Chuyện quanh 'cụ' dã hương ngàn tuổi

Chuyện quanh 'cụ' dã hương ngàn tuổi
TP - Cây dã hương ngàn tuổi ở xã Tiên Lục (Lạng Giang, Bắc Giang) hiện đang được chăm sóc đặc biệt để chống lại bệnh tật tuổi già. Nhờ cây quý, dịch vụ bán cây, con giống, thậm chí bán cây dã hương cỡ to cho các biệt thự, cũng manh nha xuất hiện.

>> Chuyện về 'cụ cây' hơn 1.000 tuổi ở Việt Nam

Cây dã hương ngàn tuổi ở Tiên Lục (Bắc Giang)
Cây dã hương ngàn tuổi ở Tiên Lục (Bắc Giang) . Ảnh: M.H

Dịch vụ ăn theo

Xe chúng tôi chỉ vừa chớm đỗ trước khu di tích thuộc thôn Giữa (xã Tiên Lục), nơi có cây dã hương ngàn tuổi, đã có người chạy ngay đến nhiệt tình mời vào xem cây quý. Từ xa đã nhìn thấy ngọn cây dã hương xanh mát tỏa bóng, mùi dã hương hăng hắc lan tỏa một vùng. Người mời chào là ông Nguyễn Văn Đề, đã nhiều năm nay gắn bó, trông coi cụ dã hương.

Ông Đề làm nghề cây cảnh nhiều năm nay. Gần đây ông tập trung vào ươm tạo giống cây dã hương. Trong vườn nhà ông có vài chục gốc dã hương cỡ nhỏ và vừa. Theo ông Đề, có thể trồng dã hương bằng cách giâm cành hoặc gieo hạt. Cây gieo bằng hạt chăm sóc công phu, tốn kém hơn. Đợt rét vừa qua một số cây ươm từ hạt không chịu được lạnh đã bị táp lá rồi chết.

Chỉ vào hơn chục bầu dã hương cỡ nhỏ xếp trong sân, ông Đề khoe, trước Tết đã có khách hàng ở Hải Phòng mua vài chục cây với giá 100.000 đồng/cây. Cây to hơn lên đến vài trăm, vài triệu đồng.

“Tôi cũng có cây to bán nếu quý khách có biệt thự. Đã có rất nhiều chủ biệt thự về đây đặt mua cây. Chỉ cần thông báo với chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng cung cấp” - Ông Đề nói.

Cũng theo ông Đề, xung quanh cây dã hương ngàn tuổi này trước kia là cả một vùng dã hương cổ thụ rộng lớn. Sau này người ta chặt phá, chỉ còn lại duy nhất cụ dã hương ngàn tuổi. Trong vùng vẫn còn rải rác các gốc dã hương cổ. Từ các gốc cây cổ đào được trong vùng, ông Đề ươm tạo nên các cây con. Ông cũng dùng các gốc cổ thụ để tạo hình bonsai như hình kỳ lân, hình hổ, rồng, v.v…

“Không mua ngay gốc này là qua rằm không có để mua đâu. Đã có rất nhiều người nhắm gốc này rồi” - chỉ vào chậu dã hương cảnh hình con lân, ông Đề nói.

Theo bà con trong vùng, mùi thơm hăng hắc đặc biệt của lá cây dã hương có tác dụng đuổi muỗi. Mấy năm gần đây, số lượng khách thập phương có nhu cầu mua cây dã hương về trồng ở vườn nhà ngày càng tăng, nhất là những khách hàng có biệt thự, bởi ngoài những lý do trên, cây dã hương còn biểu tượng cho sức mạnh, sự trường tồn.

Vùng đất Tiên Lục, được người dân nơi đây coi là đất thiêng với sự hiện diện suốt một nghìn năm qua của cây dã hương quý nên được nhiều người tìm về tham quan và mua giống cây với mong muốn cây sẽ đem tới an lành và tuổi thọ.

Nhờ có nhiều người tới tham quan mà dịch vụ bán cây cảnh của ông Đề cũng ăn nên làm ra. Ăn theo cụ dã hương, xã còn mở thêm dịch vụ căng tin phục vụ ăn uống, giải khát cho khách.

Chống chọi bệnh tật

Dù trông bên ngoài lá vẫn còn xanh tốt nhưng kỳ thực, nhiều năm qua cụ dã hương đã phải chống chọi với rất nhiều bệnh tật và tai nạn.

Theo người dân Tiên Lục, cách đây gần 20 năm, cây dã hương đã bị đốt cháy một lần do trẻ con nghịch ngợm. Sau nạn lửa lại đến nạn mối. Bắt đầu từ năm 2006, cây dã hương lại bị dịch sâu cước ăn lá hoành hành.

Thực ra, từ năm 2000, chính quyền huyện Lạng Giang đã có ý thức mời các nhà khoa học thuộc Trung tâm Đa dạng sinh học, ĐH Nông nghiệp Hà Nội thực hiện đề tài xác định tên, tuổi, phương hướng bảo tồn cây dã hương quý hiếm này. Nhiều bài thuốc đã được áp dụng để chữa bệnh cho cây, từ thả các loài động vật và côn trùng có lợi cho cây như tắc kè, thạch sùng, nhái, cóc đến tưới, bón phân...

Các nhà khoa học cũng giúp dân cách phòng chống nạn mối là nguyên nhân chính khiến thân cây mục ruỗng. Tuy nhiên đến nay chưa có phương pháp nào thực sự diệt trừ được tận gốc nạn mối và sâu cước.

Phương pháp nhanh chóng nhất là phun thuốc thì không được khuyến khích vì độc hại và khiến các loại chim làm tổ trên cây cũng bị tiêu diệt. Mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang đã đề xuất thêm biện pháp tạo dựng các tổ kiến ở trên cây dã hương để tiêu diệt loài sâu cước này.

“Chúng tôi vẫn ngày đêm tìm cách giúp cây chống đỡ bệnh tật, ngăn chặn khách tham quan bứt lá, vẽ lên cây… Còn cây là còn lộc” - Ông Đề nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG