Kỳ I: Người làng Điền Hộ

Chuyện về người thầy của Phó Tổng thống Hoa Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Truyền thông trong và ngoài nước đang loan khắp cái tin, Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Kalama Harris, sắp thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Tôi chợt nhớ đến một người…

Nga Sơn xứ Thanh với tôi cũng là một chốn đi về. Nhất là làng Điền Hộ. Cái làng ấy lắm sự lạ. Điền Hộ tên cũ, tên mới là Nga Điền có gần 80% dân Công giáo.

Quá vãng xa ấy, đầu làng Điền Hộ có nhà cụ Chánh Phi, Nguyễn Xuân Phi, thân phụ nhân vật chính trong câu chuyện sắp nói tới.

Cụ Chánh đây không phải chánh tổng mà là chánh trương, một chức sắc bé mọn trong xứ đạo. Người con cả cụ Chánh Phi là linh mục Nguyễn Xuân Phong, tiến sỹ văn chương Pháp. Người con thứ là Nguyễn Hữu Chỉnh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục VNCH. Thứ tiếp là GS-TS Nguyễn Tiến Hưng. Thứ nữa là Nguyễn Hữu Trí, giáo sư đại học ở Pháp.

Năm xa ấy cái nhà xi măng lẫn vôi cát hai tầng xây cất theo lối nửa cũ nửa mới của nhà cụ Chánh Phi hẵng còn. Các nhà chức việc của Ủy ban xã Nga Điền từ lẩu lâu đã trưng dụng ngôi nhà vô chủ đi Nam ấy để làm trụ sở Ủy ban xã. Cố mường tượng ra nội thất một quá vãng, tầng dưới 3 phòng, tầng trên 2 phòng. Còn nguyên cái tầng trệt một phòng ông Chủ tịch xã ngồi và cán bộ dưới quyền.

Trong cơn gió bể rào rạt từ mạn cửa Thần Phù thoảng về như có gì khang khác? Như là chút chi hơi hướng của người xưa? Tôi đương nghĩ đến con trai cụ Chánh Phi, cậu bé Hưng hồi ấy mới 9 tuổi. Nga Sơn và xứ Thanh đương xơ tướp trong nạn đói năm Dậu 45. Nhà cụ Chánh hằng tâm hằng sản bỏ gạo thóc kho lẫm ra cứu tế khắp nơi. Đêm nào cũng thế, gia nhân cụ Chánh nấu một nồi cháo hoa thực to. Sáng sớm hôm sau, cậu bé Hưng dùng cái muôi gỗ múc cháo chao vào những cái bát mẻ của đám ăn mày đông đúc cứ sáng sáng lại quây trước cửa nhà Chánh Phi.

Cái năm tôi giở lại Nga Điền thì ngôi nhà hai tầng cũ kỹ ấy đã biến mất. Thay thế là một ngôi trụ sở theo lối mới sáng choang! Bây giờ lấp lánh tấm biển có hàng chữ đại loại Công sở xã Nga Điền.

Nhảo ít bước lối giữa làng gặp cái nhà xiêu vẹo. Nhưng ngày trước là cơ ngơi bề thế của gia tộc họ Trần. Cơ ngơi ấy đã bằng trụi tự hồi nào. Cái còn là nhà ấy đã góp cho đất nước một anh tài âm nhạc. Người đó sinh năm 1925, tên là Trần Anh Bường.

Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám…

Ấy đấy. Của ông ấy đấy! Ca khúc có tên Nỗi lòng người đi viết lối khoảng giữa những năm 50. Bao năm rồi mà vẫn luyến láy diết da trong tâm tưởng ối người. Nhắc đến dòng nhạc vàng lẫn nhạc hải ngoại thì phải kể đến Anh Bằng tức Trần Anh Bường - cái tên cũ của người cũ ở làng Điền Hộ. Trút hơi thở cuối cùng bên xứ Hoa Kỳ năm 2005, Anh Bằng để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ trên 500 ca khúc trữ tình trong đó có hơn 200 nhạc phẩm chuyên phổ thơ của bạn bè và những bài thơ ông thích!

Cuối làng có tên mới là xóm 4 cũng có một nhà họ Trần khác. Bây giờ nền cũ nhà ấy chỉ còn võng vãnh một khoảnh con rau muống. Có nổi danh không thì không biết. Nhưng một trong những người con của nhà ấy đã từng khuynh đảo chính trường miền Nam một thuở. Người ấy là bác sĩ Trần Kim Tuyến! Nhân vật khủng đó chắc nhiều người đã biết qua sách báo phim ảnh. Người từng được nhà tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Xuân Ẩn cứu thoát buổi trưa 30 tháng Tư ấy, cũng đã trút hơi thở tàn tận xứ Anh quốc tít mù.

Có một lúc nâng chén rượu trắng Kim Sơn thửa bằng thứ nếp giống mới nhưng êm giọng ở nhà một ông bạn cũ ở Điền Hộ, tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, phải vào một ngày đẹp giời nào đó hoặc đúng cữ mưa gió chi đó, ba người con ấy của làng Điền Hộ, hồi còn tha hương chung dưới vòm giời Nam lại chả đã từng ngồi, từng tụ với nhau? Mỗi người hành riêng cái nghề, sống với cái tài, cái sở trường mình hạp mình thích. Nhưng thể nào cái vẩy trên làn da tuổi tác của ba vị lại chả vương chút ngấn phù sa của con sông Càn chảy qua làng Điền Hộ mà thuở bé cả ba từng ngụp lặn vẫy vùng?

GS Nguyễn Tiến Hưng, Thầy Hưng

Lẩn thẩn nhớ thêm, giữa những năm 90. Thủ tướng Võ Văn Kiệt gợi ý cho ông Cao Sĩ Kiêm, khi đó là Giám đốc Ngân hàng Nhà nước mời người tài của nước ngoài về giúp nước. Ông Kiêm nhắm đến đội hình chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ thế giới (IMF). Đầu tiên chỉ là chuyên gia lãnh vực ngân hàng. Sau ông Sáu Dân gợi ý nên mời thêm chuyên gia một số lãnh vực khác nữa.

Đáp ứng nhu cầu đổi mới của Việt Nam, giữa năm 1994, WB và IMF cử sang Việt Nam 3 chuyên gia. Một ông Pháp chuyên lĩnh vực thanh tra. Một ông Nhật chuyên về ngân hàng. Ông thứ ba là người Mỹ gốc Việt, GSTS Nguyễn Tiến Hưng chuyên về đào tạo chung.

Biên ra thì dài cái tâm trạng ngổn ngang của một người xa nước 19 năm! Đi và về với tư thế và tâm thế khác nhau. Rồi bất ngờ có một cuộc gặp ngắn với vài yếu nhân của Ban lãnh đạo trong đó có ông Thủ tướng Sáu Dân Võ Văn Kiệt, ông Phan Văn Khải… mà các vị ấy lại chủ động gặp.

Thời gian gặp ngắn thôi, nhưng với TS Nguyễn Tiến Hưng, dường như đã xác quyết nhanh một tâm thế, rằng nên coi đây là một cơ duyên hay trách nhiệm? Ông không xung phong, không xin nhưng là được cử! Và được nhất nước Việt Nam chấp thuận, hơn thế nữa được hoan nghênh. Trách nhiệm của một yếu nhân của cơ quan WB trước yêu cầu đòi hỏi của cố hương, có lẽ TS Nguyễn Tiến Hưng biết mình phải làm gì?

Chuyện về người thầy của Phó Tổng thống Hoa Kỳ ảnh 1

Tranh: Kim Duẩn

Nhân viên nhà khách Bộ Quốc phòng thường gọi là nhà khách Phạm Ngũ Lão thời ấy đã quen với sự có mặt của người đàn ông tóc muối tiêu, dáng dấp đường bệ có những sải bước khoan thai tá túc ở nhà khách lâu nay. Có lẽ họ không thể nào biết được, người đàn ông đó từng là một yếu nhân của chính quyền Sài Gòn.

Năm 1957, chàng trai người Việt độ tuổi hơn hai mươi xuất dương sang Mỹ theo học ngành kinh tế tại Đại học Virginia từ năm 1958 và lấy bằng Tiến sĩ năm 1965. Tài năng đã đưa vị TS ấy đến các bục giảng ở nhiều trường Đại học của Hoa Kỳ. Từ 1966 đến 1970, ông là chuyên gia kinh tế của Quỹ tiền tệ quốc tế. Rồi ông về nước giữ chân phụ tá về Tái thiết cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (1971-1973) rồi làm tổng trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển (1973-1975).

Chuyện về người thầy của Phó Tổng thống Hoa Kỳ ảnh 2

Học viện Ngân hàng cuối năm 1996. GSTS Nguyễn Tiến Hưng và Khóa cán bộ nguồn đầu tiên của NHNN Việt Nam, Nguyễn Thị Hồng nay là Thống đốc (người thứ 2 bên phải qua)

Đoạn lý lịch trích ngang ấy thì những yếu nhân trong Ban lãnh đạo nước Việt thời điểm ấy đều biết. Nhưng nhiều người chưa tường thời điểm đó ông đã từng nổi danh ở Hoa Kỳ và phương Tây là tác giả cuốn Palace File (Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập) bằng tiếng Anh viết năm 1986. Cuốn sách gần như thứ tiểu thuyết tư liệu đặc sắc ấy khiến người chủ sự chủ chốt trong cuộc là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi đó đang tá túc ở Boston đã phải bỏ ra 46 USD để mua một lúc 2 cuốn (giá bán 23 USD/cuốn). Cũng cần nói thêm TS kinh tế Nguyễn Tiến Hưng ấy chưa từng viết lách gì, không thuộc hội văn bút nào cả mà sau này đã viết thêm mấy cuốn nữa cũng nổi tiếng không kém Khi Đồng minh nhảy vào và Khi Đồng minh tháo chạy. Tâm tư Tổng thống Thiệu.

GS-TS Nguyễn Tiến Hưng từng giảng dạy tại các trường đại học Howard, Trinity, NC Wesleyan, kinh tế gia tại IMF, WB, đầu những năm 80 đã trở lại vị trí GS ở đại học Howard ở WashingtonDC. Howard có lịch sử hơn 100 năm được coi là Havard của người da màu, nơi đào tạo nhiều tiến sĩ người Mỹ gốc Phi nhất ở Hoa Kỳ. Cô sinh viên da màu Kalama Harris sinh năm 1964 là học trò của GSTS Nguyễn Tiến Hưng khóa học 1982-1986, sau này đã trở thành Thượng nghị sĩ và đương kim Phó Tổng thống Hoa Kỳ.

Kỳ cuối của bài viết này sẽ đề cập thêm về câu chuyện lý thú này.

Trở lại với nhà khách Phạm Ngũ Lão. TS Nguyễn Tiến Hưng không ở một mình mà cùng bà vợ người Việt và hai cậu con trai đã lớn.

Thói tò mò vớ vẩn đã khiến tôi trong câu chuyện với ông Cao Sĩ Kiêm đã bật ra một câu hỏi ngớ ngẩn! Nhưng ông Cao Sĩ Kiêm đã vui vẻ giải đáp ngay, lương khi đó WB, chứ không phải Việt Nam - viện trợ mà - trả cho mỗi chuyên gia như TS Hưng hàng tháng là sáu ngàn USD. Mức lương ấy thời điểm giữa những năm 90 trong mặt bằng sinh hoạt Hà Nội có lẽ cũng tươm?

Nhiều vị ở Hà Nội và một số tỉnh thành trong diện đào tạo cán bộ nguồn thời gian đó nay nhiều người đang chững chạc ở các cương vị này khác, hẳn còn lưu lại trong ký ức những ấn tượng sâu đậm về kiến thức và phương pháp sư phạm của GS-TS Nguyễn Tiến Hưng.

Tôi có một ông quen hàm thứ trưởng của một Bộ quan trọng nay cũng sắp hưu. Hồi cán bộ bạch đinh có dự một khóa đào tạo cán bộ nguồn. Lần đó ngồi với nhau anh chàng bộc bạch rằng, nếu đã không biết thì thôi, nhưng đã từng bập vào Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập thì tâm trạng nó lạ lắm? Hỏi sao lạ? Thì được bộc bạch thế này. Lạ là những ngày đầu được nghe GS Hưng giảng, cứ có cảm giác bị chia lòng chia trí!

Là anh chàng bị phân tán ám ảnh bởi ông thầy đang nói kia với cái cười dễ mến luôn thường trực kia mà đã từng trao đổi tay đôi với các yếu nhân của Hoa Kỳ như Tổng thống Nixon, cố vấn Henry Kissinger, Đại sứ Matin vv… Lại là người nắm giữ toàn bộ hồ sơ mật về bang giao Việt-Mỹ trong thời gian từ cuối 1971 tới lúc cuối cùng vào mùa Xuân 1975. Cũng vị TS này hồi 1974-1975 có hàng chục lần lui tới Quốc hội Hoa Kỳ để xin viện trợ! Vv…

Cũng cần nói thêm, trong nội các của Chính phủ Việt Nam có một học trò của GS Hưng ngày ấy đương coi sóc ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Chuyện về người thầy của Phó Tổng thống Hoa Kỳ ảnh 3
GSTS Nguyễn Tiến Hưng

Hẳn mọi người còn nhớ hình ảnh hai người phụ nữ quyền lực của Việt Nam và Hoa Kỳ tại cuộc gặp trực tuyến song phương tháng 7 năm 2021. Đó là Janet Yellen nữ thống đốc đầu tiên của Cục dự trữ Liên Bang Mỹ thời Obama. Dưới thời J. Biden bà chững chạc ở vị thế Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ với Thống đốc (cũng là nữ đầu tiên ở Việt Nam) Nguyễn Thị Hồng. Bao nhiêu là những ngổn ngang ngáng trở đã và đang phát sinh trong lãnh vực tài chánh, tiền tệ trong quan hệ hai nước mà hai người đàn bà này phải có trọng trách thu xếp êm thuận?

Trong khóa học năm xa ấy, các học trò còn lưu giữ lại tấm thiệp chúc mừng năm mới của thầy Nguyễn Tiến Hưng.

Cánh cửa 2017 sắp khép lại. Từ ngàn trùng xa cách, thầy gửi đến từng em trong lớp đào tạo 22 thành viên quý mến của thầy những lời chúc tốt đẹp nhất. Cầu mong cho 2018 sẽ mang lại cho các em và gia đình sự bình an và sức khỏe (dù là tương đối). Chỉ có thế, còn mọi sự khác: ta cứ phó mặc Trời sắp xếp.

Thầy cám ơn Nguyễn Việt Hà đã “tạo điều kiện” để thầy còn giữ được những kỷ niệm của một lớp học ấn tượng đối với thầy (trong sự nghiệp giảng dạy trên 40 năm). Thầy sẽ trân quý (“treasure”) những kỷ niệm ấy, nó sẽ không bao giờ nhạt nhòa trong trí óc.

Thầy Hưng

Đón đọc kỳ cuối: Cơ duyên của người da màu? Trên TPCN số ra ngày 29/8

MỚI - NÓNG