Tập thể doanh nghiệp kinh doanh karaoke ở Hà Nội vừa có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các đơn vị liên quan về tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn.
Theo đó, các doanh nghiệp này cho biết theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động để thực hiện các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).
"Từ khi có đợt kiểm tra tổng thể về PCCC đến nay tất cả các cơ sở đều nghiêm chỉnh chấp hành lệnh tạm thời đóng cửa, nhưng đến nay đã hơn 3 tháng mà vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn về PCCC cụ thể nào để các cơ sở khắc phục", văn bản nêu.
Anh Nguyễn Đăng Sỹ, đại diện quán karaoke số 16 Nguyễn Khang (Yên Hoà, Cầu Giấy) cho biết, từ ngày 8/10/2022, lực lượng quản lý về PCCC các quận, huyện tại Hà Nội thực hiện kiểm tra toàn bộ các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố. "Sau đợt kiểm tra này, đa số các cơ sở karaoke đều bị dừng hoạt động, tạm đình chỉ bởi bị kết luận trong biên bản kiểm tra là: không đảm bảo an toàn về PCCC.", anh Sỹ cho biết.
Đại diện cơ sở karaoke này cũng cho hay: "Trên thực tế, mỗi phòng hát tại Hà Nội, đa số các cơ sở đầu tư trung bình cho trang trí, âm thanh hết khoảng 300-500 triệu đồng/phòng. Với hàng nghìn phòng hát trên toàn địa bàn thủ đô, tổng chi phí đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Rồi tiền thuê mặt bằng, tiền bồi hoàn sửa chữa lại hiện trạng ban đầu.
Anh Nguyễn Đăng Sỹ, đại diện quán karaoke số 16 Nguyễn Khang |
Đầu tư 20 tỉ đồng để mở quán karaoke ở phường Mỗ Lao (Hà Đông), bà Tạ Thị Hà cho biết sau 5 tháng bị tạm dừng hoạt động, mỗi tháng bà phải chi 500 triệu đồng để duy trì cơ sở trên, chưa kể những tổn thất về doanh thu.
Hiện các quy định về PCCC thay đổi thường xuyên, khiến các nhà đầu tư khó thực hiện, đặc biệt có một số quy định khó áp dụng vào thực tế.
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ và các ban ngành có liên quan thanh tra lại việc nghiệm thu về PCCC đối với các cơ sở dịch vụ karaoke trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017 của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến nay đã đúng theo quy định của pháp luật chưa. Vì chúng tôi được nghiệm thu về PCCC và hằng năm vẫn được các đoàn kiểm tra theo định kỳ và đều nhận được biên bản kiểm tra là đủ điều kiện, tại sao tại thời điểm này lại kết luận các cơ sở của chúng tôi không đủ điều kiện và yêu cầu chúng tôi dừng hoạt động", bà Hà nói.
Về vấn đề này, Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng Phòng cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội) cho biết, đơn vị đã phân công công an 30 quận, huyện, thị xã giải thích cho các hộ kinh doanh trên địa bàn, không để người dân bức xúc.
"Còn khoảng 400 cơ sở được cấp phép đầy đủ giấy tờ mà vẫn bị tạm đình chỉ hoạt động, có thể do vi phạm một số lỗi như đường hành lang, cầu thang bộ đóng kín lại mở cửa, vật liệu trên hành lang thoát nạn là vật liệu dễ cháy, phòng hát bố trí này kia, diện tích phòng hát bị co hẹp… Tất cả những điều này cơ sở buộc phải khắc phục", ông Hiếu nói.
Đại tá Hiếu cho biết những ngày tới sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo đưa ra đề xuất với UBND TP Hà Nội để kiến nghị lên Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng... tháo gỡ cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn.