Cô Phượng chia sẻ, việc trở thành Đại biểu Quốc hội khóa XV vừa là niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn lao. Vinh dự khi được đại diện không chỉ cho các thầy cô giáo, mà còn là đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ và cho cả những thanh niên trẻ tuổi. “Tôi mong muốn mình sẽ là cầu nối, tích cực tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri để đem tiếng nói ấy đến nghị trường quốc hội”, cô nói .
Cô mong muốn có thể đề xuất với Quốc hội để đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy học môn tiếng Anh trong các nhà trường nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục của Việt Nam nói chung.
“Tôi sẽ tiếp tục lan tỏa và chia sẻ mô hình lớp học xuyên biên giới cùng các phương pháp giảng dạy tích cực 4.0 với các trường trong và ngoài tỉnh Phú Thọ, để có thêm nhiều em học sinh sớm trở thành những công dân toàn cầu, đặc biệt trước những thách thức của dịch bệnh đang diễn biến đối với ngành giáo dục.
Ngoài ra, tôi cũng sẽ quan tâm tới các vấn đề nhiều học sinh Việt Nam đang gặp phải như văn hoá đọc, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, vấn đề thanh thiếu niên an toàn khi sử dụng mạng...
Tôi tin rằng, nếu trở thành Đại biểu Quốc hội, những dự án mình đang thực hiện như: Thư viện hạnh phúc, An toàn trên không gian mạng, Mô hình lớp học xuyên biên giới ...mình thực hiện lâu nay sẽ được tiếp thêm sức mạnh để lan toả”, cô Phượng nói.
Ngoài ra, là một giáo viên, cô cho biết, mình quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi của nhà giáo, một trong những vấn đề cấp bách được đội ngũ nhân sự ngành quan tâm hàng đầu. Vấn đề văn hoá đọc của học sinh Việt Nam; giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, vấn đề thanh thiếu niên an toàn khi sử dụng mạng; chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Trong số 499 người trúng cử đại biểu Quốc khóa XV vừa được công bố, ngành giáo dục có 25 người là cán bộ, giáo viên. Cô giáo Hà Ánh Phượng, sinh năm 1991, dân tộc Mường, quê xã Thượng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Cô là Thạc sỹ chuyên ngành ngôn ngữ Anh; Giáo viên Tiếng Anh trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Cô Phượng được giới thiệu là giáo viên trẻ, người dân tộc Mường với nhiều sáng kiến trong dạy học được quốc tế ghi nhận và là diễn giả của nhiều hội thảo quốc tế về giảng dạy ngoại ngữ trong và ngoài nhà trường với các dự án như: Mô hình lớp học xuyên biên giới; Phòng chống bạo lực trên không gian mạng, Nói không với ống hút nhựa, Thư viện hạnh phúc…
Năm 2020, cô Phương lọt top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu do quỹ Varkey bình chọn; giải thưởng 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020; học bổng toàn phần Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chương trình SEAYLP; Danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác do T.Ư tặng; Bằng khen Bộ trưởng Bộ GD&ĐT….
Trong quá trình học tập khi còn là sinh viên, cô Ánh Phượng từng được trao học bổng Hoa trạng nguyên dành cho thủ khoa tốt nghiệp THPT xuất sắc năm 2009; là 1 trong 14 sinh viên châu Á đạt học bổng tiềm năng lãnh đạo do Viện giáo dục quốc tế Mỹ IIE trao tặng.
Trong quá trình công tác tại trường THPT Hương Cần, cô Hà Ánh Phượng là giáo viên trẻ người dân tộc với những sáng kiến và sáng tạo đột phá trong giáo dục. Có ảnh hưởng đến cộng đồng giáo dục của địa phương, của cả nước và đồng nghiệp quốc tế qua các hội nhóm chuyên môn về ngoại ngữ.
Cô là người xây dựng mô hình lớp học xuyên biên giới và các dự án quốc tế đem học sinh dân tộc kết nói với quốc tế để trở thành những công dân toàn cầu.
Cô có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy được báo cáo tạo các hội thảo quốc tế Viettesol.
Không chỉ giảng dạy, cô Ánh Phượng còn tích cực nghiên cứu khoa học. Năm học 2018 – 2019, cô tham gia hội thảo quốc tế Viettesol với tư cách là báo cáo viên về sáng kiến sử dụng phim để dạy tiếng Anh;
Năm học 2019 – 2020 cô cũng tham gia hội thảo này với tư cách là báo cáo viên về đề tài nghiên cứu khoa học mô hình học tập xuyên quốc gia qua skype…