Chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Việt Nam từ ngày 14-16/4, theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Ngoại trưởng Blinken trên cương vị hiện nay. Ông Blinken từng thăm Việt Nam năm 2015, khi đang là thứ trưởng ngoại giao.

Chuyến thăm cho thấy Mỹ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam.

Chuyến thăm sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng cường quan hệ Việt – Mỹ theo tinh thần Đối tác toàn diện năm 2013 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ Việt – Mỹ năm 2015, đồng thời triển khai kết quả của cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/3.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken cũng thể hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Nhân dịp này, hai bên sẽ trao đổi về tình hình quan hệ Việt – Mỹ thời gian qua, các biện pháp để duy trì và đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới, nhất là những lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu… góp phần làm phong phú các hoạt động kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực, nhờ nền tảng quan hệ đã được hai bên xây dựng, vun đắp trong 28 năm qua trong tất cả các lĩnh vực, trên cả bình diện song phương, khu vực và quốc tế.

Về chính trị - ngoại giao, hai bên duy trì tiếp xúc, trao đổi đoàn và thông qua nhiều hình thức linh hoạt như điện đàm, trao đổi ở các cấp, nhằm thúc đẩy đà tích cực trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, tăng cường hiểu biết, tin cậy, phối hợp xử lý các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Từ đầu năm nay, nhiều đoàn quan chức cấp cao của Mỹ thăm Việt Nam, như Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, Tổng giám đốc USAID Samantha Power, Giám đốc CDC Rochelle Walensky, đoàn nghị sĩ Mỹ do thượng nghị sĩ Jeff Merkley dẫn đầu.

Hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư tiếp tục đà phát triển ổn định. Thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong đó Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (đạt hơn 109 tỷ USD trong năm 2022), là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (giá trị thương mại song phương năm 2022 đạt 123,86 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021).

Về đầu tư, đến năm 2022, Mỹ xếp thứ 11/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam, với hơn 1.200 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 11 tỷ USD. Các doanh nghiệp lớn của Mỹ tiếp tục quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Hợp tác quốc phòng – an ninh tiếp tục được duy trì và thúc đẩy, hợp tác nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh được ưu tiên cao. Chính quyền và Quốc hội Mỹ tiếp tục tăng ngân sách cho dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa, hỗ trợ người khuyết tật ở các vùng nhiễm độc dioxin, viện trợ cho các dự án rà phá bom mìn.

Về hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên tăng cường phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, IPEF, Liên Hợp Quốc… và các vấn đề toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2023- 2025.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.