Chuyện tình già của ông lão 20 năm vớt xác ở sông Hồng

Chuyện tình già của ông lão 20 năm vớt xác ở sông Hồng
Sông Hồng, chiều cuối năm. Những cơn gió mùa hun hút thổi. Trong cái chòi nhỏ bên bờ sông lênh đênh mùa nước nổi, dưới chân cầu Long Biên, hai vợ chồng ông Thành - bà Thủy hằng ngày vẫn sống leo lắt ở đó. Không bản quán, quê hương, không con cái, họ dựa vào nhau hơn 40 năm qua cuộc đời khốn khó.

Chuyện tình già của ông lão 20 năm vớt xác ở sông Hồng

Sông Hồng, chiều cuối năm. Những cơn gió mùa hun hút thổi. Trong cái chòi nhỏ bên bờ sông lênh đênh mùa nước nổi, dưới chân cầu Long Biên, hai vợ chồng ông Thành - bà Thủy hằng ngày vẫn sống leo lắt ở đó. Không bản quán, quê hương, không con cái, họ dựa vào nhau hơn 40 năm qua cuộc đời khốn khó.

Những lúc buồn, bà Thủy ngồi hút thuốc lào
Những lúc buồn, bà Thủy ngồi hút thuốc lào.
 

Thương bà cô độc - thương ông một mình

Ở bến sông này có nhiều ông Thành. Nhưng chỉ hỏi ông Thành - Thủy thì ai cũng biết đôi vợ chồng già đang sống leo lắt dưới cái chòi nhỏ này. "Đây là cái nhà kiên cố nhất trong cuộc đời tôi. Cũng nhờ mấy anh em hay xuống sông Hồng tắm, thấy vợ chồng tôi khổ quá, sống vạ vật, họ thương tình, gom góp được 8 triệu đồng giúp tôi dựng ngôi nhà nổi này. Thế cũng là mãn nguyện lắm rồi". Ông Thành ngậm ngùi nói. Gọi là nhà, nhưng nó chỉ là một cái lán bằng gỗ, dựng trên 5 chiếc thùng phi.

Mùa nước nổi, hàng đêm ông bà phải thay nhau canh chừng. Nước lên, thì phải kéo nhà lên. Nước xuống lại kéo ra, chỉ sơ sểnh một chút là mắc cạn. Vào độ tháng 5 - tháng 6, hai ông bà thức canh ngôi nhà, chỉ tích tắc là có thể trôi ra sông ra bể. Giờ, hai cái thân già đã ngoài 70 tuổi ấy vẫn kẽo kẹt sống từng ngày như thế trên bãi sông này. Họ biết đi đâu, về đâu khi không còn quê. Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc chăn ấm, cũng của một người trên bờ mang xuống tặng.

"Mùa đông này, sẽ không còn lạnh nữa. Những mùa đông năm trước, hai vợ chồng tôi co ro trong chiếc chăn mỏng. Gió ở đây hun hút". Tôi nhìn quanh. Chẳng có ngôi nhà nổi nào ở đây ngoài cái bè của ông Thành. "Cả xóm này đã chuyển sang bãi Phúc Xá, định cư ở đó rồi, sống quần tụ với nhau thành xóm, thành làng". "Sao ông bà không gia nhập vào cộng đồng xóm bãi bên đó". Ông Thành cười buồn: "Tôi cũng muốn lắm chứ, ở đó có làng có xóm, ốm đau còn có người thăm hỏi. Vợ chồng tôi ở đây một mình buồn lắm. Nhưng sang đó, phải đóng 1 triệu đồng, tôi không có đành chấp nhận ở lại. Anh em Công an Ngọc Thụy - Gia Lâm thương tình cảnh vợ chồng già, họ cho chúng tôi ở tạm đây".

Phận lênh đênh nổi trôi, ông Thành kể về cuộc đời dài dặc của mình. Mồ côi mẹ từ bé, ông Thành sống kiếp đi ở, nay đây mai đó. 15 tuổi đã dạt lên Hà Nội, sống nhờ ở đợ. Đi biệt từ bé nên trong ký ức của ông Thành không còn nhớ mình sinh ra ở đâu. Ông chỉ mường tượng, là ở cuối vùng đất Thanh Hóa. Nhà neo người, chẳng có anh em thân thích. Sống đến tuổi 80 nhưng cũng phải đến 60 năm tha phương, chẳng còn quê mà về.

Ông Thành ngậm ngùi khi nói về vợ
Ông Thành ngậm ngùi khi nói về vợ.
 

Thế rồi, trong một lần đi nhặt rác ở ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội), lần đó, ông mang ốc nhặt được ở bãi sông lên bán, mò vào ga tìm chút gì ăn tạm đỡ đói. Nhìn thấy bà (ngày đó trẻ và xinh) đang lúi húi quét gạo. Ông chủ động bắt chuyện hỏi thăm. Bà kể: Bà chẳng có ai, một mình, tối ngủ ở khoang tàu chết. Ông thương cảm, "hay bà về ở cùng tôi". "Thế là từ đó, ông “nhặt” được vợ. Ông bà đi với nhau lẵng nhẵng đến tận bây giờ". Ông Thành cười giòn. Ngày 26 tháng 9 năm 1969, ông xăm vào cổ tay, ghi nhớ ngày mình "nhặt" được vợ. "Tôi cứ xăm vào đây cho dễ nhớ. Thế mà ngót nghét 40 năm rồi".

Hàng ngày, hai vợ chồng ông Thành vẫn gọi nhau thân mật: "ông hâm, bà hâm". Sống với nhau 40 năm, qua những giai đoạn khốn khó nhất, ông bà vẫn không rời nhau. "Ngày trước, hai vợ chồng chúng tôi cứ lang thang ở bãi giữa, ai thuê cày cuốc gì cũng làm, họ trả công, sống qua ngày. Tối thì căng lều lên ở tạm". Đến năm 2000, nghe tin có trung tâm bảo trợ cho người già cô đơn không nơi nương tựa, ông bà xin lên ở đó được 5 năm thì phải về vì không phải người Hà Nội. Lại dạt về sống bám vào bến sông này. "Tôi chỉ thương bà, đời bà buồn quá. Người thân cuối cùng của bà vừa mất, giờ bà cũng chẳng còn ai trên đời này ngoài tôi".

Khi tôi đến thăm, bà Thủy vừa vay tạm 200 ngàn đồng, bắt xe về quê chịu tang ông cậu ruột. Cuộc đời bà buồn. Mẹ mất sớm, cha lấy dì ghẻ, bà ở với dì, bị đánh đập không chịu nổi mới bỏ nhà lang thang. Có lẽ may mắn nhất trong cuộc đời của bà là gặp được ông Thành, thương nhau và tựa vào nhau để đi qua những ngày gian khó. "Tôi là đàn ông, tôi còn có nhiều niềm vui khác, nhưng bà buồn lắm. Giờ càng buồn. Sống cuộc đời không quê hương, không người thân, cô độc. Tôi thương bà vì chúng tôi không có con. Phụ nữ, họ buồn lắm. Tôi biết bà tha thiết, mong ngóng, mà trời không cho. Nên những lúc buồn, bà cáu gắt, tôi chỉ biết im lặng".

Chuyện tình già của ông lão 20 năm vớt xác ở sông Hồng ảnh 3
 

Ông kể, những lúc buồn, bà thường hút thuốc lào, có khi còn uống rượu. Ông biết, bà cố nén nỗi buồn vào trong. Nên cũng chẳng vì những tính nết trái trời của bà mà ông giận dỗi, trách móc. "Đôi lúc, có vài đồng, mọi người cho, tôi còn đi mua bia về cho bà uống. Phụ nữ, không có con cái, buồn lắm. Tôi sống đơn giản hơn, sáng nhảy ùm xuống sông, bơi mấy vòng với mọi người. chiều đi làm. Chả có thời gian mà nghĩ. Chỉ thương bà, càng ngày càng héo hon vì buồn. Lần này, chắc bà suy sụp lắm". Ông Thành thở dài, xót thương vợ.

Thương bà cô độc, ông nhận lấy phần vất vả về mình. Hằng ngày, ông Thành vẫn lọ mọ đi nhặt rác kiếm sống. 40 năm nay vợ chồng ông sống nhờ vào bãi rác. Những ngày mùa đông rét buốt này, ông vẫn phải đi vào thành phố kiếm cái ăn qua ngày. Khi người ta trở về nhà, thì ông Thành lên đường, từ 7h tối đến 1, 2h sáng. Có khi đi nhặt nhạnh thâu đêm. Ngày nào cũng vậy. Mưa gió, rét buốt, nhiều lúc trở về nhà lạnh thấu xương, chân run, mắt chậm, nhưng ông vẫn cố lê bước mà đi. "Nếu ngày nào tôi cũng đi làm, thì có thể kiếm được 200 ngàn một tuần, đủ bữa rau, bữa cháo. Giờ thế này là hạnh phúc rồi, có chỗ chui vào chui ra, đỡ mưa nắng. Ngày xưa, vợ chồng tôi cứ dắt díu nhau đi như thế, ăn bờ, ngủ bụi, đường là nhà, bao tải là giường, thế rồi cũng qua. Tôi không muốn đi đâu xa, vì sợ bà buồn". 40 năm rồi, ông bà Thành chưa rời xa nhau một ngày. "Nghĩ cứ mỗi tối, bữa cơm, đôi khi chỉ có rau và nước mắm, nhưng nghe tiếng bà mời ông ăn cơm, tôi cũng thấy vui rồi". Hạnh phúc đôi khi chỉ giản đơn vậy thôi. Ông chỉ lên bức ảnh bà do một người Hàn Quốc chụp treo trên tường, cười giòn tan. Cái tình của người già cũng thấm bao nỗi trên đời.

