> Xa nhau để ngày mai hạnh phúc
> Chuyện tình Hải quân: 19 năm và 285 ngày
Từ những điều giản dị
“Là một sỹ quan bước vào tuổi “băm”, cộng với môi trường quân ngũ quen với điều lệnh, giờ giấc chính quy nên tôi lúc nào cũng cương nghị, chững chạc trông như người trung niên.
Còn em 24 tuổi, tính tình hiền dịu, dáng cao thon thả, nhất là hàm răng khểnh khi cười trông thật duyên. Quanh em lúc nào cũng có các “vệ tinh” với nhiều thế mạnh hơn tôi. Còn với tôi, “tán tỉnh” nhiều khi ngô nghê, nghĩ lại giờ cũng phải bật cười”, thượng tá Nguyễn Đức Toàn dí dỏm mở đầu câu chuyện.
Anh là bộ đội tên lửa phòng không. Đời quân ngũ, đi miết nay đây mai đó. “32 tuổi, tôi cũng có vài mối tình “vắt vai” nhưng không cô nào dám “chung kết”, vì họ sợ lấy tôi sẽ phải chịu xa cách. Bố mẹ già giục liên hồi. Ông bà muốn tôi lấy một cô giáo ở quê, sinh cho ông bà đứa cháu nội để ông bà được bế bồng, chăm bẵm”, anh Toàn kể lại.
Thương bố mẹ, nhiều lúc anh cũng sốt ruột, muốn kiếm tìm một nửa yêu thương. Thấy vậy, anh bạn cùng đơn vị đề nghị: “Tôi thấy ông cũng “có tuổi” rồi, để tôi làm mối cho ông một cô nhé”. Nghe vậy, anh gật đầu đồng ý luôn.
Lần đầu tiên gặp mặt, anh mất cả ngày chuẩn bị tinh thần, quần áo tươm tất. Nhưng khi đến nhà anh bạn để chuẩn bị tới điểm hẹn, anh bối rối kiểu gì, sụt chân vào hố vôi, quần áo lấm lem. Quay về đơn vị thay lại quần áo thì sợ muộn giờ, lỡ mất cuộc hẹn, vì thế anh Toàn đành phải lấy quần áo của anh bạn mặc.
“Bộ quần áo rộng thùng thình chả ăn nhập gì với dáng người của tôi, trông tôi lúc đó thật xấu xí. Nhưng không ngờ, khi đến nhà em, tôi được em và gia đình đón tiếp nồng nhiệt”, anh Toàn kể lại. Phải mất thêm mấy lần nhờ bạn “tháp tùng” anh mới đủ tự tin để có thể tự đi đến nhà Sinh một mình.
“Trong khi các “vệ tinh” quanh Sinh có điều kiện, có thể đưa Sinh đi chơi những nơi sang trọng, tặng những món quà đắt tiền, tôi chẳng có gì ngoài sự chân chất, mộc mạc. Những lúc gặp nhau, thật ngắn ngủi, vì điều kiện tôi sống trong quân đội, giờ giấc ngặt nghèo, tôi mang theo khi thì gói kẹo lạc, lúc thì bánh bích quy và có khi tặng em chiếc bút bi xinh xắn”, anh Toàn tâm sự.
“Những người lính như chúng tôi, với vợ không chỉ có tình yêu thương mà còn có cả sự biết ơn”. Thượng tá Nguyễn Đức Toàn |
Có lần muốn tặng hoa cho chị Sinh nhưng sợ anh em trong đơn vị trêu đùa, anh phải mượn một chiếc túi du lịch giấu hoa vào trong, rồi đeo vào chiếc xe đạp chở đi. Tới nhà chị Sinh, nhìn thấy người trong nhà đông quá, anh lưỡng lự, e ngại xách cả chiếc túi du lịch vào mà không dám lấy hoa ra.
“Hôm đó, tôi ngượng lắm, nói năng chẳng được tự nhiên”-anh Toàn nhớ lại: “Nhiều người bảo tôi là sỹ quan chính trị, lại là cộng tác viên của một số báo, đài nên viết thư tình hay mê ly ấy chứ. Nhưng thú thật, khoản này tôi vụng, những dịp 8/3, sinh nhật Sinh tôi gửi tấm thiệp với lời đề tặng mộc, kiểu như: “Nhân dịp… anh chúc em vui khoẻ, mong rằng mối quan hệ của anh em mình ngày càng tốt đẹp”…
Một lần, sau chuyến đi công tác dài, nhớ nhung, anh Toàn đã tới tận Cty tìm gặp chị Sinh, không nén được cảm xúc, quên hết mọi e ngại, anh đã ôm chị Sinh vào lòng và trao nụ hôn đầu tiên sau gần một năm quen biết.
Hạnh phúc tròn đầy
Yêu nhau được một năm, anh chị quyết định tổ chức đám cưới. Cảm thông cho người lính bận rộn, thời gian ngặt nghèo, chị Sinh không đòi hỏi bất cứ điều gì, đảm nhận hết mọi công việc chuẩn bị cưới xin, thậm chí cả đồ lễ ăn hỏi chị cũng tự sắm sửa giúp anh. “Ngày cưới anh sắm cho tôi cái váy cưới rất đẹp, còn anh chịu thiệt hơn, đi mượn bạn bộ comple để diện”-chị Sinh hạnh phúc kể lại.
“Sau ngày cưới, có người rỉ tai bảo sao tôi lấy chồng già thế, xấu trai thế, về quê tìm hiểu ngọn ngành xem anh ấy đã có vợ chưa. Thực sự khi nghe những điều ấy tôi không hề thấy lung lay, bởi tôi hiểu tấm chân tình của anh và càng thương hơn sự vất vả mà anh phải trải qua”.
Anh Toàn và chị Sinh đã có 20 năm chung sống hạnh phúc, với 2 cô con gái ngoan ngoãn, học giỏi. Con gái lớn học đại học năm thứ 2, cô út học lớp 7. Anh thường xuyên đi công tác xa, biền biệt. Mọi lo toan trong gia đình đều do một tay chị Sinh lo liệu. Giờ anh Toàn đã được về công tác gần nhà. Để bù đắp lại những thiệt thòi của vợ trong gần 20 năm chồng đi công tác xa, anh Toàn thường thay vợ nấu cơm, rửa bát. Đặc biệt, với tính tình vui vẻ, dí dỏm anh Toàn luôn mang lại niềm vui, gia đình tràn ngập tiếng cười.