Chuyện tháng Mười hai

Chuyện tháng Mười hai
TP - Ngày xưa ở quê, chiều 30 Tết mổ gà, bà nội thường huơ huơ con dao nói “hoá kiếp mày ra kiếp khác”, một nghi lễ tiễn đưa cho nhẹ khí sát sinh. Còn ở châu Âu, tháng 12 này người ta nói gì với lũ gà tây?

Phải nói ngay rằng thịt gà tây bở, không ngon, thường phải đút lò nguyên con lỉnh kỉnh, nhiều gia đình phương Tây bây giờ cũng ngại giữ nếp truyền thống. Chỉ khổ lũ hươu, nai sừng tấm, thỏ, vịt trời... bị đưa lên bàn tiệc Giáng sinh và mừng năm mới.

Từ cuối tháng 11, các siêu thị lớn đồng loạt trưng biển “Mùa thịt thú rừng bắt đầu”. Những ông chủ đất chăn thả hươu, nai, lợn, thỏ... mở cửa rừng, cho thợ săn vào ngắm bóng vịt đen lao vun vút trên nền trời xám, lần theo vết chân thỏ li ti in trong lớp tuyết mỏng đầu đông.

Người phương Tây đàng hoàng ăn thịt thú rừng nhưng thực chất là thú chăn thả có mục đích trong những khoảnh rừng rộng. Còn động vật hoang dã dĩ nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt.

Thỉnh thoảng có ngoại lệ, ví như chính phủ Thụy Điển hàng năm phải cho săn bắn bớt hươu nai để giữ cân bằng sinh thái, vẫn chuyện hai mặt của một vấn đề, chúng sinh sôi nảy nở nhiều quá sẽ tàn phá rừng cây non.

Ở Bỉ cũng vậy thôi, muốn có đặc sản ngon, muốn được thư giãn cùng săn bắn như một thú vui giải trí, thì phải biết bảo quản rừng, chăn thả thú trước khi săn bắn có kiểm soát.

Nhưng vì sao săn bắn vào mùa thu đông, phải chăng cây rừng lúc này trơ trụi lá, tầm nhìn rõ hơn? Frank, ông chủ cửa hàng thịt bảo: “Mùa thu kết thúc chu kỳ sinh sôi của vạn vật. Còn khi băng tan đầu xuân cũng là mùa sinh sản, phải để cho muông thú, cây cỏ hồi sinh chứ. Người ta không cho phép săn bắn những con thú đang mang bầu”.

Không cho phép hay không nỡ? Lý do nào cũng khiến tôi liên tưởng nghi lễ làm nhẹ khí sát sinh khi mổ gà của bà. Mùa này, Frank thường mua thịt thú của những thợ săn chuyên nghiệp (có giấy phép đi săn), con nào cũng được đánh số, rõ nguồn gốc. Đó là cách để trấn an khách hàng, không lo ăn phải thịt... lạ!

Người châu Âu dịp Giáng sinh có truyền thống ăn pate gan ngỗng với ổ bánh mì dài kiểu Pháp (baguette). Nhưng để có đĩa pate gan ngỗng, mệnh danh “viên kim cương nâu” của nghệ thuật ẩm thực trên bàn tiệc, phải trả giá gấp hai ba lần các loại pate thường, nhà giàu mới dám ăn.

Lúc này thịt săn nhiều, pate làm từ gan thú rừng cũng trở nên đa dạng hơn, nhiều người chọn pate này thay thế pate gan ngỗng, lạ miệng lại vừa giá, dao động từ 19- 26- 29 euro/kg, cao thấp tuỳ độ hiếm của thú rừng.

Chuyện ăn tạm thế, giờ nói chuyện chơi.

Cuối năm, cộng đồng nói tiếng Hà Lan ở châu Âu bắt đầu tìm kiếm từ ngữ nào được nhắc nhiều nhất 12 tháng qua. Bất ngờ là cuộc tranh luận về Zwart Piet! Đây là nhân vật dân gian có gương mặt bôi đen, môi đỏ, đội mũ gắn lông chim hộ tống Thánh Sinterklaas (tiếng Hà Lan Sinterklaas nghĩa là Thánh Nicholas) đi trao quà cho trẻ em vào ngày 5- 6/12. Gần đây, nổi lên tranh luận Zwart Piet là biểu tượng phân biệt chủng tộc, nên thủ tiêu.

Chồng tôi từng đóng Zwart Piet hồi thiếu niên, cho rằng những người phản đối, đòi giết Zwart Piet đã quá nhạy cảm “Chỉ là bồ hóng thôi mà. Zwart Piet chui xuống từ ống khói, mặt phải đen chứ”. Nhưng người ta sẽ vặn sao Thánh Nicholas - ông già Noel cũng vào nhà từ đường ống khói mà râu tóc và mặt mũi cứ trắng tinh ra?

Nhân vật ngây thơ vui nhộn này bị làm to chuyện, đem ra cả Hội đồng tư vấn của Liên Hợp Quốc để bàn. Người ta còn tạo Facebook lấy ý kiến có nên để cho sống hay xử trảm anh chàng mặt đen. Tôi đối mặt Zwart Piet lần đầu vào tháng 12/2009, đưa con đi học, vừa quay ra khỏi cổng trường bỗng một chú mặt đen, môi đỏ ào tới “Chị ơi, cho tôi ôm chị một cái được không”, “Được chứ”. Chú ôm chầm tôi rồi chạy ào vào con đường rừng có chiếc xe mui trần đợi sẵn, trên xe lố nhố vài chú mặt đen khác, khúc khích. Chắc một nhóm thanh niên thách đố nhau xem ai “hug” (ôm - cách thức tỏ bày yêu thương của người phương Tây) được nhiều người nhất.

Trẻ con vùng nói tiếng Hà Lan xưa nay đã quen và thích thú chờ đón Sinterklaas râu trắng áo đỏ đi cùng Zwart Piet vào tháng 12 rồi. Mà trong mắt trẻ thơ làm gì đã có phân biệt chủng tộc. Từ chuyện này ngẫm ra, nhiều khi người lớn cũng nên theo cách của trẻ thơ, nhìn nhận sự việc ở khía cạnh trong sáng nhất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.