Có hiện tượng nhận danh hiệu di sản để 'làm tiền'

Có hiện tượng nhận danh hiệu di sản để 'làm tiền'
TP - PGS. TS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nêu quan điểm với Tiền Phong: “Tôi không phản đối việc khai thác kinh doanh một số giá trị di sản nhưng không thể có chuyện tận thu”.

ÐƯỢC DANH HIỆU ÐỂ “LÀM TIỀN”?

Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo quốc tế về “Vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO trong công tác bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên vì phát triển bền vững”, diễn ra hai ngày 5, 6/12 tại Ninh Bình. Khoảng 100 đại biểu trong ngoài nước chia sẻ thách thức, thảo luận chính sách nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản vì sự phát triển bền vững.

Việt Nam có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới: Quần thể di tích cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội, Thành Nhà Hồ, Khu danh thắng Tràng An. Ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký UBQG UNESCO Việt Nam khẳng định, 8 di sản này cùng các danh hiệu khác như công viên địa chất toàn cầu, khu dự trữ sinh quyển thế giới “là niềm tự hào, vinh dự, góp phần quảng bá đất nước và con người; danh lam thắng cảnh lễ hội góp phần từng bước xây dựng thương hiệu địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững”.

Có hiện tượng nhận danh hiệu di sản để 'làm tiền' ảnh 1 Vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đang bị hàng loạt doanh nghiệp thi nhau bê tông hóa, đổ cát lấn biển để làm du lịch trái phép. Ảnh: Hoàng Dương

Chia sẻ bên lề hội thảo, PGS.TS. Trương Quốc Bình phàn nàn với Tiền Phong rằng không đồng tình quan điểm của đại diện BQL Thành Nhà Hồ khi  vị này cho biết cùng là di sản thế giới nhưng khách tới không đông nên mỗi năm thu chỉ vài chục tỷ đồng. “Quan niệm như thế là không được, hóa ra có danh hiệu để làm tiền hay sao. Di sản là tài sản của quốc gia và dân tộc, các địa phương được giao nhiệm vụ quản lý chứ không thể coi đó là nguồn thu khủng khiếp cho địa phương được. Không thể có chuyện cứ nâng giá vé vô tội vạ như ở vịnh Hạ Long, như thế là không tôn trọng công dân Việt Nam. Tôi không phản đối chuyện khai thác một số giá trị từ di sản, nhưng không phải là tận thu từ di sản”, PGS.TS. Trương Quốc Bình nói.

Nạn xâm hại di sản vốn là căn bệnh trầm kha ở nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, ấy thế mà Phó Trưởng BQL vịnh Hạ Long Phạm Đình Huỳnh trình bày trong tham luận về một số khó khăn, hạn chế trong quá trình bảo tồn di sản, có phần đổ lỗi cho quan niệm trái chiều mỗi khi địa phương định tu bổ, tôn tạo di sản. Và đổ lỗi cho truyền thông: “Nhận thức của giới truyền thông phần nào chưa toàn diện nên ảnh hưởng đến công tác đầu tư, tu bổ tôn tạo vào khu di sản”.

Thực tế, tình trạng lấn biển và bê tông hóa vịnh Hạ Long khiến nhiều chuyên gia bức xúc. BQL vịnh Hạ Long cũng góp phần gây ra một loạt vụ vi phạm xây dựng tại vùng lõi di sản vịnh Hạ Long như dự án cải tạo và nâng cấp bến cập tàu động Mê Cung, hang Tiên Ông... Báo Tiền Phong và một số cơ quan báo chí lên tiếng về các công trình xâm hại di sản khiến các bộ ngành vào cuộc, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm.

THÁCH THỨC BẢO TỒN-PHÁT HUY

Đại diện Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam nêu: Nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới phải đối mặt không ít ảnh hưởng tiêu cực từ sự biến đổi khí hậu, đặc biệt sự phát triển xã hội. Một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam và nhiều quốc gia sở hữu di sản thế giới phải đối mặt là cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản.

