Chuyện ở quán nhạc vàng, băng cối

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhạc sỹ Thái Thịnh đã về Việt Nam sinh sống, ông mở quán cà phê nhỏ mang tên Tơ Vàng giữa Sài Gòn sôi động. Nơi đây đón tiếp rất nhiều tên tuổi gắn bó với nhạc xưa như nhạc sỹ Hàn Châu, nhạc sỹ Ngọc Sơn, nhạc sỹ Tiến Luân, danh ca Chế Linh, danh ca Như Quỳnh, “nữ hoàng phòng trà” Lệ Quyên…

Nhắc tới Thái Thịnh là nhắc tới ba bản “hit” làm mưa, làm gió khắp thị thành tới nông thôn. Một là “Duyên phận”: “Phận làm con gái chưa một lần yêu ai/Nhìn về tương lai mà thấy như sông rộng đường dài…”. Hai là “Nếu em được chọn lựa”, Lệ Quyên đã hát mấy năm nay: “Nếu bây giờ được chọn lựa một lần nữa/Thì chắc có lẽ vẫn yêu anh như ngày xưa…”. Ba là “Để nhớ một thời ta đã yêu”: “Hạnh phúc trong tầm với đã không còn tới khi vắng em trong đời/Tìm đến chân trời mới vẫn thương một thời giờ đã xa ngàn khơi…”. Cả “Duyên phận” hay “Nếu em được chọn lựa”, “Để nhớ một thời ta đã yêu” đều là những nhạc phẩm giúp tiếng hát Lệ Quyên bay xa nên không có gì ngạc nhiên khi “Nữ hoàng phòng trà” cùng người tình trẻ tuổi từng ghé Tơ Vàng và chụp loạt ảnh kỷ niệm ở không gian tuy không rộng nhưng đậm hoài cổ này.

Từ Hà Nội đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi nhờ bác xe ôm đưa đến cuộc hội ngộ với nhạc sỹ Hàn Châu, nhạc sỹ Tiến Luân và con trai “Ông hoàng Bolero” Trúc Phương - Trúc Lê. Theo gợi ý của Trúc Lê chúng tôi cùng đến quán Tơ Vàng của nhạc sỹ Thái Thịnh. Tên tuổi của Thái Thịnh phủ sóng song Tơ Vàng nằm khiêm nhường, lặng lẽ, không phô trương, không mời gọi.

Thái Thịnh niềm nở đón khách. Đáp lại câu hỏi của tôi, “mở Tơ Vàng với mục đích gì?”, Nhạc sỹ trải lòng: “Mở quán để làm chốn giao lưu các nghệ sỹ thôi, chứ còn bán buôn chả bao nhiêu”. Nhạc sỹ Hàn Châu, một trong những nhạc sỹ tự tin sống tốt nhờ thu nhập từ tác quyền, nói vui: “Thì lĩnh tác quyền là được rồi”.

Ông còn đùa chỉ riêng “Nếu em được chọn lựa” đã đưa lại cả tỉ bạc mỗi quý cho “cha đẻ” của nó. Thái Thịnh chỉ cười trước lời của đồng nghiệp lớn tuổi. Tôi cũng tò mò vì sao Thái Thịnh quyết định về Việt Nam sinh sống, sau bao năm ở xứ người. Ông giải thích đơn giản: “Bạn bè ở đấy hết rồi nên tôi cũng về thôi. Bây giờ chủ yếu tôi ở đây, có việc thì chạy về Mỹ giải quyết rồi lại về”. Nói xong, ông đưa cho nhạc sỹ Hàn Châu gói đường nhỏ “xách tay” từ Mỹ: “Cái này của chú”. Tác giả “Hạ thương” đang trong tâm trạng thoải mái nên “tự thú”: “Sáng cà phê rồi nhưng bây giờ cà phê nữa cũng không sao”. Trên bàn trà có bao thuốc lá bình dân sản xuất trong nước và chiếc bật lửa. Trong ba nhạc sỹ chỉ còn Thái Thịnh dùng thuốc lá.

Ngày xưa nề nếp, đâu ra đó

Trước khi đến Tơ Vàng, anh Trúc Lê bật mí với tôi: “Ở Tơ Vàng có nhiều món độc lắm”. Nhưng món độc nhất ở đây không phải đường “xách tay” để uống cà phê hay mấy món nước ép, sinh tố chị em vẫn thích, mà chính là âm nhạc. Trong quán có biển màu vàng ghi chú: “Không gian nghe nhạc vui lòng nói nhỏ. Không yêu cầu vẫn nhắc nhở. Xin cáo lỗi nếu không phù hợp với quý vị”. Có thể nhắc nhở này cũng làm hạn chế khách tới đây. Nhưng chủ nhân của nó hình như chẳng bận tâm về lượng khách.

