Ngay sau khi video được lan truyền, cộng đồng mạng đã lên tiếng chỉ trích hành động của nữ giáo viên.
Theo đó, cô giáo vừa cắt tóc nữ sinh vừa nói: "Tôi sẽ không cắt đẹp mà cắt lem nhem cho các bạn biết bởi vì tôi đã nhắc từ trước".
Khi bị cô giáo cắt tóc, nữ sinh đã hoảng hốt quay lại nói "tóc em có vàng đâu" thì cô giáo tiếp tục: "Đứng yên đấy! Vàng hay không đó là việc tôi quy định rồi. Em đừng có lý do lý trấu".
Dù nữ sinh và nhiều học sinh khác liên tục mong và xin cô giáo dừng nhưng cô giáo vẫn kiên quyết với hành động của mình, đồng thời cho rằng: "Hôm nay tôi cảnh cáo chỉ như thế này. Lần sau tôi cắt thật nhiều chứ không phải thế này đâu".
Học sinh bất bình, giáo viên thấy “sốc”
Nguyễn Thị Mai Hương, học sinh lớp 12 ở Hà Nội cho rằng: "Nếu nhà trường không quy định rõ là học sinh chỉ được nhuộm màu nào một cách cụ thể thì cũng khó quy chụp với học sinh. Nhưng nếu học sinh sai phạm nội quy, thì hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ xử lý. Chứ cô giáo không thể cầm kéo hớt tóc học sinh ngay trên bục giảng như vậy. Đây là một cách làm chưa nhân văn".
Giáo viên Đỗ Thanh Hương (H.Chương Mỹ, Hà Nội), cho biết khá bất ngờ với hành động của người giáo viên.
Cô Hương nghĩ rằng, cách làm của cô giáo trong video là không đúng. Có thể nữ sinh đã sai khi nhuộm một phần tóc, vi phạm nội quy của lớp, của trường. Nnhưng với hành động này của giáo viên thì khó có thể bào chữa được vì hành động của cô giáo trong video không có tính giáo dục.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Anh Thư, giảng viên Trường Đại học An Giang, ĐHQG-HCM cho rằng, cô vừa xem clip và cảm thấy thấy sốc.
“Cái răng cái tóc là gốc con người", nên dẫu học sinh có vi phạm nội quy nhà trường và giáo viên cũng đã nhắc nhở nhiều lần thì cũng không nên có hành động nóng giận như vậy trước đông đảo học sinh khác. Ở lứa tuổi mới lớn, các em học sinh có rất nhiều hành động không như người lớn mong muốn.
Bà Thư cho rằng, ở môi trường sư phạm, tình yêu thương và sự giáo dục bằng tình yêu thương luôn cần được đặt lên hàng đầu.
“Ngày xưa, khi còn học phổ thông, nội quy trường tôi học có thể nói là khắt khe nhất trong các trường mà tôi biết đến hiện tại. Nội quy quy định cả việc mặc áo lá bên trong áo dài của nữ sinh, quy định cả việc không được đạp quai hậu của giày sandal, nên đầu tóc, cách ăn mặc càng được quản lý. Những bạn bè cá biệt trong trường thường xuyên phải mời ba mẹ làm việc với giám thị, với giáo viên chủ nhiệm”- bà Thư chia sẻ.
Nhưng sau tất cả những lời giáo huấn, la mắng của người lớn thì học sinh sẽ đều nhận thấy tình yêu thương ở trong đó. Môi trường học đường ngày nay cũng đã khác nhiều, từ nội dung giảng dạy đến phương pháp giảng dạy, nhưng vai trò định hướng của người giáo viên đối với học sinh chưa bao giờ thay đổi.
“Nên tôi nghĩ, đối với các trường hợp học sinh cá biệt thì nhà trường và gia đình càng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục, định hướng cho các em”- vị giảng viên này nêu quan điểm.
