Số trường hợp vi phạm sửa điểm thi ở các tỉnh vừa được công bố. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải công bố cụ thể những trường hợp vi phạm. Quan điểm của GS thế nào?
Trước tiên cần phải xác định, dù công bố hay không thì danh sách những trường hợp vi phạm này không phải là bí mật. Đương nhiên muốn xử lý được vấn đề thì phải công bố rồi, nhưng vấn đề ở đây là công bố ở mức độ nào. Danh sách này phải được thông báo đến những nơi có liên quan mới xử lý được. Chẳng hạn, với nhà trường khi xử lý, buộc thôi học trường hợp vi phạm, thì phải được công bố danh sách đó để đưa ra lý do, nếu không sẽ càng làm mọi người khó hiểu.
Còn công bố công khai ở mức độ nào thì phải cân nhắc rất kỹ, cũng không nhất thiết phải công bố rộng rãi trên báo đài. Một mặt những vi phạm phải xử lý nghiêm minh, nhưng mặt khác cũng phải cố gắng tối đa, để không gây tác động quá xấu đến tâm lý các em học sinh.
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cần công bố công khai như vậy vừa để răn đe, ngăn chặn các vi phạm tương tự có thể xảy ra, cũng là cách để xử lý nghiêm minh, triệt để những vi phạm?
Mục đích công bố như vậy cũng có thể được, nhưng cũng không nhất thiết phải làm vậy. Tuy nhiên, nếu mình làm kỹ thì cũng phải làm rõ, xem chính học sinh ấy đi xin điểm hay phụ huynh của họ? Vụ việc tương tự ở Mỹ vừa qua, nhiều học sinh không hề biết gia đình làm chuyện đó. Nếu nói đến việc công bố, thì phải làm rõ, ai là người vi phạm. Cần phải công bố người phạm tội mới là cái chính, còn một người có thể không liên quan, hoặc cũng có thể là nạn nhân thôi thì không cần thiết.
Nhưng muốn như vậy anh phải điều tra thêm, xem những em học sinh này có chạy điểm hay không. Mà nếu có hiện tượng chạy điểm, thì việc xử lý không chỉ dừng lại ở chỗ hủy kết quả, cho nghỉ học đâu. Vấn đề ở chỗ có cần thiết làm đến như thế không, hay chỉ dừng lại ở chỗ em nào được thay đổi điểm thì đưa trở lại điểm thực, nếu không đủ điều kiện thì không được học ở trường đó.
Hiện cơ quan công an mới chỉ dừng lại ở mức xử lý mấy ông chữa điểm. Nhưng nếu quy người ta phạm tội chạy điểm thì phải chứng minh được có người mua, người chạy. Hiện cũng chưa ai nói có việc chạy hay không, phụ huynh hay học sinh có chạy điểm hay không? Nếu có trường hợp đó thì có thể quy vào tội đưa nhận hối lộ.
Với những dấu hiệu bất thường như vậy, theo GS cơ quan chức năng có cần điều tra làm tới cùng sự việc?
Về việc này, cơ quan điều tra có thể làm sáng tỏ một số trường hợp nghiêm trọng để xử lý, đặc biệt đối với những cán bộ có chức quyền. Nhưng tôi chưa thấy nơi nào đề cập đến chuyện đó, không biết có khó khăn gì không. Ở đây có thể không phải toàn bộ phụ huynh, nhưng dư luận hoàn toàn có thể đặt ra nghi vấn, liệu có bàn tay quyền lực, dùng uy tín, chức vị của mình ép người khác phạm tội để làm lợi cho mình hay không?
Bởi không bao giờ tự nhiên người ta lại đi sửa điểm cả, mà phải có ai đó đưa tiền, hoặc nhờ giúp đỡ, hoặc dùng quyền lực ép người ta phải làm. Cũng giống như đã có người nhận hối lộ thì phải có người đưa hối lộ chứ. Mà giữa người đưa và người nhận hối lộ đều phải xử lý công bằng như nhau. Anh nhận bị xử lý, còn anh đưa không sao cả thì không được.
Tôi cho rằng, nếu làm kỹ, làm sáng tỏ sự việc được như vậy sẽ tốt hơn, việc xử lý sẽ triệt để, toàn diện hơn và xã hội sẽ hoan nghênh hơn.
Cảm ơn ông.
Tiếp tục điều tra việc nhận tiền sửa điểm thi ở Hòa Bình Trả lời câu hỏi của báo chí về việc dư luận đang băn khoăn khi kết luận điều tra vụ sửa điểm thi THPT ở Hòa Bình thể hiện bị can Đỗ Mạnh Tuấn khai nhận 550 triệu đồng để nâng điểm cho thí sinh, người đưa tiền là ai, có bị xử lý về hành vi đưa hối lộ hay không lại không được nêu rõ… Trung tướng Lương Tam Quang - Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết cơ quan An ninh điều tra đang tiếp tục làm rõ, nếu đủ căn cứ sẽ xử lý theo quy định pháp luật.D.L