Chuyện về một giọng đọc vàng: Vĩ thanh và khúc giao hòa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trở lại đám cưới giản dị ở Hà Nội năm 1958 của cô dâu Bùi Thị Thái - Tuyết Mai và chàng nhạc công violon Phan Phúc. Cũng cần nói thêm, ngoài Phan Phúc là học trò quý của Đinh Ngọc Liên, Bùi Thị Thái từng là học trò yêu một thời của Đinh Ngọc Liên.

Bùi Thị Thái quê ở Cát Hải, Hải Phòng. Gia đình chuyển lên sinh sống ở Hà Nội từ năm Thái 12 tuổi. Sau ngày Cách mạng tháng 8, cô Thái tham gia vào Hội Phụ nữ cứu quốc, hoạt động cách mạng sôi nổi. Bùi Thị Thái đã đi hát trong các phòng trà, trên đường phố, biểu diễn trong Tuần lễ vàng ủng hộ chính quyền Việt Minh, thu âm những ca khúc đầu tiên sau ngày Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập (7 tháng 9 năm 1945). Bà là một giọng nữ quen thuộc, cùng với Minh Đỗ, Thương Huyền, đặc biệt thành công với những ca khúc tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật.

Trở lại cái khúc nhôi khi lên chiến khu, Đinh Ngọc Liên cho tuyển vào đội quân nhạc ba cô gái Hà Nội có năng khiếu hát là Bùi Thị Thái, Bùi Thị Dung, Bùi Thị Hồi. Họ vốn là học trò là người quen cũ của Quản Liên.

Về tiếp quản Thủ đô vị chỉ huy đội nhạc binh quân đội hơi chết lặng khi hay tin vợ mình bị sát hại. Hóa ra vợ con ông ở quê Phú Nhai không bị giặc giết! Nhưng mấy đứa con ông đã di cư vào Nam!

Chao ôi, thông tin hồi ấy là một cái gì dằng dặc diệu vợi nhiêu khê nhưng không hiểu tại sao từ vùng tề Phú Nhai, bà Đinh Thị Cát, người vợ của ông Liên chạy giặc về quê ngày nổ ra chiến sự ấy lại biết được ở chiến khu chồng mình đã có thêm một người nữa?

Mặc dù bấn loạn con cái bị thất tán, bà Cát quyết trụ lại đợi chồng mình trở về!

Chuyện Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn từng ở chiến khu Việt Bắc quả là người không may mắn bởi ông không chỉ chứng kiến và còn nhiệt thành vun đắp cho mối tình của đôi trai tài gái sắc Thái - Liên! Nhưng khi Nguyễn Sơn trở lại Trung Quốc thì Trần Kiếm Qua, người vợ tao khang từ thuở chiến khu Tấn Sát Ký đã cự tuyệt không nối lại mối dây tình cảm nữa bởi lý do tướng Nguyễn Sơn lúc trở lại Việt Nam đã lấy vợ mới! Cũng nghiệt ngã cho tướng Nguyễn Sơn, ông cũng nghe tin đồn thất thiệt rằng người vợ và hai đứa con trai của mình đã chết trong một trận càn giặc Nhật vào Diên An!

Còn đồng chí Quản Liên của chúng ta thì sao?

Đúng thời điểm bấn loạn ấy thì tổ chức di cư của đối phương đã liều lĩnh bí mật gặp Đinh Ngọc Liên. Họ mặc cả rằng nếu ông chịu di cư vào Nam sẽ bố trí cho Đinh Ngọc Liên và gia đình một cuộc sống sung túc ở trong Nam và ông cứ việc hành nghề chỉ huy nhạc kèn như cũ!

Đinh Ngọc Liên đã thẳng thắn chối bỏ như cái lần sau khi nổi kèn chào phái đoàn ta đi dự hội nghị Phôngtennơblô thì phía Pháp cũng mơi ông như thế này: Bây giờ có Liên hiệp Việt Pháp rồi, nếu ông chấp thuận làm việc cho Pháp thì ngay lập tức ông sẽ được thăng lên hai cấp!

Trở lại với thiếu phụ nhan sắc mặn mòi Bùi Thị Thái. Bà đã thẳng thắn với ông, đoàn tụ với bà Cát với gia đình cũ hay không là tùy ông!

Cứ như cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai, bà nhường cho ông nhạc trưởng Quản Liên cái quyền viết nốt bản hợp xướng đời! Để ông toàn quyền chỉ huy việc tan, hợp này!

Chuyện về một giọng đọc vàng: Vĩ thanh và khúc giao hòa  ảnh 1

Nghệ sĩ nhân dân Tuyết Mai (đeo kính) cùng đồng nghiệp

Chỉ huy dàn nhạc binh tất nhiên không khỏi những đôi hồi dùng dắng nhưng Đinh Ngọc Liên đã quyết. Đoàn tụ với gia đình cũ!

Ông và người đẹp Bùi Thị Thái chia tay.

Về tiếp quản thủ đô, Đinh Ngọc Liên cũng tiếp quản luôn gia đình thân thương bao năm đợi chờ trông ngóng...

Mà có cái góc êm ấm nơi tôi có dịp may gặp được người con trai ông, Đinh Ngọc Hiến!

Ngày mới giải phóng Sài Gòn, tướng Hoàng Văn Thái ký quyết định cho Đinh Ngọc Liên vào thăm Sài Gòn (khi ấy mọi thủ tục thể thức đi lại còn khó khăn) để ông đoàn tụ với ba người con trong đợt Di cư năm 1954. Đợt Nam tiến ấy ngoài gặp gỡ đoàn tụ với các con, ông cũng may mắn gặp lại người em ruột là linh mục.

Trung tá Đinh Ngọc Liên đã qua những ngày tuổi già yên ổn bên người vợ từ thuở tao khang và những đứa con chung riêng. Ông lần lượt nhận Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú rồi Nghệ sĩ nhân dân. Và những ngày cuối khi ông ra đi thanh thản ở tuổi tám mươi...

Sau đận tiếp quản một thời gian, một cuộc gặp người có chất giọng đọc ấy do bà chủ động đề xuất với ông. Ông điện trước cho cả hai vợ chồng đằng bên ấy... Đại từ được rút qua cuộc gặp vui vẻ là anh anh em em chị chị em em được duy trì và bền vững cho mãi tận về sau này.

Chuyện về một giọng đọc vàng: Vĩ thanh và khúc giao hòa  ảnh 2

Cùng lật giở album tìm về quá khứ

Bà Tuyết Mai có lần rủ rỉ với tôi rằng bà Cát vợ ông Liên ấy mà, từng nói với người nhà bên ấy là nghe đài bà chỉ thích giọng đọc của dì Tuyết Mai thôi, nhất là chuyện đêm khuya...

Tôi nghe mà cứ ngắc ngứ... Quả là thời nay có bói cũng chả ra được một mẫu người mà cứ đêm đêm nghe, nghe một cách chân thành cái chất giọng của một người đã từng có 3 mặt con với chồng mình như thế? Cũng như nghe ông Phan Phúc tâm sự về cái tài cái khéo của ông thầy cũ. Ông thầy ấy cũng là người chồng cũ vợ mình anh Liên anh ấy được thời Tây đào tạo bài bản lại chịu khó cẩn thận nên thẩm nhạc khá lắm!

Tôi cũng nghe được ông Phúc đâu như đã gặp cả ba người con ông Liên và bà Cát lưu lạc vô Nam cái năm 1954. Rồi không biết hai nhà đã qui ước những gì mà cái cộng đồng đông đúc 10 người cả thảy con anh, con tôi, con chúng ta ấy từng ngần ấy năm có công có việc gì thì lại ngồi lại với nhau thân thiết lắm... Ba người con của Đinh Ngọc Liên với Tuyết Mai tất cả đã phương trưởng. Ông Phúc với bà Mai giời cho một cô con gái xinh xắn nay cũng chững chạc là một vụ trưởng của nhà đài. Dạo ông Đinh Ngọc Liên mất, ông Phúc đã cho phép cô con gái mình để tang. Dạo bà Cát qui tiên (2003) cả nhà ông cũng sang đó chịu tang.

Bà Tuyết Mai có lần rủ rỉ với tôi rằng bà Cát vợ ông Liên ấy mà, từng nói với người nhà bên ấy là nghe đài bà chỉ thích giọng đọc của dì Tuyết Mai thôi, nhất là chuyện đêm khuya...

… Tôi được xem ké cái album dày cộp nhà ông Phúc. Căng mắt ra mới thấy hình cậu bé kéo violon đứng gần Bác Hồ trong dịp Bác 60 tuổi lục tuần đại khánh tại ATK năm 1950.

Cái cậu bé xinh xinh này là bác giai đấy ạ? Bà Tuyết Mai hướng cái cười và chất giọng hãy còn thanh thanh của tuổi tám mươi về phía ông Phúc đang lui cui bên bếp ga (nhiều năm nay bà đau yếu phải nằm một chỗ ông Phúc phải phục vụ cơm cháo thuốc men tận giường như thế ngày ba bốn bận) phải, nhà tôi thì lúc nào cũng… xinh xinh như thế...

MỚI - NÓNG