Chuyện tình VĐV khuyết tật

Chuyện tình VĐV khuyết tật
TP - Vẽ tranh, dạy nhạc, sở hữu gần 30 HCV bắn súng, bóng bàn, cầu lông, tennis… (mới đây là HCV môn bóng bàn tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á), nhưng tài sản lớn nhất của chàng trai khuyết tật Nguyễn Bá An là một tình yêu diệu kỳ.

Sau một cơn sốt nặng, cậu bé 3 tuổi Nguyễn Bá An (Thanh Khê, Đà Nẵng) mất đi đôi chân lành lặn. Nhà nghèo nên An cũng chỉ học để biết mặt chữ. Nhưng ngay từ nhỏ, cậu đã bộc lộ nhiều năng khiếu. 

Chuyện tình VĐV khuyết tật ảnh 1

Gia đình hạnh phúc của VĐV khuyết tật Nguyễn Bá An

An thích vẽ và vẽ rất đẹp. Hiện giờ, những bức tranh của anh đã có mặt ở nhiều cửa hàng ở phố cổ Hội An giúp anh mưu sinh. Dù An tự mày mò luyện tập, nhưng ngón đàn của anh thành thục, có sức lay động truyền cảm. Nhiều bạn trẻ nghe tiếng tìm đến nhờ anh dạy.

Lớn dần, An lại thấy hứng thú với những môn thể thao. Nhiều người e ngại, lắc đầu bởi với người khuyết tật, việc vận động đã khó, nói gì đến chơi thể thao. 

“Mình nghĩ đó là con đường ngắn nhất để hòa nhập và khẳng định mình nên không chịu từ bỏ”, anh An tâm sự. 

Người thân xót xa khi thấy anh vần ngược vần xuôi trên chiếc xe lăn, nhiều khi té ngã bầm dập. Ban đầu thì bắn súng, rồi tennis, ném tạ, bóng bàn. Ở bộ môn nào anh cũng cho thấy mình là một VĐV có tố chất. Cho đến khi anh lần lượt rinh giải về từ các cuộc thi Para Games quốc gia và khu vực, mọi người sững sờ, nể phục.

Lời hứa hạnh phúc

“Nếu anh không phải là người nghị lực như vậy, hẳn chúng tôi đã không bước qua được những rào cản”, chị Ngô Thị Bích Hằng, vợ anh, chia sẻ về cuộc tình không mấy suôn sẻ của mình. 

Chuyện tình VĐV khuyết tật ảnh 2

Chiếm lĩnh đỉnh cao thể thao tại Para Games

Sinh ra trong gia đình nghèo đông con ở Hòa Khương (Hòa Vang, Đà Nẵng), chị Hằng sớm phải tự lập. 16 tuổi lên phố để học may, rồi làm công cho một tiệm may nhỏ trong hẻm đường Hải Phòng (Đà Nẵng), sát vách với anh chàng khuyết tật tài hoa. Những lúc rảnh rỗi, anh lại qua trò chuyện, lâu dần thành quen.

7 năm quen nhau, qua những câu chuyện và chia sẻ khó khăn cuộc sống, cả hai mới vỡ lẽ đó là yêu. Nhưng, khi biết chuyện, gia đình phản đối quyết liệt, nhất là bên gái. Không ai tin một người tàn tật như anh lại có thể cáng đáng được mọi chuyện và làm trụ cột gia đình.

Nhưng cả hai đều tin ở lý lẽ trái tim mình, nên kiên trì thuyết phục. Sau giờ làm việc, anh chở chị đi dạo trên chiếc xe ba bánh dành cho người khuyết tật. Rồi chở chị về tận quê. Dù gặp phải những thái độ không vừa lòng, anh vẫn niềm nở, bộc bạch về tình yêu chân thành, và hứa sẽ không để vợ con phải khổ.

Thấy cả hai đều quyết tâm, nên dần dần gia đình cũng xuôi. Ngày tổ chức đám cưới, cả khu phố kéo nhau đến chúc phúc. Ai cũng xúc động trước hình ảnh cô dâu xinh đẹp đẩy chiếc xe lăn cùng chú rể tiến lên sân khấu. Còn chú rể hết làm MC lại nắm tay cô dâu ca hát tưng bừng. Giờ thì anh cảm thấy mãn nguyện khi bên mình có người vợ hết lòng yêu thương cùng hai con Nguyễn Bá Khoa và Nguyễn Bá Linh Sam.

Gần đây, Nguyễn Bá An cùng đồng đội thành lập nhóm Đồng Cảm, rồi tìm đến tận nhà những người bạn đồng cảnh ngộ, vận động tham gia chơi thể thao. “Kinh nghiệm từ chính mình, chơi thể thao không chỉ giúp cơ thể vận động linh hoạt giống như phương pháp vật lý trị liệu mà đó còn là cách đưa người khuyết tật hòa nhập cộng đồng nhanh nhất”, anh nói. 

Nguyễn Bá An làm thơ, tự phổ nhạc câu chuyện đời mình thành ca khúc “Vững bước”. Bài hát giành giải nhất cuộc thi văn nghệ tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2002, trở thành ca khúc yêu thích của người khuyết tật.

“Vui lên các bạn ơi

Ta bên nhau góp sức xây đời

Vươn lên các bạn ơi

Một ngày mai sáng tươi chân trời mới

…Tàn nhưng không phế, vững bước đi trên cuộc đời

Tàn nhưng không phế, xung quanh ta còn có mọi người”

MỚI - NÓNG