Vớt xác người làm phúc

Ông bà Thành cư ngụ ở bãi sông này từ lâu lắm rồi. Ngày đó còn chưa có cầu Chương Dương. Bờ kè ở đây còn làm bằng đất. Cuộc sống nghèo khó, chật vật. Thế nhưng, ông Thành không nghĩ nhiều đến mình. Trên bến sông này, hơn 20 năm nay, ông vẫn làm công việc thầm lặng, vớt xác, cứu người. Chỉ vừa mới hôm qua, có một người đàn ông chết trôi về đây, nhìn thấy, chẳng thể làm ngơ. Rồi hôm kia, một người phụ nữ tự tử ở cầu Long Biên.

"Tôi vớt xác để làm phúc cho đời, chứ không bao giờ nghĩ mình làm để kiếm sống. Nhìn thấy xác người trôi sông, lạnh lắm, tội nghiệp lắm. Tôi không đành". Ông không nhớ đôi bàn tay già nua này đã vớt bao nhiêu xác chết, cứu bao linh hồn bơ vơ trong giá lạnh. "Những người chết trôi sông, họ có uẩn khúc trong cuộc sống, đó là những cái chết oan uổng. Chẳng hiểu sao mà sông Hồng này, nhiều người chết thế. Người chết trôi, linh hồn họ phiêu dạt, rất tội nghiệp". Nhiều gia đình cảm ơn, kẻ cho 500 ngàn, người cho 1 triệu. Còn những cái xác vô danh, không gia đình, ông bàn giao lại cho cơ quan pháp y. "Làm lấy phúc cho đời". Ông nói đơn giản vậy thôi. Nhớ ngày xưa, hồi ở trung tâm bảo trợ người già, một mình ông lăn ra, bốc 180 hài cốt người già cô đơn để sang tiểu cho họ trong vòng 10 ngày. "Thế nên, đến tuổi này rồi, tôi vẫn khỏe mạnh. Có lẽ đất trời, linh hồn người chết phù hộ cho tôi".

Ngôi nhà nổi của ông Thành
Ngôi nhà nổi của ông Thành.
 

Hằng ngày, mỗi buổi sáng sớm, đông cũng như hè, bến sông này, tấp nập người xuống tắm. Ông cũng bơi dọc sông Hồng cùng mọi người như một thú vui. Cái nhà nổi nhỏ xíu của ông Thành - bà Thủy trở thành nơi tụ hội của người thành phố, muốn gạt bỏ bụi bặm của phố, về với thiên nhiên. Cũng vì thế, ông bà sống nhờ vào sự cưu mang của mọi người. Khi cân gạo, khi chai nước mắm, lọ dầu mỡ. "Đến mùa đông, mưa phùn gió bấc, tôi không đi làm được, chỉ ăn tạm mì tôm, rau cháo ở đây. Dạo này bà hay ốm đau, không đi lại được. Bà buồn lắm. Nhưng tôi nghĩ rồi, số nào chịu phận ấy, đó là câu chuyện cuộc đời".

Ông Thành ngồi bên chén trà nóng, cười vui vẻ. Có lẽ, những cực nhọc, đắng cay (có khi phải đi ăn xin) ông đã nếm trải hết rồi, nên chẳng còn gì làm ông buồn được nữa. Ông chỉ ước, giá như ông có chút tiền, được sang bên kia sống cho có xóm làng, cho bà đỡ buồn… Nhưng có lẽ, ước muốn giản đơn đó của ông còn quá xa xôi, khi hàng ngày, ông bà còn chật vật với cuộc sống, khi hai cái bóng già càng ngày càng héo hắt… "Tôi chỉ mong, vợ chồng tôi cùng chết một lần, được chính quyền địa phương cho lên bờ, ở một nơi nào đó, xa xôi cũng được. Tôi chỉ sợ, tôi mất trước, bà ở lại một mình, buồn lắm". Ông Thành vốn lạc quan, nhưng nói đến chuyện buồn này, khóe mắt ông ngấn nước. Tôi hiểu, nỗi buồn tha hương của ông, nỗi buồn của những người già, không biết đến nguồn cội, tổ tiên mình, xót xa biết bao.

Tôi rời khỏi ngôi nhà nổi của ông Thành. Hà Nội sáng nay sao nhiều sương mù thế. Trong cái váng vất buồn của một ngày cuối năm, tôi thấy bóng ông đổ xuống liêu xiêu. Bên ngoài lạnh thấu xương. Nhưng trong căn nhà nhỏ của ông Thành, hơi ấm vẫn đang được nhen lên, phủi bạt những cơn gió đầu mùa. Hơi ấm của lênh đênh một mối tình già

Theo Khánh Linh
Cảnh sát toàn cầu

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG