Cô giáo làng dựng bảo tàng lúa nước

Cô giáo làng dựng bảo tàng lúa nước
TP - Trên khu đất rộng khoảng 5.000 mét vuông ở đầu làng Bỉnh Di (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, Nam Định) một bảo tàng lưu giữ những nét đặc sắc nhất của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ đang được xây dựng. Người nuôi ý tưởng và say mê triển khai việc sưu tầm hiện vật chính là cô giáo Ngô Thị Khiếu, trước đây dạy môn sinh - địa nhiều năm tại trường làng.

Cô Khiếu chia sẻ: Một lần về quê dự khai trương trường mầm non của làng, cô thấy trường còn thiếu thốn nhiều. Các cháu thiếu nơi vui chơi, thiếu đồ dùng học tập, sách báo. Cô đặt vấn đề với lãnh đạo xã mua một sào đất làm thư viện.

Cô sẽ chuyển toàn bộ số sách cũ trong thư viện gia đình, mua thêm sách mới phục vụ việc đọc cho các cháu và bà con trong xã, trong thôn. Một cán bộ huyện gợi ý, sẽ đề nghị xã cấp một khoảng đất rộng hơn để cô có thể dựng một khu văn hoá, tạo thêm một điểm vui chơi cũng là nơi giáo dục truyền thống cho lớp trẻ, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Cô Khiếu nhớ mình có mua nhiều cuốn sách hướng dẫn sưu tập cổ vật tại Quán sách của bác Cảnh (Số 5, Bát Đàn, Hà Nội). Cô tìm lại đọc. Thế rồi, mong muốn dựng một bảo tàng lúa nước nơi quê nhà hình thành. Cô viết đề án xây dựng bảo tàng, tìm gặp nhà văn hoá Vũ Khiêu.

Cụ Khiêu cũng là người con của miền biển Nam Định. Cụ hoan nghênh, góp thêm nhiều ý kiến để xây dựng một bảo tàng đặc sắc về nền văn minh lúa nước sông Hồng. Nhà văn hóa Vũ Khiêu tặng cô một câu đối:

Giữ lấy tinh hoa từ thủa trước

Để cho con cháu mãi sau này.

Tiếp thu những ý kiến của cụ, cô Khiếu đã hoàn thiện quy hoạch tổng thể bảo tàng. Theo đó, bảo tàng sẽ dựng 5 kiểu nhà tiêu biểu cho sự hình thành phát triển của đời sống người nông dân Bắc bộ. Ngôi nhà tranh vách đất, nơi trú ngụ của người nông dân nghèo, nơi có những cái cày, cái cuốc, những đôi quang gánh, cái bếp với ba đầu rau để đun rạ, đun rơm; cái giần, cái sàng, cái nong, cái nia phơi thóc, cơ bản đã phục dựng xong.

Ngôi nhà luồn gianh, lợp bổi bên trong có những hiện vật thể hiện nghề dệt cói truyền thống của những làng ven biển Nam Định cũng đã hoàn thành.

Ngôi nhà gỗ lim lợp ngói, nơi ở của địa chủ dưới chế độ phong kiến với những mâm đồng, nồi đồng, những đồ gốm sứ có giá trị đang xây dựng. Hai ngôi nhà hiện đại thời kỳ nông thôn đổi mới đã lên kế hoạch triển khai.

Nhiều năm qua, cô Khiếu tập trung vào việc sưu tầm hiện vật. Cô đã sưu tập được hàng ngàn hiện vật cổ. Chúng không có giá trị thật cao về kinh tế nhưng lại có giá trị to lớn về lịch sử, văn hoá. Cô rất vui khi sưu tập được bộ cối xay thóc giã gạo cổ của gia đình cụ Ngô Quang Đạo (một gia đình nho học được lưu danh).

Có lần, cô Khiếu về quê đến thăm người chị họ tàn tật nhưng rất khéo tay. Cô nhìn lên gác bếp thấy xếp nhiều rổ rá, thúng mủng, giần, sàng đã bám đầy bồ hóng, một gác bếp rất đặc trưng của các gia đình nông thôn Bắc Bộ.

Ảnh : Trung Hiền
Ảnh : Trung Hiền.

Cô xin được mua lại toàn bộ cái gác bếp ấy. Nghe cô Khiếu nói sẽ mang về lưu giữ trong bảo tàng để cho lớp trẻ sau này hiểu về truyền thống quê hương, người chị đã tặng toàn bộ cái gác bếp cho cô. Cô Khiếu chia sẻ, chuyến ấy cô đã sưu tập được gần ba mươi món đồ có giá trị.

Bảo tàng lúa nước ở Bỉnh Di đang dần hình thành. Theo kế hoạch, cuối năm nay, bảo tàng sẽ đi vào hoạt động. Cô giáo làng Ngô Thị Khiếu vẫn ngày ngày rong ruổi đi sưu tầm hiện vật ở những miền quê châu thổ sông Hồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG