật.

 Nếu việc sửa đổi Hiến pháp lần này không đạt được yêu cầu đó, không tiếp thu được những tinh hoa trí tuệ mà nhân dân đã đóng góp thì sẽ bỏ lỡ cơ hội đưa công cuộc đổi mới lên một tầm cao mới.

ĐB Trương Trọng Nghĩa

“Thực tiễn quy hoạch diễn ra ở nhiều cấp, ngành, vùng... nhưng các quy hoạch này không tránh khỏi sự chồng chéo, thiếu khoa học, thiếu thực tế và đã được điều chỉnh nhiều lần, là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai trong thời gian qua. Nếu chúng ta lấy quy hoạch làm cơ sở cho việc quản lý, thu hồi đất đai tôi e rằng không ổn, dễ bị lợi dụng”- Ông Hùng nói.

Về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được nhà nước giao quyền sử dụng đất, ĐB Bùi Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay chúng ta đang sử dụng quyền sử dụng đất chính là quyền tài sản. Văn bản chưa ghi nhưng trong thực tiễn nó chính là tài sản. Người dân muốn có quyền sử dụng đất thì phải bỏ tiền ra để mua. Ông Hùng đề nghị Hiến pháp cần khẳng định quyền sử dụng đất là quyền tài sản thì mới công bằng và làm cơ sở cho việc quy hoạch, thu hồi, giải tỏa, đền bù.

Trên thực tế, hiệu quả lý thuyết, hiệu quả khi dự án trình duyệt và hiệu quả thực tiễn rất xa nhau. Các chỉ tiêu về xã hội, môi trường của dự án hầu như không hoàn thành gây nên sự hoài nghi trong nhân dân về mục đích, động cơ, năng lực. Từ hoài nghi con người trực tiếp sang hoài nghi nhà nước. Do vậy, nói về dự án thu hồi đất là ám ảnh tiêu cực xâm nhập vào nhân dân nhanh hơn, sớm hơn.

“Qua quan sát một số nghiên cứu, báo cáo, thời gian qua rất ít người chịu trách nhiệm về sự không hiệu quả của dự án. Thu hồi đất không quy định trách nhiệm của từng cung đoạn của Nhà nước, trách nhiệm của người được nhân dân ủy quyền thì các nguyên tắc và giải pháp khác chỉ là hình thức”- Ông Tường nói.

Theo ông Tường, thu hồi đất là thu hồi tư liệu sản xuất. Nếu không rõ trách nhiệm, dù hạn chế thu hồi thì bức xúc cũng không giảm mà chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. “Cử tri cho rằng, xác định trách nhiệm là biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế thu hồi và nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất. Bởi trách nhiệm rất mơ màng, lợi ích cá nhân thì rõ ràng, kết hợp với sự liên kết, cả nể, cầu an là nguyên nhân gốc tạo ra nghiệp buồn của thu hồi đất”- Ông Tường nhận định.

Xét xử kịp thời nhưng phải đúng luật

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) góp ý, Điều 31 dự thảo quy định về nguyên tắc xét xử của tòa án: “Người bị buộc tội phải được tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai” thì việc sử dụng từ “kịp thời” là không phù hợp. Bởi “kịp thời” nhưng không đúng luật thì cũng không được, từ “kịp thời” không bao hàm nghĩa đúng luật. Ông Học đề nghị sửa lại như sau: “người bị buộc tội phải được tòa án xét xử khách quan, công khai, công bằng, đúng pháp luật”.

Về vấn đề án lệ trong hoạt động xét xử của tòa án, ông Học thống nhất với một số ý kiến đề nghị nghiên cứu theo hướng thừa nhận án lệ trong hoạt động xét xử. “Quy định vấn đề này vừa phù hợp với định hướng theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với quy định TAND tối cao là cơ quan xét xử cao nhất, có thể ban hành nghị quyết, thông tư hướng dẫn nghiệp vụ xét xử của tòa án cấp dưới trong đó có vấn đề án lệ. Thừa nhận án lệ sẽ khắc phục được tình trạng một vụ án xét xử đi, xét xử lại nhiều lần trong đó tòa án cấp dưới không tuân thủ đường lối xét xử của tòa án cấp trên”- Ông Học nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG