Chuyện tôi làm báo

TP - Giật mình nhìn lại tôi nhận ra rằng, điều đã giúp tôi vượt qua sóng gió của cuộc sống đã có, các tuyến bài điều tra gai góc, nguy hiểm chính là lòng trong và sự chân thành, tử tế với mọi chuyện. Thật hãnh diện khi song hành với nghề báo những năm qua, tôi còn nhận được tin tưởng của nhà hảo tâm để làm cầu nối trao tặng “Mô hình sinh kế” cho hàng trăm học sinh nghèo hiếu học.

Vượt thử thách

Hơn bảy năm trước, khi cầm tấm bằng đại học Khoa Báo chí (Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế) tôi thấy lạc lõng, bơ vơ. Cảm xúc ấy chẳng bao giờ quên được vì chẳng ai “đỡ đầu”, học hành chỉ là nền tảng, kiến thức của xã hội như biển rộng. Về ăn cơm với mẹ được một tháng, bạn bè giới thiệu tôi khăn gói lên thành phố Pleiku (Gia Lai) để gặp các anh chị làng báo ở đây lâu năm. Mọi người nói Gia Lai, Kon Tum hiện chưa có phóng viên của báo Tiền Phong nên có thể xin làm cộng tác viên. Anh chị cũng tâm sự thật, cảnh báo rằng: “Chú không vô được đâu vì báo Tiền Phong rất kén chọn phóng viên, xin làm cộng tác viên để học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng trước đi. Viết tin bài vững chút bọn anh sẽ tìm tờ phù hợp cho mày”. Cà phê một mình góc phố núi Pleiku, tôi nghĩ rằng nâng cao kỹ năng, học nghề mới là điều cần thiết của một sinh viên. Chính sức ép, kỷ luật mới giúp bản thân trưởng thành nên tôi quyết định xin vào Văn phòng báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên để học hỏi.

Buổi sáng cuối tuần, tôi gọi điện thoại tới chị Hoàng Thiên Nga (hồi ấy là Trưởng Đại diện Văn phòng báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên) để xin việc. Chị bảo tôi hãy gửi hồ sơ, bằng đại học qua đường bưu điện tới Văn phòng. Tuy vậy, tôi quyết định chạy xe máy gần 200 cây số từ Gia Lai sang thành phố Buôn Ma Thuột vừa để nộp hồ sơ, vừa để được gặp trực tiếp người sẽ duyệt tin, bài của mình. Khí chất, cử chỉ quyết đoán của chị Nga vừa khiến tôi lo lắng nhưng cũng khiến tôi rất nể. Mãi sau này chị Nga nói rằng đã đánh giá cao khi không gửi hồ sơ theo đường bưu điện, mà lóc cóc xe máy tới qua Văn phòng. Từ đây tôi có nhiệm vụ viết tin bài ở Gia Lai, Kon Tum. Quả thực việc lấy và xử lý thông tin những ngày đầu tiên khó khăn vô cùng. Những cuộc gọi của chị Nga để chỉnh sửa tin bài đều là áp lực, lo lắng. Quyết tâm, chăm chỉ đọc báo Tiền Phong, kiên trì học hỏi từ các anh chị đi trước những tin bài dần bớt lỗi.

Chuyện tôi làm báo ảnh 1

Phóng viên Tiền Lê trong một lần đi tác nghiệp, chụp ảnh với học sinh ở huyện nghèo Tu Mơ Rông, Kon Tum

Làm được không lâu, tôi lại nhận được những cuộc gọi của Tổng Thư ký toà soạn báo Tiền Phong Lê Minh Toản (hiện là Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong) để định hướng viết các phóng sự thêm sâu sắc, ý nghĩa. Người đàn ông “thét ra lửa” thường gọi lúc giữa đêm, tôi phải bật dậy, chạy thẳng ra cổng mới dám nhấc máy. Những cuộc gọi giá trị ấy đã “thông não” cho tôi, một chàng sinh viên ngây ngô, ngờ nghệch. Những tình cảm thiêng liêng như vậy cho tôi quyết tâm: “Tiền Phong không nhận cũng không đi đâu, làm cộng tác viên mãi cũng được”.

Chuyện tôi làm báo ảnh 2

Phóng viên Tiền Lê đại diện trao những cặp heo, bò giống cho các em học sinh nghèo hiếu học

Để rồi, bước ngoặt cuộc đời thay đổi lớn vào đầu năm 2020, nhà báo Phạm Đình Thắng, hiện đang là Trưởng Ban Kinh tế báo Tiền Phong, đã làm báo hơn 20 năm và nhận nhiều giải thưởng Báo chí Quốc gia, được Ban Biên tập báo Tiền Phong giao nhiệm vụ kiêm Phụ trách Ban Đại diện khu vực Tây Nguyên, thay nhà báo Hoàng Thiên Nga nghỉ hưu theo chế độ. Mỗi tối, lẽ ra phải nghỉ ngơi nhưng anh Thắng lại dành thời gian để “chăm sóc” tôi kỹ càng. Không chỉ là lãnh đạo trực tiếp mà nhà báo Đình Thắng còn như người anh chỉ dạy tôi từng li, từng tí trong mỗi bài viết điều tra. Rồi cách đối nhân, xử thế sao cho trách nhiệm, mẫu mực để không phải hổ thẹn khi là người của báo Tiền Phong. Cũng từ đây tôi và anh chị trong Ban Đại diện khu vực Tây Nguyên “ra lò” những bài viết điều tra chất lượng, đoạt giải báo chí Quốc gia về đường đi của gỗ lậu, hay các bài điều tra sai phạm của những quan chức tha hoá, vấn nạn của khai thác khoáng sản…

“Cầu nối” điều tử tế

Sinh ra ở tỉnh Vĩnh Phúc, cuộc sống vất vả, năm 1996 cha mẹ khăn gói, dẫn tôi vào theo diện di dân kinh tế mới đến huyện miền núi Krông Pa. Đây là địa phương không chỉ xa nhất mà còn được mệnh danh là “chảo lửa” của Gia Lai. Ký ức tuổi thơ chẳng bao giờ quên khi tôi đã chứng kiến sự vất vả của các bạn người dân tộc thiểu số. Cũng bởi vậy mỗi khi diễn ra chương trình trao học bổng “Đọt chuối non” của báo Tiền Phong, nhà báo Hoàng Thiên Nga (Trưởng Ban tổ chức) tôi thường chạy xe máy qua để hỗ trợ. Tôi sang không chỉ phụ giúp công việc trao quà mà còn để thỏa mãn mong ước thấy các em học sinh nghèo nhận những món quà ý nghĩa. Mỗi lần nhìn nhà báo Hoàng Thiên Nga trao quà cho các em nhỏ thơ ngây tôi cũng ao ước sẽ làm được điều gì đó ý nghĩa.

Chuyện tôi làm báo ảnh 3

Các nhà hảo tâm trao bò giống cho gia đình của một học sinh nghèo học giỏi ở xã Gla, huyện Đak Đoa

“Điều quan trọng không phải mình làm cộng tác viên hay nhà báo mà chính là hành động của bản thân mỗi ngày. Khi có cơ hội hãy làm những điều ý nghĩa cho cộng đồng khi tâm khởi, duyên lành sẽ ùa đến". phóng viên Tiền Lê

Duyên đã tới khi tháng 7/2021, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Vũ Tiến đọc bài phóng sự viết vấn nạn người Ba Na ở huyện Kbang (Gia Lai) chìm trong cơn say do bế tắc cuộc sống rồi tự tử, để lại những đứa con bơ vơ, côi cút. Ngay sau đó, anh Vũ Tiến gọi điện giao cho tôi nhiệm vụ: “Ở địa bàn em hãy tìm cách làm điều gì ý nghĩa cho các em. Anh thấy thương các cháu quá”. Lạ kỳ, vài hôm sau tôi có buổi cà phê với nhà báo Đình Thắng. “Không chỉ viết được những tuyến bài điều tra tầm vóc mà một nhà báo giỏi là phải làm được điều ý nghĩa cho đời”, nhà báo Đình Thắng hướng. Nghe xong tôi im lặng. Sáng hôm sau tôi chạy tới gặp anh Đỗ Duy Nam- Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Gia Lai để tìm hướng hỗ trợ các em nhỏ mồ côi ở huyện Kbang. Sau khi rà soát, có 25 em nhỏ ở huyện nghèo này cần sự giúp đỡ. Nhấc điện thoại, lân la cà phê với những trái tim nồng hậu ở Gia Lai, tôi nhận được 50 triệu đồng để cùng Tỉnh Đoàn Gia Lai trao 25 “Mô hình sinh kế” (mỗi mô hình 2 triệu đồng) để trao tới các em. Biết rằng cơ hội làm điều ý nghĩa đã tới, cứ vào khoảng tháng 7 hàng năm tôi lại xin Ban Biên tập báo Tiền Phong để đi mời gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, rồi cùng Tỉnh Đoàn Gia Lai trao những cặp heo, bò cho các em học sinh nghèo hiếu học. Sau mỗi chương trình báo Tiền Phong luôn tạo điều kiện, đăng các bài viết về chương trình như một lời cảm ơn tới các nhà hảo tâm. Quả thực khi đi vận động kinh phí làm thiện nguyện còn rất nhiều trái tim nồng hậu, sẵn sàng dang tay để hỗ trợ các hoàn cảnh thiệt thòi.

Tin liên quan