Chuyến xe của những người truyền lửa

Ra quân ở Sài Gòn.
Ra quân ở Sài Gòn.
TP - “Chuyến xe tuổi trẻ” là một dự án phi lợi nhuận của sáu người trẻ đã đi và trải nghiệm nhiều nơi trên thế giới, dự định đi qua 15 tỉnh và dừng chân ở 10 trường đại học. Đích đến của chuyến xe là để cổ vũ sinh viên: dậy sớm, đọc và đi nhiều. Họ chọn Đà Lạt là trạm dừng đầu tiên, trạm dừng Hà Nội diễn ra vào hôm qua, 17/9.

Vé xe 0 đồng

Rosie Nguyễn, một sáng lập viên của “Chuyến xe tuổi trẻ” cho biết: “Ý tưởng thực hiện một chuyến xe xuyên Việt để chia sẻ kinh nghiệm sống với các bạn trẻ đã được các thành viên lên kế hoạch từ hai năm trước. Nhưng đến tháng 9 năm nay, “chuyến xe” mới bắt đầu lăn bánh. Mục đích của “Chuyến xe tuổi trẻ” là cổ vũ các bạn trẻ bước ra khỏi “vùng an toàn”, vượt qua được “giới hạn của chính mình”.

Theo đó, ở mỗi điểm dừng “Chuyến xe tuổi trẻ” sẽ tổ chức các buổi nói chuyện (hoàn toàn miễn phí) truyền cảm hứng và hướng dẫn các bạn học sinh/ sinh viên một số kỹ năng cần thiết như phương pháp tự học, phương pháp học ngoại ngữ, cách quản lý thời gian, cách tư duy tích cực, kinh nghiệm đi du lịch giá rẻ... 

Ngoài ra, nhóm còn tổ chức tặng sách và xây dựng tủ sách mini tại một số địa phương để khuyến khích văn hóa đọc trong giới trẻ. Bên cạnh đó, họ song song thực hiện các video clip về cảnh đẹp hoặc những nét độc đáo ở các vùng miền Việt Nam. Lắng nghe, chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng và ghi hình những nhân vật trẻ đã có được một số thành tựu nhất định trong xã hội...

Theo lộ trình, “chuyến xe” khởi hành từ TP Hồ Chí Minh, qua Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Ninh Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng… và kết thúc tại Cần Thơ vào đầu tháng 10.

Chuyến xe của những người truyền lửa ảnh 1

“Chuyến xe” tặng sách và xây tủ sách mini ở Quy Nhơn.

Những người truyền lửa

Sáu người trên “Chuyến xe tuổi trẻ” đều sở hữu những thành tích rất “được lòng” sinh viên.

Nguyễn Trung Thiện, nick Người kể chuyện bằng video, sở hữu hai bằng đại học. Thiện đảm nhận việc ghi lại những câu chuyện trên đường đi qua những ấn phẩm phim ngắn.

Phạm Thủy Tiên, nick Người kể chuyện, hiện là giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cựu du học sinh, IELTS 8.0. Tiên từng tham gia rất nhiều chương trình giao lưu thanh niên quốc tế và đã đặt chân đến hơn 30 quốc gia trên khắp thế giới.

Rosie Nguyễn, nick Người truyền cảm hứng, tác giả “Ta ba lô trên đất Á” – cuốn sách hướng dẫn du lịch bụi đầu tiên ở Việt Nam, đã đi qua gần 20 nước, mỗi năm đọc khoảng 50-60 cuốn sách, đã có bằng lặn bình dưỡng khí và còn là một giáo viên yoga.

Nguyễn Hồ Phú, nick Người làm mọi thứ. Từng có 18 tháng rèn luyện trong môi trường quân ngũ, Phú sở hữu những kỹ năng sống quý giá, thành thạo từ nấu ăn, sửa xe, lên cung đường cho chuyến đi, đến khuân vác, y tế, dựng lều, mắc võng, mua vui. Phú còn thích làm thơ.

Lê Phương Anh Vũ, nick Vui lên, từng làm rất nhiều nghề nhưng lại từ bỏ tất cả để làm một người làm giáo dục tự do, sáng lập khóa học “Bay không cần cánh” - giúp những người từ 18 - 25 tuổi tận dụng tối đa sức trẻ để tạo bước đệm vững chắc cho sự nghiệp.

Còn có Nguyễn Thùy Sương, nhiếp ảnh, nhưng nhất quyết giấu thông tin cá nhân.

Nguyễn Thu Hiền (ĐH Yersin, Đà Lạt) cho biết: “Rất thích cuốn “Ta balo trên đất Á”, nên khi nghe Rosie Nguyễn đến nói chuyện, tôi đã rủ cả phòng cùng đi nghe. Các anh chị không hơn chúng tôi bao nhiêu tuổi, nhưng những trải nghiệm của họ thật đáng ngưỡng mộ”.

Lửa đã cháy

Rất nhiều comment trên trang riêng của “Chuyến xe tuổi trẻ” đề nghị được tham gia cùng “sáu người đi khắp thế gian”. Những đề nghị nhiều tương tự là “Chuyến xe tuổi trẻ” hãy đi đến các tỉnh thành khác như Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp Mười…

Còn có những tổng kết thu hoạch của nhóm đã dự các talk show của “chuyến xe” cũng rất lạc quan. Trong thang điểm đánh giá chất lượng “chuyến xe”, năm sao (mức điểm cao nhất) chiếm dung lượng nhiều nhất. Thời hạn một talk show theo dự kiến của nhóm là 2h, nhưng ở ĐH Huế, sự nhiệt tình của khán giả đã kéo dài buổi giao lưu đến 3,5h.

Trần Anh Tuấn (ĐH Duy Tân Đà Nẵng): Từ lúc nhập học đến giờ mới thấy một buổi nói chuyện đông sinh viên như thế. Có bạn ở xa 20 cây số vẫn cố đi và ở lại đến cuối buổi. Cũng bõ bỏ 3h lướt facebook nghe buổi này!

Nguyễn Trung Kiên (ĐH Tổng hợp TPHCM): Dậy sớm hơn, đọc nhiều sách hơn, muốn học nhiều điều mới hơn và được đi nhiều nơi hơn sau khi nghe Thủy Tiên nói chuyện.

Trương Viết Thắng (ĐH Kiến trúc Hà Nội): Trước cứ nghĩ phải có tiền thì mới đi nước ngoài được thế nên không đặt mục tiêu này vào đầu. Nhưng sau khi tham gia “Chuyến xe tuổi trẻ - Trạm dừng Hà Nội”, đã bắt đầu lên lịch cho việc tìm kiếm cơ hội xuất ngoại miễn phí.

MỚI - NÓNG