Chuyện quen mà lạ giữa đại ngàn: Tiếng chày ở làng Breng

 Thanh niên làng Breng làm cối gỗ
Thanh niên làng Breng làm cối gỗ
TP - Khi máy móc đã thay cho sức lao động, chày cối thuở nào ít nhiều cũng vắng thưa nhưng có một nơi giữa núi rừng, thanh niên đồng bào Gia Rai vẫn miệt mài giữ gìn nghề làm cối gỗ truyền thống. Những chiếc cối gỗ khởi đi từ làng đến khắp các làng và tỉnh khác được đón nhận, thậm chí không có hàng để bán. Nhịp chày tay thuở trước, vẫn thậm thình đến bây giờ…

 Những truyền nhân trẻ

Tây Nguyên gió hanh khô, tôi tìm về làng Breng (xã Ia pết, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) để được sống lại nghề làm cối gỗ của bao chàng trai Gia Rai nơi đây. Cái nắng đầu mùa, mồ hôi nhỏ giọt trên gương mặt rám nắng của Nhun và Thăng (SN 1994, làng Breng). Đôi bàn tay thoăn thoắt bào nhẵn lòng cối sâu, Thăng nói: “Mình học nghề này được mấy năm rồi, bây giờ đã thành thạo. Mỗi ngày chăm chỉ có thể làm được 10 cái cối gỗ. Ngày trước, thời cha ông mỗi ngày làm được 1 cái thôi. Ngày đó, phải dùng cưa tay. Ngày nay có cưa máy, máy bào nên làm nhanh hơn”.

“Cái cối, cái chày có từ bao giờ?”, Nhun cười hiền khô: “Bấy lâu nay, dường như không để ý. Mẹ mình bảo, ngày mẹ còn bé, mẹ đã quấn chân bà bên cái cối, chiếc chày trên sàn nhà. Người Gia Rai siêng năng khéo léo từ xưa. Cái rổ, cái gùi, cái cối cái chày không nhà nào thiếu. Một cối hai chày là bình thường”.

Trước đây, làng có lễ hội là nghe tiếng chày thậm thịch suốt ngày đêm. Người ta giã gạo, giã lá mì. Tiếng giã quen tai đến mức bỗng một ngày khi vắng thanh âm ấy, người ta đem lòng thương nhớ. Hiện nay, đời sống công nghiệp đã đến từng nếp nhà Gia Rai. Người Gia Rai làm quen máy xay, máy xát. Tiếng chày vì thế cứ thưa dần.

Ở xã Ia Pết này chỉ có thanh niên làng Breng làm cối gỗ, các làng khác hầu hết không theo nghề này. Nhun bảo: “Ngày trước mình đi bộ đội, ra quân về học nghề này từ Nhút, anh trai mình. Từ đó, thấy 2 anh em làm được, thanh niên trong làng dần học theo. Đến nay, thanh niên làng này hầu như ai cũng biết làm cối gỗ. Lòng còn vui hơn nữa vì cối giờ được nhiều người quan tâm, để ý. Gắn với những lễ hội truyền thống được làm sống lại, nét đẹp sinh hoạt đời thường của đồng bào ngày xưa được tái hiện thân thương”.

Ngày trước dân làng trồng cao su, cà phê để phát triển kinh tế nhưng thời gian qua giá thành bị sụt giảm nên ngoài việc lên rẫy làm, thanh niên làng Breng làm thêm cối để kiếm thêm thu nhập. Người dân làng Breng thường lấy gỗ tơ nang về làm cối, lấy gỗ tơ nha về làm chày. Khi lượng gỗ khan hiếm họ sử dụng gỗ mít để làm.

Nhun cho biết: “Một chiếc cối có đường kính 40 cm. Việc khó nhất trong việc làm cối gỗ là khoan lỗ, vì rất khó đi đường tròn để làm miệng cối. Một chiếc cối đẹp là khi được bào nhẵn, mịn và không bị nứt mạt gỗ. Khi bán sẽ được giá thành cao hơn. Hiện nay mỗi chiếc cối dao động từ 250 đến 500 nghìn đồng/chiếc. Chày được bán với giá 120 đến 150 nghìn đồng/cái”.

Nhịp chày thân thương

Trong đêm cao nguyên, tiếng chày vang vọng, cộng hưởng  rộn ràng. Không biết từ lúc nào, hình ảnh những người đàn ông rắn rỏi, miệt mài đục đẽo bên những thanh gỗ, thiếu nữ nhịp nhàng vung chày giã gạo bên cối gỗ đã trở thành biểu tượng con người và cuộc sống lao động cần cù, nơi đại ngàn nắng gió.

