Cơ duyên đưa tôi đến với nghề báo

Cơ duyên đưa tôi đến với nghề báo
TPO - Tự nhận mình chỉ là người làm báo “amateur” nhưng Đặng Phương Nam nói anh luôn thể hiện tính chuyên nghiệp với từng sản phẩm báo chí của mình, dù là nói hay viết. Nhân ngày 21-6, Tiền Phong Online có cuộc trò chuyện thú vị với cựu danh thủ nổi tiếng nay đã trở thành một phóng viên tay ngang với những bài viết và bình luận rất có duyên về bóng đá trong nước cũng như quốc tế.
Đặng Phương Nam trao đổi với PV Tiền Phong Online
Đặng Phương Nam trao đổi với PV Tiền Phong Online.

Cơ duyên nào dẫn cầu thủ Phương Nam đến với nghề báo?

Hồi đi học tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm báo bởi học khá dốt môn văn. Khi trở thành cầu thủ cũng chỉ nghĩ sau khi từ giã sân cỏ sẽ trở thành một HLV. Tuy nhiên, khi đi thi đấu tôi rất hay được báo chí phỏng vấn. Có thể do khả năng nói trước đám đông của mình cũng không tệ nên khi giải nghệ tôi được BLV Quang Huy mời cộng tác trong các chương trình bình luận bóng đá trong nước và quốc tế trên VTC. Nhiệm vụ chính của tôi là bình luyện trước và sau các trận đấu trong và ngoài nước. Ngoài ra tôi cũng cộng tác cho báo Thể thao văn hoá, mục bóng đá trong nước. Tôi làm theo sở thích của một người yêu bóng đá, gắn bó và sống chết với bóng đá chứ không phải để đánh bóng tên tuổi hay để nổi tiếng.

Công viện hiện tại của anh?

Công việc chính của tôi giờ là HLV cho đội U15 Thể Công. Ngoài công tác huấn luyện tôi còn là cộng tác viên độc quyền của hai kênh Bóng đa TV và Thể thao TV ở ba chương trình: dạy bóng đá trên truyền hình, bình luận V-League và bình luận các giải vô địch lớn. Trong đó, ở hai chương trình dạy bóng đá và bình luận V-League, tôi là người viết kịch bản và trực tiếp dẫn chương trình. Ngoài ra, tôi còn cộng tác cho chuyên mục thể thao báo Thanh Niên và báo Thể thao văn hóa.

Phóng viên Phương Nam có điểm gì khác các phóng viên thể thao thông thường khác?

Cũng có đôi chút khác biệt. Tôi từng là cầu thủ nên sẽ có cái nhìn bao dung và thông cảm hơn với những khó khăn mà anh em gặp phải. Với từng đấy năm lăn lộn cùng trái bóng, tôi tự tin mình là người nắm rất vững chuyên môn và sẽ chỉ đưa ra nhận định về các vấn đề chuyên môn. Điều tôi hướng tới trong nghề báo là qua những bài viết và nhận định của mình để giúp độc giả hiểu các cầu thủ hơn và giúp các cầu thủ nhìn nhận lại bản thân mình một cách đúng đắn hơn.

Người ta nói viết về thể thao là dễ nhất trong nghề báo?

Thực ra, lĩnh vực nào cũng có cái khó và cái dễ. Để viết một bài thể thao bình thường, nhàn nhạt chắc sẽ có nhiều người viết được. Nhưng để làm ra một sản phẩm có sức lay động khiến độc giả nhớ và phải suy nghĩ về nó không phải là chuyện đơn giản.

Đặc thù của thể thao khác với kinh tế, chính trị hay xã hội khi khen quá một chút hay chê quá lời một chút cũng không quá ảnh hưởng tới ai. Nó chỉ khiến các cầu thủ hay VĐV vui lên đôi chút hay buồn đi đôi chút mà thôi. Chính cái sự dễ dàng này khiến nhiều phóng viên thể thao thường lạm dụng lời khen, khi cầu thủ hay VĐV chỉ hay vừa vừa thôi thì họ tâng lên đến tận mây xanh. Cũng có trường hợp thi đấu hơi xuống một chút thôi lại vùi người khác xuống tận vũng bùn.

Tôi biết có nhiều phóng viên thể thao không ra sân xem trận đấu mà vẫn viết (hoặc nói) về trận đấu như thật. Đánh đầu vào lưới thì họ bảo là sút. Cách viết của nhiều người cũng hướng đến việc câu khách bằng cách giật tít và hướng đến những chủ đề giật gân. Với quan điểm của một người chỉ “làm báo tay ngang”, tôi nghĩ rằng điều đó là hoàn toàn không nên.

Theo Viết
MỚI - NÓNG