Nhạc sĩ Văn Phụng, tên thật là Nguyễn Văn Phụng, sinh năm 1930 tại Hà Nội. Ông là tác giả của những bài hát trữ tình nổi tiếng thời kỳ đầu của tân nhạc Việt Nam.
Được học dương cầm từ nhỏ, Văn Phụng có cơ hội nuôi dưỡng niềm đam mê với âm nhạc. Sau này, ông từ bỏ định hướng gia đình theo học y để chạy theo “tiếng gọi của con tim”.
Ngay từ ca khúc đầu tay “Ô mê ly” (1948), Văn Phụng đã chinh phục được số đông người nghe nhạc và trở thành cái tên đáng chú ý trong giới yêu nhạc. Ca khúc này gắn liền với tên tuổi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như ban Thăng Long với Thái Thanh, Phạm Đình Chương hay sau này là ca sĩ Ánh Tuyết.
Trong sự nghiệp viết nhạc, ông sáng tác trên 60 ca khúc, trong đó có rất nhiều nhạc phẩm đặc sắc như "Trăng sơn cước", "Yêu", "Tôi đi giữa hoàng hôn", "Suối tóc", "Mưa", "Tiếng dương cầm", "Giấc mộng viễn du", "Tình", "Bức họa đồng quê"... Ông còn được xem là một trong những nhạc sĩ hòa âm hay nhất của Sài Gòn thời đó.
Bên cạnh tài năng nghệ thuật, cố nhạc sĩ Văn Phụng còn được nhớ đến với chuyện tình yêu đẹp đầy trắc trở với danh ca Châu Hà. Bà là người vợ thứ hai, nhưng lại là mối tình đầu của ông.
Hai người đến với nhau trong những tháng ngày thanh xuân tươi đẹp nhất. Nhưng vì định kiến xã hội, họ buộc phải chia lìa. Những nỗi nhớ thương được Văn Phụng gửi gắm vào âm nhạc, biến thành loạt ca khúc nổi tiếng như “Tôi đi giữa hoàng hôn”, “Tình”, “Suối tóc”…
Trong chương trình “Chân dung cuộc tình”, biên tập Minh Đức có dịp chia sẻ về chuyện tình yêu “huyền thoại” của làng nhạc Việt.
Theo biên tập Minh Đức, Văn Phụng và Châu Hà gặp nhau lần đầu tại Hải Phòng, quê hương của nữ ca sĩ. Khi đó, hai người còn rất trẻ, ngay từ ánh nhìn đầu tiên đã tìm được sự đồng điệu về tâm hồn.
Người ta đinh ninh họ sẽ thành đôi vì “chàng tài năng, nàng xinh đẹp”, lúc đó Châu Hà vẫn chưa đi hát. Tuy nhiên, gia đình Châu Hà vốn gia giáo, không muốn con rể là nhạc sĩ bởi quan niệm “xướng ca vô loài”.
Bị ngăn cấm, hai người buộc phải chia tay trong tiếc nuối. Sau này, Châu Hà chuyển vào Nam sống rồi lập gia đình. Văn Phụng tiếp tục niềm đam mê âm nhạc của mình và cũng tìm được tình mới.
Dù có vợ và hai con gái, Văn Phụng chưa bao giờ nguôi ngoai tình cũ. Ông chuyển nỗi nhớ vào âm nhạc và một số ca khúc, có thể kể đến là “Tôi đi giữa hoàng hôn”, ra đời trong hoàn cảnh đó.
Những tưởng Văn Phụng và Châu Hà từ đó như hai đường thẳng song song, vậy mà định mệnh một lần nữa gắn kết họ.
Sau khi chuyển vào Nam sống, Châu Hà mới thực sự theo đuổi sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp. Châu Hà thường hát ở đài phát thanh và phòng trà, kết hợp cùng nhiều tên tuổi nổi tiếng thời đó như Mộc Lan, Kim Tước… Từ những lần biểu diễn như vậy, bà gặp lại mối tình đầu Văn Phụng.
Trong “Người kể chuyện tình”, danh ca Phương Dung kể, từng có thời gian làm việc cùng nhạc sĩ Văn Phụng ở đài phát thanh, và từng được chứng kiến những ánh mắt tình ý mà Văn Phụng, Châu Hà dành cho nhau. Thời điểm đó, hai người vẫn đang có gia đình riêng, nhưng tình yêu họ dành cho nhau khó giấu.
Nhiều năm sau, hai người vượt qua những ràng buộc, dị nghị để tìm về với nhau, bắt đầu một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc dù cả hai không còn quá trẻ. “Lúc đó, Phương Dung làm việc với anh Văn Phụng trong một cuốn phim. Mỗi lần đi quay phim, hai anh chị dắt một cô bé tầm 5,6 tuổi. Hai người cưng lắm. Đó là kết quả của một cuộc tình qua nhiều tháng năm gian truân”, danh ca Phương Dung cho biết.
Điểm đặc biệt của đôi vợ chồng nổi tiếng này là dù chuyển vào Nam sống nhiều năm, cũng như đã cao tuổi, họ vẫn giữ nguyên vẹn được cách nói chuyện của người Bắc xưa.
“Trong cái cách hai người nói về nhau, đúng với câu ông bà ta hay nói là phu thê tương kính như tân. Vợ chồng trân trọng nhau, coi nhau như khách quý. Họ nói về nhau rất trân trọng, không có cảm giác về sự khách khí, xã giao trong đó. Họ đối xử với nhau không chỉ là vợ chồng, mà còn ở tư cách những người nghệ sĩ với nhau”, biên tập Minh Đức chia sẻ.