Ngày 24-9, ông Huỳnh Tài Phát, con của bệnh nhân Hồ Thị Tám (88 tuổi) ngụ tại khóm Phú Mỹ, Thị trấn Cài Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp phản ánh với Tiền Phong những mập mờ về thu chi tài chính từ bệnh viện FV ở TPHCM khi điều trị cho mẹ ông.
Theo ông Phát, 4 giờ sáng ngày 19-9, ông đưa mẹ vào Bệnh viện FV cấp cứu với hội chứng đau tim.
“Tôi bức xúc và muốn bệnh viện phải trả lại tiền để giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Nhân viên bệnh viện FV hẹn trả lời tôi từ ngày 19-9 nhưng đến hôm nay chẳng thấy ai đoái hoài” |
“10 giờ cùng ngày, các bác sĩ cho biết, đã chuyển mẹ tôi lên phòng hồi sức tích cực và yêu cầu tôi đóng tạm ứng 15 triệu đồng. Hai giờ chiều, tôi vào thăm mẹ thì các bác sĩ cho biết, mẹ tôi có nguy cơ nhồi máu cơ tim cần chuyển đến bệnh viện khác điều trị. Do mẹ tôi thăm khám ở đây từ hơn 8 năm nay nên tôi yêu cầu họ điều trị cho mẹ tôi nhưng họ nói phải chuyển vì nguy hiểm”- ông Phát kể lại.
Sau khi bác sĩ nói với gia đình chuyển qua Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM điều trị, gia đình ông Phát không đồng ý vì sợ bệnh viện quá tải, không phải chuyên môn về tim mạch.
“Sau đó, Bệnh viện FV liên lạc được bên Viện Tim Tâm Đức ở cạnh sát vách Bệnh viện FV nên 4 giờ 45 phút cùng ngày họ chuyển mẹ tôi sang bên đó điều trị”- ông Phát nói.
Tuy nhiên, sau khi làm thủ tục thanh toán viện phí, ông Phát phát hoảng bởi từ 5 giờ sáng đến gần 4 giờ 45 chiều cùng ngày, nghĩa là sau 11 giờ 45 phút điều trị tại đây nhưng không có kết quả, ông phải trả tổng chi phí gần 21 triệu đồng.
“Trước đó bác sĩ ở Bệnh viện FV bảo chuyển mẹ tôi đi và không lấy tiền vận chuyển nhưng khi chuyển mẹ tôi qua Viện Tim Tâm Đức, sát nách bệnh viện FV, đi chưa tới 100 m nhưng lại tính phí vận chuyển có bác sĩ và điều dưỡng hỗ trợ lên 1 triệu 250 ngàn đồng”- ông Phát nói.
Theo ông Phát, trước khi chuyển mẹ ông qua, bác sĩ bảo miễn phí vận chuyển nhưng sau lại lấy tiền nên người nhà có đặt câu hỏi với bệnh viện thì được trả lời “việc này là của kế toán”.
Chưa kể, theo người này, trong quy định điều trị, mẹ ông nằm ở phòng hồi sức có giá 4,2 triệu đồng/ngày. Nhưng mới nằm chưa tới 12 tiếng, nơi đây vẫn lấy của ông 4,2 triệu đồng. Quá bức xúc với cách tính tiền này, ông Phát đã thắc mắc với nhân viên của bệnh viện thì được trả lời: “đây là quy định chung của bệnh viện”.
“Tuy nhiên, tôi xin xem quy định này thì nhân viên không cho”- ông Phát nói.
Trao đổi với Tiền Phong chiều qua 24-9, về phản ánh này của bệnh nhân, đại diện Bệnh viện FV cho biết sẽ xem xét lại quá trình điều trị của bệnh nhân và có công văn trả lời báo.
Trong khi đó, một lãnh đạo của một bệnh viện công lớn ở TPHCM khẳng định với Tiền Phong, Bệnh viện chỉ tính phí chuyển viện bệnh nhân khi bệnh nhân và thân nhân có nhu cầu xin chuyển sang bệnh viện khác điều trị.
“Còn chuyển viện do bệnh viện không có khả năng điều trị hay chuyển viện khi bệnh nhân cấp cứu thì không bao giờ tính phí”- lãnh đạo bệnh viện này cho biết.
Bác sĩ M. làm ở khoa cấp cứu ở Bệnh viện C. cho biết, chuyển viện cho bệnh nhân theo nhu cầu ra ngoài tỉnh, đường dài từ 200 km có giá cũng chỉ 1 triệu đồng.