Hôm thứ Tư, theo giờ Mỹ, Tổng thống Trump và đệ nhất phu nhân âm thầm tới Iraq thăm viếng binh lính Mỹ đang đồn trú ở đây nhân dịp năm mới. Trước đây ông Trump từng cười nhạo lời hứa tới thăm một trong các vùng chiến sự là việc ngớ ngẩn và tốn kém.
Mặc dù lần đầu tiên được chứng kiến tận mắt những nỗ lực chiến tranh của quân đội Mỹ ở nước ngoài, ông Trump vẫn cương quyết nói những ngày quân Mỹ can dự quy mô lớn ở nước ngoài đã chấm dứt. Vợ chồng ông Trump đã xuất hiện tại một căn cứ không quân ở phía tây Baghdad lúc nửa đêm để bày tỏ quan điểm giảm can dự của Mỹ vào các xung đột quốc tế.
“Nếu họ muốn chúng ta chiến đấu, họ cũng phải trả giá”, ông Trump nói tại căn cứ Ain al Asad, theo tường thuật của CNN. “Đôi khi đó cũng là cái giá về tiền bạc, bởi vì chúng ta không phải là những kẻ ngốc của thế giới. Chúng ta không là kẻ ngốc thêm nữa, các bạn ạ”.
Sau chuyến bay bí mật xuyên đêm từ Washington, máy bay của ông Trump hạ cánh xuống một sân bay tối đen. Tình hình an ninh phức tạp ở Iraq buộc vợ chồng tổng thống Mỹ phải âm thầm tới Baghdad cho dù quân Mỹ đã đổ tới đây đồn trú từ 15 năm qua.
Ông Trump đã lưu lại đất Iraq trong ba giờ, chụp ảnh với các quân nhân cả nam lẫn nữ bên các bàn tiệc mừng năm mới. Ông để lại sau lưng một mớ vấn đề chưa được giải quyết ở Washington: Chính phủ Mỹ đang phải đóng cửa một số bộ phận vì thiếu kinh phí, nền kinh tế trong nước đang có dấu hiệu không ổn định… Ông chủ Nhà Trắng cũng đang phải đối mặt với các chỉ trích về một loạt các quyết sách ngoại giao, thậm chí đi ngược với quan điểm của đội cố vấn an ninh quốc gia.
Ông cũng tìm cách tránh can dự vào các vấn đề quốc tế mà theo mô tả của ông là sai lầm của những người tiền nhiệm, trong đó có cuộc chiến ở Iraq. Mới đây, ông Trump ra lệnh rút hết 2.000 quân khỏi Syria với lý do IS đã bị đánh bại, và rút một nửa trong số 14.000 quân Mỹ ở Afghanistan, gây ra sự bất mãn trong giới tướng lĩnh và quan chức an ninh quốc gia. Nhưng hôm thứ Tư vừa qua, trong cuộc thảo luận với các quan chức cả quân sự lẫn dân sự tại căn cứ không quân ở Iraq, ông Trump vẫn bảo vệ quan điểm của mình.
Nhưng ông không đề cập kế hoạch nào đối với 5.000 quân Mỹ đang đồn trú ở Iraq để chống IS kể từ năm 2014.
“Vi phạm nguyên tắc ngoại giao”
Sabah al Saadi, lãnh đạo cánh chính trị Islah trong quốc hội Iraq đã yêu cầu cơ quan này họp khẩn để “thảo luận về sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Iraq và ngăn chặn những hành động gây hấn của chính quyền Trump”. “Thời chiếm đóng của Mỹ tại Iraq đã chấm dứt”, thông cáo của nhóm này viết.
Cánh chính trị Bina, đối thủ của nhóm Islah trong quốc hội với nhà lãnh đạo dân quân Hadi al-Amiri được Iran ủng hộ, cũng phản đối chuyến thăm của ông Trump tới Iraq, theo tường thuật của Reuters.
“Chuyến thăm của ông Trump rõ ràng vi phạm chuẩn mực và nguyên tắc ngoại giao, cho thấy thái độ khinh khi và thù địch trong các giao thiệp với chính phủ Iraq”, một thông cáo của nhóm Bina viết.
Trong khi đó, văn phòng thủ tướng Abdul Mahdi ra thông cáo nói chính quyền Mỹ đã thông báo cho lãnh đạo Iraq về chuyến thăm trước khi nó diễn ra. Thông cáo nói thủ tướng Iraq và tổng thống Mỹ đã trao đổi qua điện thoại do “hai bên bất đồng về cách thức tiến hành hội đàm”.
Các nhà lập pháp Iraq nói với Reuters rằng hai nhà lãnh đạo bất đồng về việc nên tổ chức cuộc gặp thế nào: Ông Trump muốn gặp tại căn cứ quân sự Ain al-Asad nhưng ông Abdul Mahdi không đồng ý.
Chuyến thăm Iraq của ông Trump diễn ra trong lúc các căng thẳng giữa Mỹ và Iran, láng giềng của Iraq, đang leo thang.Việc thành lập chính phủ ở Iraq cũng đang đình trệ khi hai nhóm Islah và Bina ngày càng tỏ ra bất hợp tác với nhau.
Mặc dù một số nhân vật chính trị ở Iraq tỏ ra khó chịu với chuyến thăm của tổng thống Mỹ, một số người Iraq khác lại tỏ ra ít quan tâm đến sự kiện này.“Chúng tôi chẳng được gì từ người Mỹ”, một người dân ở thủ đô Baghdad là Mohammad Abdullah nói với Reuters. “Họ đã ở Iraq 16 năm và họ chẳng mang lại cho đất nước này thứ gì ngoại trừ sự tàn phá và hủy diệt”.