Chuyện quả vải 'băng rào' COVID -19 sang Nhật Bản

Chuyên gia Takayama Shigeaki của Nhật Bản và Cục trưởng Cục BVTV kiểm tra hệ thống xử lý khử trùng
Chuyên gia Takayama Shigeaki của Nhật Bản và Cục trưởng Cục BVTV kiểm tra hệ thống xử lý khử trùng
TP - Năm 2020 khép lại với nhiều dấu ấn nổi bật của Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT trong đàm phán, mở cửa thị trường rau quả, khi lần lượt thạch đen lần đầu tiên xuất chính ngạch sang Trung Quốc, thanh long ruột đỏ “đi” Hàn Quốc, bưởi tươi sang Chi Lê… Đặc biệt, đằng sau những lô vải tươi đầu tiên xuất sang Nhật Bản có nhiều câu chuyện thú vị trong bối cảnh bủa vây của dịch COVID-19.

Cả nước có khoảng 42.000 ha trồng vải, tổng sản lượng trên 230.000 tấn, tập trung nhiều nhất Hải Dương và Bắc Giang. Lâu nay, vải chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng BVTV, nhằm đưa quả vải đến những thị trường có giá trị xuất khẩu cao hơn, năm 2017, Bộ NN&PTNT chính thức đề xuất với phía Nhật Bản cho phép xuất vải sang thị trường này sau 2 năm chuẩn bị hồ sơ kỹ thuật. Cục BVTV cũng là đơn vị “lĩnh xướng” nhiệm vụ đàm phán, khai mở thị trường này cho quả vải.

Được sự thống nhất của Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF), hai bên đã đàm phán, thảo luận về các biện pháp kỹ thuật mà Việt Nam phải thực hiện để có thể xuất vải sang Nhật.

Trong 2 năm 2018 và 2019, Cục BVTV đã xây dựng các phương án kỹ thuật, thiết kế và thực hiện các thí nghiệm xử lý khử trùng theo đúng tiêu chuẩn của Nhật… Cục BVTV cũng đã phối hợp với các địa phương lên danh sách các vùng trồng vải dự kiến sẽ xuất sang Nhật, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật địa phương về các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại, quản lý vật tư đầu vào, kiểm soát tốt dư lượng thuốc BVTV khi quả vải được xuất khẩu.

Sau gần 3 năm nỗ lực, tháng 12/2019, MAFF thông báo chính thức mở cửa – tấm visa cho vải thiều Việt Nam đi Nhật đã hoàn tất trong niềm vui của những người trồng vải và đơn vị khai mở thị trường.

Tưởng chừng như mọi thứ “thuận buồm xuôi gió”, thì dịch COVID-19 ập đến. Nhất là giai đoạn tháng 3/2020, dịch diễn biến phức tạp ở Việt Nam và bùng phát mạnh tại nhiều nước trên thế giới. Lúc này, nhiều quốc gia có chuyên gia làm việc tại Việt Nam đều thực hiện chính sách bảo hộ công dân, đưa chuyên gia về nước.

“Nếu không có chuyên gia của Nhật giám sát, vải không thể xuất đi Nhật. Cùng đó, nhiều thông tin trái chiều gây hoang mang cho bản thân nông dân trồng vải”, ông Trung chia sẻ về áp lực tình thế “hiểm nghèo” khi vụ vải cận kề thu hoạch.

Bộ NN&PTNT đã nhanh chóng chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương một mặt trấn an dư luận, quyết tâm bằng mọi giá phải giữ được vùng trồng đạt tiêu chuẩn. Mặt khác, Bộ liên tục trao đổi với MAFF của Nhật qua thư điện tử, họp trực tuyến và các cơ quan hữu quan để đưa chuyên gia Nhật sang Việt Nam.

Đến cuối tháng 5/2020, sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Bộ NN&PTNT, tỉnh Bắc Giang đồng loạt gửi văn bản kiến nghị và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho phép chuyên gia của Nhật sang Việt Nam bằng chuyến bay đặc biệt – có 1 hành khách và chở hàng của Vietnam Airline.

Nút thắt được tháo gỡ và rồi ngày 3/6, chuyên gia Nhật đến Việt Nam, được cách ly y tế 14 ngày tại Bắc Giang… Ngày 18/6, vị chuyên gia đã giám sát những lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản.

Theo Cục BVTV, kết thúc vụ vải 2020, tới 37 lô với gần 50 tấn vải tươi đã được xuất sang Nhật (với giá bán buôn tại thị trường này tới 250.000 đồng/kg). Con số ban đầu này dù chưa lớn, nhưng đã tạo hiệu ứng tích cực, giúp các doanh nghiệp yên tâm thu mua toàn bộ nguyên liệu vải cho nông dân trong vùng đã cấp mã số để xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU, Singapore, Hồng Kông…  

Cục BVTV đang trong quá trình đàm phán để thực hiện các bước cuối cùng trong việc mở cửa thị trường quả bưởi sang Mỹ; sầu riêng và khoai lang sang Trung Quốc. Năm 2021, ngoài việc tiếp tục tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường xuất khẩu cho các loại quả tươi, nhất là thị trường Trung Quốc, Cục sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra và cấp mã số vùng trồng cho rau quả tươi xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.