Người Tây Nguyên có thói quen giã gạo vào sáng sớm và giã vào những đêm trăng. Những ngày bận lên nương gieo hạt, trỉa bắp, ban đêm mới là thời gian đâm giã, nên tiếng chày thường vọng
về đêm.

Theo già Pơh (huyện Đắk Đoa) cối chày hóa thành mảng hồn làng. Tiếng chày có bao điều kỳ diệu. Nhiều khi đóng vai trò ông mai bà mối cho bao đôi trai gái nên vợ, nên chồng. Lũ con trai chưa vợ nghe tiếng chày rất tinh. Họ nghe tiếng chày mà biết người giã là thiếu nữ hay đã con đàn, con đống. Tiếng chày của thiếu nữ, âm thanh gọn, nhịp nhanh đều và rắn rỏi như có sức quyến rũ khác nữa. Các cô gái Gia Rai muốn qua tiếng chày gửi đi một thông điệp về tài đức của mình đến chàng trai. Các chàng trai theo lời mách bảo của thanh âm ấy mà tìm đến nàng bên cối giã. Họ xin giã cùng cô gái mình ưng bụng. Có chàng còn cố tình để gạo trong cối bắn ra ngoài để được nghe lời trách và ngồi nhặt, đây chính là cái cớ để được ở lâu hơn nữa bên cối giã với người đẹp. Vì thế người Gia Rai xem cối như một vật thiêng, phải giữ gìn cẩn thận. Sau khi giã xong cối phải úp ngay xuống sàn, chày xếp ngay lên giá, đặt trước và song song với hiên nhà không được dựng đứng. Người Gia Rai tối kị ngồi lên miệng cối.

Trước đây vùng đất Tây Nguyên là rừng già mênh mông, tìm cây gỗ làm cối là việc đàn ông nhắm mắt cũng làm được. Họ làm cối bằng cây mít hoặc lộc vừng, chày làm bằng cây Kơ nia. Cây Kơ nia mọc bạt ngàn, người ta chỉ việc đẵn 1 cây thân to bằng bắp chân người lớn, cầm vừa tay là được. Đời một chiếc cối có khi dài hơn cả một đời người. Với người Gia Rai, M’nông, Xê Đăng, Êđê…không có thứ gì không đi qua miệng cối trước khi đến với bữa ăn gia đình, từ gạo, bắp, lá mì, ớt, tiêu rừng…vắng tiếng chày là làng đói. Tiếng chày là âm thanh no ấm, là niềm kiêu hãnh âm thầm của nhà này với nhà khác, làng này với làng khác. Theo phong tục của người Tây Nguyên việc chế tác chày cối bao giờ cũng là đàn ông, sử dụng bao giờ cũng là người thuộc
phái nữ.

Cứ như thế, nhiều năm qua làng Breng ngoài giờ lên rẫy, thanh niên làng lại tập trung trước cửa nhà để làm cối gỗ truyền thống. Giữa cuộc sống hiện đại nhộn nhịp, thanh niên làng vẫn say mê giữ gìn nghề cổ. Họ bảo nhu cầu người dân dùng vẫn cao, nghề này giúp họ có thu nhập ổn định.

Hằng ngày, sau khi làm xong cối gỗ, anh Nhun sẽ chở vào các làng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện và các huyện lân cận như Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ…để bán. Nhờ công việc này, Nhun tự xây cho mình một căn nhà khang trang. Người làng Breng cũng hỗ trợ nhau để đưa sản phẩm ra thị trường. Đối với những hộ không có điều kiện chở đi bán, sẽ có hộ đứng lên thu mua để đưa sản phẩm đến các làng đồng bào khác.

Khi hoàng hôn phủ khắp làng người Gia Rai, những thiếu nữ nhịp nhàng vung chày. Cơn gió khẽ đi qua từng tán lá... truyền âm thanh no đủ ấy neo vào lòng du khách.     

          (Còn nữa)

Chuyện quen mà lạ giữa đại ngàn: Tiếng chày ở làng Breng ảnh 1 Cối, chày được người đồng bào sử dụng trong các lễ hội 

 Già Pơh cho biết, từ bức tranh lao động chung của làng là những câu chuyện mưu sinh của nhiều gia đình. Nơi đây làng Breng làm cối gỗ, làng Ngơm Thung dệt thổ cẩm, đan gùi truyền thống. Điều này đã góp phần giữ gìn và lưu giữ được nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên.

MỚI - NÓNG