Cô giáo nhốt chồng đến gần chết

Cô giáo nhốt chồng đến gần chết
Không chịu ký giấy vay tiền, một giáo viên về hưu bị vợ - cũng là giáo viên - nhốt trong nhà, không cho ăn trong nhiều ngày khiến sức khỏe suy kiệt

Cô giáo nhốt chồng đến gần chết

> Sinh viên bán dâm lấy tiền… đóng học phí
> Chọc ghẹo chân dài lúc đổ xăng, bị truy sát đến chết
 

Không chịu ký giấy vay tiền, một giáo viên về hưu bị vợ - cũng là giáo viên - nhốt trong nhà, không cho ăn trong nhiều ngày khiến sức khỏe suy kiệt

Ông Lê Ngọc Trọng đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong
Ông Lê Ngọc Trọng đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong.
 

Ngày 4/9, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cho biết bệnh nhân Lê Ngọc Trọng (SN 1955, ngụ thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) hiện đã qua cơn nguy kịch nhưng sức khỏe vẫn còn yếu. Cùng ngày, ông Trọng cho biết đã có đơn gửi đến Công an thị trấn Phú Phong, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Sơn, Trường Tiểu học Võ Xán 2 tố cáo bị vợ là bà Nguyễn Thị Lợi (SN 1966, giáo viên tiểu học) nhốt ở nhà đến gần chết.

Chậm 1 ngày là có thể chết

Theo trình bày của ông Trọng, trước đây ông cũng là giáo viên, do bị bệnh suy thận, ông được cho về hưu sớm. Hơn 2 năm qua, mỗi tuần 3 lần, ông Trọng phải chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong. Sau lần chạy thận vào ngày 22-8 trở về, ông bị vợ nhốt trong nhà, không cho ra ngoài. “Mỗi bữa ăn, vợ tôi cho tôi 1 cái bánh tráng chấm nước tương rồi uống nước. Cứ vậy mà chịu đựng đến hơn 1 tuần” - ông Trọng kể.

Trưa 30-8, nghe tiếng kêu cứu yếu ớt của ông Trọng, một người hàng xóm đã gọi điện thoại cho em trai ông Trọng là Lê Ngọc Thông (ngụ xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn). “Khi tôi đến, chị Lợi và 2 con đều ở nhà nhưng cửa sắt khóa chặt. Tôi phải đập cửa nhiều lần, chị Lợi mới ra mở cửa. Khi tôi đề nghị đưa anh Trọng đi cấp cứu, chị Lợi dọa từ nay về sau, chị không chịu trách nhiệm gì nữa” - ông Thông kể lại.

Ngay trưa 30-8, ông Trọng được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong trong tình trạng sức khỏe rất yếu, toàn thân phù nề. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn, trưởng khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện, nếu chậm trễ, dù chỉ 1 ngày, khả năng tử vong của ông Trọng rất cao bởi ông Trọng bị bệnh suy thận giai đoạn cuối.

Còn theo ông Trần Trọng Hồ, điều dưỡng trưởng khoa hồi sức cấp cứu, ngay sau khi ông Trọng bỏ một lần chạy thận, ông đã gọi điện thoại cho bà Lợi yêu cầu đưa chồng đến chạy thận, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng nhưng bà Lợi nói từ nay, chồng bà sẽ không cần phải chạy thận nữa. Ông Hồ cũng cho biết do hơn 1 tuần ông Trọng không chạy thận để lọc máu, lượng độc tố tích tụ trong máu nhiều. Hiện sau khi chạy thận, ông Trọng vẫn còn mệt, phải nhập viện để theo dõi.

Bị nhốt vì không ký giấy thế chấp nhà để vay tiền

“Vợ tôi bảo tôi cùng ký giấy thế chấp căn nhà để vay 250 triệu đồng. Tôi hỏi vay để làm gì, bà không trả lời nên tôi không ký. Vậy là bà ấy nổi giận, nhốt để tôi chết” - ông Trọng bộc bạch về lý do bị vợ nhốt.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 4-9, bà Lợi thừa nhận đã nhốt chồng nhưng “để bảo vệ ông ấy và tài sản trong nhà (?!)”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến lý do ông Trọng không chịu ký đơn vay tiền nên bị nhốt, bà Lợi nói: “Đúng, tôi rất khó chịu chuyện này. Chỉ duy nhất một chữ ký của ổng mà làm tôi khổ. Ổng đã phủi hết cái công của tôi đối với ổng. Nhờ ai mà ổng được sống đến hôm nay?”. Theo bà Lợi, bà đã nói rõ lý do vay tiền để trả nợ nhưng ông Trọng không chấp nhận.

Về việc không cho chồng ăn, bà Lợi cho rằng bà không có trách nhiệm. “Trước đây, mỗi bữa ăn tôi đều chuẩn bị sẵn nhưng nay cứ nấu cơm để đó. Ổng ăn cơm hay bánh tráng là chuyện của ổng” - bà Lợi nói. Bà Lợi cũng thừa nhận không cho chồng đi chạy thận khi bệnh viện yêu cầu vì... không còn sức.

Trong khi đó, những người hàng xóm của gia đình ông Trọng rất bất bình trước cách cư xử của bà Lợi đối với chồng. “Những người ở xung quanh đây đều là giáo viên. Chúng tôi đến động viên bà Lợi chín bỏ làm mười, cố gắng lo cho chồng nhưng bà nói hết sức rồi, trong khi đó, sáng sáng bà thảnh thơi đi đánh cầu lông. Thấy ông Trọng vậy, ai cũng muốn mang thức ăn, nước uống sang cho nhưng ngại bị bà Lợi chửi” - một người hàng xóm nói.

Công an xác minh vụ việc

Chiều 4-9, thiếu tá Võ Đắc Rin, Phó Công an thị trấn Phú Phong, cho biết cơ quan này đã tiếp nhận đơn tố cáo của ông Lê Ngọc Trọng. Trước đó, Công an thị trấn Phú Phong đã tiếp nhận vụ việc qua phản ánh của quần chúng và đang tiến hành xác minh. “Chiều 3-9, chúng tôi đã làm việc với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Võ Xán 2 và lãnh đạo UBND thị trấn Phú Phong để làm rõ và có hướng can thiệp kịp thời, tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của người giáo viên. Kết quả xác minh bước đầu ở cơ sở cho thấy chuyện bà Lợi nhốt, không cho ông Trọng ăn và đi chạy thận là có thật” - thiếu tá Rin khẳng định.

Theo Hồng Ánh
Người Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG