> Đội mưa làm đường vào nơi an táng Đại tướng
Trời mưa như xối nước. Điều mà lâu nay các chuyên gia trong ngành giao thông cho là bất khả thi nếu triển khai thi công. Nhưng một con đường dài 2,5km, rộng 9m và 30.000 m2 bến bãi đã được hoàn thành chỉ trong vòng 5 ngày. Câu chuyện “thần tốc” làm đường vào khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp biến điều không thể thành có thể.
3,5 phút một chuyến xe đổ vật liệu
Mặc dù con đường vào khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng: Đón linh cữu của Đại tướng về trong lòng đất mẹ, và nay vẫn hằng ngày, đón ngàn lượt người vào viếng Đại tướng, nhưng bản thân ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình đôi lúc vẫn ngạc nhiên trước một hiện thực tưởng như không thể.
Ông Hải nhớ lại: Sở ông nhận được lệnh làm đường vào khu mộ Đại tướng vào chiều 7/10, với điều kiện phải hoàn thành trước 24 giờ ngày 12/10. Trong nghiệp phục vụ ngành giao thông, ông Hải chưa bao giờ nghĩ sẽ hoàn thành một con đường lớn như vậy chỉ trong vòng 5 ngày. Nhưng đây là nhiệm vụ lịch sử và thiêng liêng không thể không hoàn thành.
Một cuộc họp khẩn giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Bộ Giao thông, Sở Giao thông, nhà thi công kéo dài đến 22 giờ cùng ngày. Điều khiến mọi người đau đầu nhất, là giải pháp thi công cấp bách, trong điều kiện thời tiết bão lũ, đã được đơn vị thi công là Tập đoàn Trường Thịnh giải tỏa, với một cam kết bằng danh dự thương hiệu.
Họp bàn trên lí thuyết là vậy, nhưng khi ra thực tế khó khăn chồng chất khiến công việc nhiều khi tưởng chừng như không thể hoàn thành. Các mỏ vật liệu trong vùng không đủ cung cấp, rồi hàng loạt túi bùn khổng lồ xuất hiện khi bóc lớp đất phong hóa.
Ngay sau cuộc họp kết thúc vào lúc 22 giờ, Tập đoàn Trường Thịnh đã huy động hơn 100 đầu xe máy, cùng hơn 300 cán bộ kỹ thuật, công nhân từ các nơi tập kết về trong đêm.
Trong thời tiết mưa như xối nước, vật liệu làm đường truyền thống là đất pha sỏi không thể thực hiện. Đổ xuống xe nào là nước mưa cuốn đi phân nửa. Rồi xe lu, xe gạt không thể vận hành vì bùn đất nhão nhoẹt cứ dính chặt vào bánh.
Rất may, một lượng lớn sỏi dự trữ chuẩn bị để lót nền cho công trình mở rộng Quốc lộ 1A của Tập đoàn vẫn còn đó. Hàng ngàn m3 tinh sỏi đã được đổ xuống để chống trôi và chống dính. Một mỏ đá hộc mới được hình thành ngay cạnh đó để phục vụ cho làm kè, cống thoát nước, đặc biệt là lấp đầy các túi bùn.
Các thủ tục như khảo sát chất lượng, trữ lượng mỏ, rồi cấp mỏ đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật, đặc biệt là công tác đền bù cho hơn 10 hộ dân liên quan được hoàn thành trong nửa ngày.
“Cũng thuận lợi là nhân dân vì quá kính trọng và yêu quý Đại tướng nên họ tự nguyện và không đòi hỏi nhiêu khê trong đền bù. Nếu không có mỏ đá khe Lau gần đó, công trình khó mà hoàn thành” - ông Hải nhận định.
Đúng 8 giờ sáng ngày 8/10, lệnh khởi công con đường chạy ôm núi Rồng ra khu mộ Đại tướng được phát ra.
“Theo tính toán ban đầu, nếu đảm bảo tốc độ bình quân 5 phút một chuyến xe đổ vật liệu thì có thể hoàn thành con đường. Nhưng khi thi công, mới phát hiện các túi bùn, buộc chúng tôi phải tính toán lại, nâng lên 3,5 phút một chuyến. Và tính toán này khớp đến mức, đúng 24 giờ ngày 12/10 những công đoạn cuối cùng của con đường mới hoàn thành” - ông Hải nói.
Tinh thần tổng tấn công
Con đường này, theo thiết kế thông thường phải mất 5 tháng, nhưng nó đã hoàn thành trong 5 ngày, trong điều kiện khắc nghiệt về thời tiết và thiếu thốn mọi bề. Sau khi đại tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết thúc, tập thể và nhiều cá nhân của đơn vị thi công được khen thưởng.
Công nhân lái máy gạt Hoàng Đức Dũng kể lại: “Em được điều từ công trường Quảng Trị ra trong đêm. Khi nghe thông báo làm đường vào khu mộ của Đại tướng thì ai cũng phấn khởi và vinh dự. Hầu hết từ lãnh đạo Bộ Giao thông, tỉnh Quảng Bình, Sở Giao thông và cả chúng em đều không ngủ, ngày đêm bám sát công trường”.
Dũng là một lái máy giỏi và có nhiều sáng kiến. Thấy Dũng liên tục làm việc, lãnh đạo tập đoàn cho nghỉ ngơi lấy sức. Nhưng người khác vào thay ca thì tiến độ bị chững lại, do gạt không kịp cho xe khác vào đổ vật liệu. Vậy là Dũng tình nguyện bám máy đúng 3 ngày, 3 đêm không ngủ. Khi những đống sỏi cuối cùng được gạt bằng, cũng là lúc Dũng kiệt sức, đồng đội phải bế Dũng từ trên xe về lán.
Khi con đường hoàn thành, một sự cố không lường trước khiến mọi người tá hỏa. Theo tính toán, việc khắc phục các túi bùn mặc dù cấp tốc nhưng đã cơ bản. Những chiếc xe tải hạng nặng của đơn vị thi công qua lại không thấy có biểu hiện gì.
Tuy nhiên, khi những chiếc xe tiêu binh được đưa vào chạy thử thì trục trặc xảy ra. Vốn bánh của những chiếc xe này có tiết diện nhỏ nên khi đi qua các túi bùn thì bị lầy và dập dềnh như đi trên đầm lầy. Công tác khắc phục chỉ hoàn thành vào rạng sáng ngày 13/10.
Khi đoàn linh xa chở linh cữu Đại tướng lăn bánh tiến vào Vũng Chùa, dừng ở bãi đỗ, tất cả mọi người phụ trách làm con đường lịch sử này mới thở phào nhẹ nhõm.
“Tôi không thể tưởng tượng chúng tôi đã làm được điều không thể ấy. Có lẽ trách nhiệm, tình cảm, vinh dự... và tinh thần tốc chiến, tốc thắng của Đại tướng đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả” - Ông Hải tự hào nói.
Theo các chuyên gia trong ngành giao thông, mặc dù thi công trong điều kiện khắc nghiệt và thần tốc, nhưng chất lượng công trình đạt tất cả các tiêu chí kỹ thuật, thậm chí có những tiêu chí vượt trội. Bằng chứng, sau đám tang của Đại tướng, đã hơn một tháng nay, hết bão đến lũ, mưa gió không ngớt nhưng con đường vẫn an toàn đón dòng xe đến viếng liên tục đổ về Vũng Chùa - Đảo Yến. Tỉnh Quảng Bình đã có chủ trương rải thảm nhựa mặt đường vào khu mộ của Đại tướng. Công việc này sẽ hoàn thành nay mai vì nền đường đã cơ bản ổn định. |