Cô Nguyễn Thi Anh, một giáo viên dạy Văn ở Hà Nội cho biết, mọi việc cần có cái nhìn đa diện, nhiều chiều và trong một tình huống cụ thể.
“Nhưng nếu là tôi, tôi sẽ không bao giờ làm như vậy. Ngay cả việc phê bình học sinh trước tập thể lớp cũng rất cần cân nhắc cách sử dụng ngôn từ, ngữ điệu như nào cho phù hợp. Để học sinh thấy được sự nghiêm khắc xuất phát từ yêu thương và mong muốn những điều tốt đẹp. Làm được điều này không phải dễ. Nhất là những tình huống sư phạm thường diễn ra không như mình lường trước”- cô Anh nói.
Tuy nhiên giáo viên này cũng cho rằng, chọn nghề cũng đồng nghĩa là chọn thử thách. Nghề giáo lại có những nỗi nhọc nhằn riêng. Chúng ta dạy con ở nhà nhiều lúc stress lắm mà chủ nhiệm một lớp với rất nhiều cá tính khác nhau. Nhưng nếu thường xuyên tâm niệm dùng đức trị thì tự nhiên mình cũng sẽ có khả năng tiết chế.
“Mười mấy năm làm chủ nhiệm cấp 3 với 1,2 môi trường khác nhau, học chuyên có, cá biệt có, nhất là học sinh quốc tế có điều kiện có tiếng là “sành điệu”, tôi nhận thấy học sinh không còn vì sợ mà nghe lời giáo viên (như cấp 1,2) mà vì hiểu hoặc chỉ đơn giản là vì yêu và vì tôn trọng. Đối thoại riêng tư sẽ hiệu quả hơn mạt sát trước tập thể. Làm thầy chưa đủ phải học cách làm bạn”- cô Anh chia sẻ.
“Đừng chĩa hoàn toàn mũi dùi dư luận vào cô giáo”
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Anh Thư cho rằng, giáo viên hiện nay đối mặt với rất nhiều áp lực, ngoài giảng dạy kiến thức trên lớp cho học sinh thì người giáo viên còn phải thường xuyên tự học tập, trau dồi các kỹ năng, cập nhật các công nghệ để có thể theo kịp sự phát triển của thời đại.
Bà Thư chia sẻ, thực sự thì giáo viên cũng phải đối mặt với chuyện cơm áo gạo tiền rất rất nhiều. Quá nhiều nỗi lo như vậy thì đôi khi tâm lý của các cô các thầy không ổn định. Như tình huống của cô giáo trong clip, thực sự đừng chĩa hoàn toàn mũi dùi dư luận vào cô, mà còn phải xem xét nhưng tâm lý lúc đó của cô, tình hình thực tế của em học sinh bị cắt tóc thì mới có thể ra quyết định chính xác được.
Cô Nguyễn Thi Anh nêu quan điểm, quy định sinh ra để định hướng những điều tốt đẹp và tìm được tiếng nói chung cho cả một tập thể nhất là ở độ tuổi chưa trưởng thành trọn vẹn về nhận thức.
“Có quy định thì sẽ có vi phạm quy định. Sự cởi mở nằm ở việc xử lý những vi phạm, tránh những cách xử lý theo kiểu tuỳ tiện, cứng nhắc, hà khắc, nêu gương vì nguyên nhân và biểu hiện ở mỗi đứa trẻ là không giống nhau. Nhất là Gen Z bây giờ, quả là một thế giới phức tạp, khó nắm bắt”-
Trao đổi với báo chí, đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, đúng là có sự việc như trong video diễn ra tại Vĩnh Phúc. Một giáo viên đã cắt tóc nữ sinh ngay trên bục giảng. Sự việc này đã diễn ra cách đây vài ngày. Giáo viên đã dùng kéo cắt tóc một học sinh nữ trong lớp để cảnh cáo về việc nữ sinh kia nhuộm tóc, dù đã được giáo viên nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn chưa sửa đổi".