> Ngôi trường của những nhà nghiên cứu trẻ
Ông Đặng Hữu nói: Chúng ta cần phải thay đổi từ cách nghĩ, cách làm đến hệ thống giáo dục (GD), triết lý GD; từ quan điểm dạy con người thế nào, tổ chức hệ thống GD ra sao… đến nội dung, phương pháp GD xuất phát từ triết lý GD mà ra.
Những câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay phải là: hệ thống GD đã thích hợp chưa; học phổ thông đến đâu là vừa, học đại học (ĐH) thế nào để nằm trong hệ thống GD học tập suốt đời; GD đại học sắp xếp lại thế nào; hệ thống quản lý chưa phù hợp; vì sao GD quản lý lại chồng chéo bao nhiêu nơi…
Ở thời đại mới đòi hỏi trí tuệ con người theo kịp sự phát triển của thế giới, có khả năng sáng tạo.
Trong khi đó, GD phổ thông của ta không rèn luyện khả năng của học sinh từ nhỏ để các em biết cách học, biết cách làm thì lại nhồi nhét quá nhiều kiến thức vào đầu các em; ở bậc ĐH, là nơi đào tạo con người có khả năng tham gia giải quyết những vấn đề về đời sống phải năng động sáng tạo, có chủ kiến riêng thì hoạt động đào tạo lại khiến người ta phải nhắc nhở: ĐH không phải là trường cấp 4!
Trong khi đó, chúng ta vẫn loay hoay với hiện tượng nhiều trường không đủ sinh viên để dạy; nhà nước cho trường công, trường tư mở ra loạn cả lên…
Về lĩnh vực khoa học, ông có kỳ vọng gì ở hội nghị T.Ư 6 lần này không?
Về khoa học, những vấn đề được đệ trình có vẻ như có thể giải quyết được vấn đề cơ bản: cơ chế hiện nay chưa phù hợp với quản lý khoa học. Chắc lần này sẽ giải quyết được hiện tượng tiền có, nhà khoa học không tiêu được. Gốc rễ của vấn đề là hệ thống quản lý tài chính. Cơ chế quản lý hiện nay chặn mất sáng tạo trong khoa học.
Tuy nhiên, tôi mong muốn vấn đề lớn hơn: khoa học phải gắn với sản xuất. Lâu nay, ta nói tới khoa học là nói đến thành tích các nhà khoa học, nói đến cơ quan quản lý khoa học.
Chính sách của ta chưa thực sự khuyến khích và bắt buộc các doanh nghiệp phải đầu tư cho khoa học. Muốn khoa học phát triển thì phải làm theo mô hình: nghiên cứu khoa học là của các nhà khoa học; ứng dụng khoa học là việc của doanh nghiệp. Các nhà khoa học có ý tưởng, nghiên cứu đưa ra các công nghệ; phát triển công nghệ phải doanh nghiệp mới đủ sức làm.
Trong các vấn đề trình lên Hội nghị T.Ư 6 cũng chưa thấy nói đến làm thế nào lấy khoa học là nội dung cốt lõi, lấy khoa học làm hàng đầu để phát triển kinh tế. Vấn đề nữa mà các nhà khoa học mong mỏi mà chưa được đệ trình là khả năng áp dụng khoa học vào kinh tế. Hy vọng, Hội nghị Trung ương sẽ bàn về những vấn đề này.
Ông có ý kiến gì xung quanh báo cáo đánh giá tác động môi trường của Thủy điện Sông Tranh 2 và một số dự án thủy điện khác?
Đây là hệ quả của cách làm ăn không nghiêm chỉnh, không trung thực… của phía người làm dự án. Có thể các nhà khoa học chưa đủ trình độ cao nhưng vẫn có cách làm tốt hơn.
Đó là vấn đề sử dụng khoa học như thế nào. Một số các dự án có huy động các nhà khoa học tham gia, nhưng vấn đề là những người làm dự án muốn có dự án để làm ra tiền bạc hay thật sự muốn có công trình chất lượng tốt nhất. Vậy nên, nhiều khi, việc các nhà khoa học vào cuộc chỉ là hình thức và chúng ta phải thay đổi điều này.
Cảm ơn ông.
Hồ Thu