Từ những chiêu thức đánh vào sự ham rẻ của du khách như: mua đặc sản dâu tây, mứt dâu giá rẻ; hoặc đon đả mời chào, lôi kéo mua và sử dụng các mặt hàng đặc sản trước rồi mới trả tiền... khi du khách "dính bẫy" thường bị hét giá trên trời, các mặt hàng lại không đảm bảo chất lượng, du khách phản ứng thì dễ bị hành hung, chèn ép...
Nơi đâu cũng thấy có "cò" xuất hiện nhưng chủ yếu tập trung đông nhất vẫn là tại khu vực trung tâm, điểm tham quan Vườn hoa thành phố, Thung lũng tình yêu và các tuyến đường Phù Đổng Thiên Vương, Nguyên Tử Lực, Mai Anh Đào... nơi có nhiều vườn dâu và nhiều quầy bày bán các loại đặc sản Đà Lạt.
Trung tuần tháng 6, trong vai du khách đến Vườn hoa TP Đà Lạt tham quan, phóng viên ghi nhận có một nhóm khoảng 10 người trong độ tuổi từ 18 đến 35 (có cả phụ nữ) liên tục dùng xe máy, thậm chí một số đối tượng không đội mũ bảo hiểm "đảo" vòng quanh, bám theo các loại xe khách. Nếu phát hiện người đi trên xe là du khách, nhóm này sẽ mồi chài, níu kéo mời đi tham quan vườn dâu và mua đặc sản dâu giá rẻ, đồng thời rút trong túi quần ra danh thiếp dúi vào tay du khách. Nhiều du khách liền nói "Thôi! Thôi!", với giọng khó chịu vì bị quấy rầy.
"Nhiều lần từ chối thì chúng tôi bị chửi ngay nên giờ rút kinh nghiệm, cứ ừ à cho qua chuyện rồi tìm chỗ đậu xe và đi uống cà phê chờ khách là được. Không nên đôi co làm gì với họ mắc công, phiền phức lắm!" – anh Phương, tài xế quá quen với nạn "cò" này, tiết lộ.
Trong khi đó, tài xế xe khách Đặng Hoàng Tuấn đến từ tỉnh Bình Dương cho biết: "Họ thấy tài xế nào lạ là chạy theo mời. Nếu xe không ghé thì họ kiếm chuyện hăm dọa và đòi đập xe. Nói chung tình trạng này phải dẹp chứ nếu không làm ảnh hưởng tới mấy chỗ làm ăn đàng hoàng, gây phiền cho khách".
Cùng tâm trạng, chị Nguyễn Thị Hồng Hoa (du khách đến từ tỉnh Đồng Nai), than phiền: "Hè năm nào, tôi cùng gia đình lên Đà Lạt du lịch nhưng khi đến điểm tham quan nào cũng có nhóm người đến mời chào mua đặc sản và hái dâu tại vườn với giá từ khoảng 30.000-40.000 đồng/kg. Họ cứ bám theo làm gia đình tôi cảm thấy mệt mỏi và phiền hà".
Cơ quan chức năng TP Đà Lạt xác định có 4 loại "cò" gồm: Nhân viên cơ sở kinh doanh trực tiếp làm môi giới. "Cò" tự do đón khách dẫn vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ (có thỏa thuận trước để hưởng tiền hoa hồng). "Cò" bảo kê ép cơ sở kinh doanh phải chi tiền môi giới khi đưa khách vào. Cuối cùng là một số lái xe, hướng dẫn viên lợi dụng đưa khách đến cơ sở kinh doanh giá cao, chất lượng kém để hưởng tiền hoa hồng.
Thượng tá Phan Tất Chí, Phó trưởng Công an TP Đà Lạt cho biết: "Chúng tôi cũng đã tham mưu cho UBND TP Đà Lạt yêu cầu tất cả cơ sở kinh doanh phải cam kết, nếu họ không thực hiện cam kết về việc không sử dụng "cò", nâng giá, kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc thì phải kiên quyết xử lý. Chúng tôi đã có một tổ gồm công an, phòng kinh tế và lực lượng quản lý thị trường tiến hành làm việc này trước và trong dịp hè. Đồng thời, giao trách nhiệm, nếu như phường nào để xảy ra cò lộng hành như thời gian trước thì trưởng công an phường đó phải chịu trách nhiệm".
Khi nghe phóng viên phản ánh về tình trạng cò đặc sản bùng phát trở lại dịp nghỉ hè, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: "Sẽ lập tức chỉ đạo anh em phối hợp cùng công an các phường vào cuộc truy bắt và xử lý nghiêm tránh ảnh hưởng xấu hình ảnh Đà Lạt trong mắt du khách".
Khách quốc tế đến Đà Lạt tăng 20%
6 tháng đầu năm, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đón 245.000 lượt khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 20% so với cùng kỳ. Nâng tổng lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt lên hơn 3,3 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân khách quốc tế đến Đà Lạt tăng mạnh là do địa phương này đã phối hợp với hãng hàng không từ Liên Khương nối Thái Lan, Hàn Quốc và Singapore với tầng suất nhiều chuyến trong tuần.