Một số đại diện BQL các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cũng nêu những vướng mắc, kiến nghị từ thực tế ở địa phương. Đại diện BQL Thành Nhà Hồ cho rằng cần có đánh giá thực tế về tính khả thi của các cam kết trong hoạt động quản lý di sản. Vị này cho rằng, khi đệ trình hồ sơ, thường quốc gia thành viên có cam kết để thỏa mãn những khuyến nghị của UNESCO, nhưng sau khi di sản được công nhận  thì quốc gia thành viên gặp khó. Nếu thực hiện cam kết về con đường Hoàng Gia thuộc di sản Thành Nhà Hồ thì buộc phải di chuyển cả thị trấn Vĩnh Lộc (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Các nhà quản lý, chuyên gia về di sản nhân dịp này cũng kiến nghị và đề xuất nhiều chính sách, giải pháp nhằm bảo tồn di sản và phát huy vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO, nâng cao nhận thức trong xã hội về bảo vệ di sản. Bà Uyanga Sukhbaatar, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Mông Cổ chia sẻ một số chính sách hiệu quả. Đó là giúp người dân tăng cường nhận thức về di sản và bảo tồn di sản theo hướng bền vững, thông qua mạng lưới các trường liên kết và chương trình giáo dục tích hợp, đổi mới phương pháp giáo dục di sản.

Bà Nguyễn Thị Yến (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội) nói rằng các nước phát triển đều quan tâm và tiến xa trong các hoạt động giáo dục ở bảo tàng và di tích. Trung tâm xây dựng các chương trình giáo dục di sản như “Em làm nhà khảo cổ”, thi tìm hiểu về di sản Hoàng thành Thăng Long dành cho học sinh. Đại diện Trung tâm cho rằng, muốn cộng đồng và thế hệ trẻ yêu và bảo vệ di sản, các BQL di sản cần thay đổi quan điểm về học tập ngoại khóa theo hướng “không đi theo phong trào”. Phương pháp giáo dục di sản cần đổi mới, tăng hoạt động trải nghiệm, tương tác và khơi gợi sự sáng tạo.

Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đánh giá, Việt Nam tham gia Công ước 1972 về bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, khá tích cực thực hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên trong bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên. Đại diện UNESCO cho rằng Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nên tích cực hơn nữa tranh thủ sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản.

Khởi tố hình sự trong lĩnh vực di sản

Nhắc lại vụ xây cầu dẫn lên núi xâm hại di sản thế giới danh thắng Tràng An diễn ra gần năm trời mà chính quyền địa phương không có động thái gì, tới khi bị yêu cầu tháo dỡ thì cố tình chây ì. “Luật pháp trong lĩnh vực di sản văn hóa không nghiêm khắc, không như các lĩnh vực khác, bởi chưa hề có vụ án hình sự nào trong lĩnh vực văn hóa và di sản. Đáng lẽ ra vụ vi phạm ở Ninh Bình phải được coi là vụ án nghiêm trọng, khởi tố hình sự chứ không chỉ dừng ở mức khiển trách và cảnh cáo cho có. Làm như thế còn gì ra gì nữa, trách nhiệm quản lý ở đâu”, PGS.TS. Trương Quốc Bình bày tỏ.

Không riêng Ninh Bình, PGS.TS. Trương Quốc Bình nhắc các sai phạm khác tại vịnh Hạ Long, Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), ông cho rằng cần tăng vai trò và tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu xảy ra sai phạm. 

MỚI - NÓNG
Đường qua khu đô thị cao cấp ở Huế như 'bẫy người'
Đường qua khu đô thị cao cấp ở Huế như 'bẫy người'
TPO - Đường Lê Đức Anh đi qua các khu đô thị cao cấp, kiểu mẫu thuộc phường Thủy Vân (TP. Huế) thời gian gần đây luôn trong tình trạng ngập nước, mặt đường bị các phương tiện vận tải cày xới, băm nát nhưng không được duy tu, sửa chữa kịp thời khiến tai nạn xe cộ thường xuyên xảy ra. 
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh - Bài 5: Hồi sinh quạt cổ
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh - Bài 5: Hồi sinh quạt cổ
TP - Qua bàn tay khéo léo, kiên trì của người thợ lão luyện, những chiếc quạt cổ sáng bóng trở lại và chạy êm ru. Quạt cổ phả ra làn gió nhẹ, mơn man khiến chủ nhân như đang được ngồi giữa cánh đồng bát ngát. Trong thời buổi con người vật lộn, sống gấp như hiện nay thì ai cũng muốn có được những giây phút thư thái như thế…