Hàn Châu giới thiệu với tôi, một kẻ ngoại đạo: “Ở đây, ông ấy (tức nhạc sỹ Thái Thịnh - PV) chơi toàn băng cối và nhạc cũ trước 75. Toàn đồ cổ”. Tôi nhìn theo phía Hàn Châu chỉ, còn thấy bộ sưu tập máy ảnh rồi đồng hồ “thời xa vắng”. Lúc này, giọng hát Evis Phương của thời thanh xuân sôi nổi vang lên… Nhạc sỹ Thái Thịnh xác nhận, có những món đồ, những bản nhạc ở đây ra đời trước cả ông. Bây giờ thuộc hàng hiếm, khó tìm.

Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, tác giả “Nếu em được chọn lựa” đưa một thông tin nóng của làng ca hát: “Mới xảy ra chuyện ồn ào trên mạng liên quan Tuấn Ngọc. Trời ơi, trên mạng phản đối dữ lắm. Đỗ Trung Quân bênh Tuấn Ngọc bị chúng nó xúm vào cào cấu còn hơn cả cào cấu Tuấn Ngọc nữa”. Thái Thịnh kể đến đây, Hàn Châu, Tiến Luân, Trúc Lê đều cười.

Người lớn tuổi nhất trong bàn trà chính là nhạc sỹ Hàn Châu, ông bình luận: “Mình ngồi một chỗ là chắc ăn. Không nói gì cũng không đi ra khỏi nhà nữa, không bước vào vòng lộn xộn”. Nhạc sỹ Thái Thịnh tiếp lời Hàn Châu: “Mạng bây giờ ghê gớm lắm. Mình chỉ cần nói hớ cái gì, hơi hớ một chút, là nguy ngay. Cũng thân Tuấn Ngọc mà mình chỉ an ủi thôi kệ, chuyện xảy ra rồi thì im đi, nói vô làm chi. Lên mạng không nên gây lộn vì đông con nít, chúng nó đâu biết tuổi tác ai ra ai, mặt mũi ai ra ai đâu? Chúng chửi mình không ra cái gì ngay. Tội chi mà đi gây lộn, trời ơi”.

Tôi nhắc đến một ồn ào mới xảy ra với người hát thành công nhất “Duyên phận” của Thái Thịnh: “Chị ấy mời một nữ ca sỹ bị coi là “bản sao” cùng hát chung trong liveshow nên bị một bộ phận fan phản đối quyết liệt”. Hoá ra các nhạc sỹ đều biết chuyện này và quan tâm không kém. Nhạc sỹ Hàn Châu bình luận: “Là bản sao của Như Quỳnh nhưng dở hơn”.

Ông tiết lộ từng đề nghị ca sỹ này thâu một bài của ông nhưng đã mất hứng sau khi cô ấy đáp lời. Tác giả của rất nhiều ca khúc được yêu thích: “Cây câu dừa”, “Về quê ngoại”, “Hạ thương”, “Thành phố sau lưng”… hơi buồn khi so sánh một số giọng hát bolero trẻ hiện nay với những danh ca hát dòng nhạc này trong quá khứ: “Ca sỹ xưa giỏi “vỡ” bài lắm. Họ còn làm mình kinh ngạc vì nâng hẳn ca khúc của mình lên. Tôi từng nói với một nam danh ca: Bài hát của tôi có thế này thôi mà sao anh lại hát hay thế.

Còn ca sỹ trẻ bây giờ, có những người không có khả năng “vỡ” bài, nhạc sỹ phải chỉ tới chỉ lui hoài cũng nản”. Hàn Châu còn buồn vì không ít ca sỹ trẻ hôm nay đi lên nhờ “nhái” hình tượng của người nổi tiếng: “Nhái” nhiều quá. Không chỉ “nhái” giọng, “nhái” phong cách mà còn nhái cả tên luôn. Đã có Tuấn Vũ mà lại còn có T.T. Vũ, cứ thế thì sao khá được?”.

Nhưng bây giờ liệu ca sỹ trẻ có còn quan tâm đến nhận xét của các nhạc sỹ già? Nhạc sỹ Tiến Luân nhớ tiếc quá khứ: “Xưa các nghệ sỹ nề nếp đâu ra đó, có trên có dưới. Bây giờ một số tụi nhỏ dạy đời không à!”. Nhạc sỹ Thái Thịnh bình luận: “Một số tụi nhỏ đứng trên sân khấu hay là lên báo, lên đài nói quá trời nói luôn. Cho dù cô cậu khen ai đó nhưng chung quy lại cũng tự khen mình không à!”.

Nhạc sỹ Hàn Châu cũng cho rằng: “Một số tụi nhỏ bây giờ chưa nổi tiếng đã làm bộ rồi. Giao Linh tên tuổi như thế mà không năm nào không lì xì cho 2 ông già này, tôi và Tiến Luân, mỗi người một triệu đồng”. Sống thoải mái nhờ âm nhạc song tác giả “Hạ thương” phấn chấn, tự hào mỗi khi nhắc đến lì xì dịp tết của “Nữ hoàng sầu muộn”.

Song các nhạc sỹ lớn tuổi cũng ghi nhận, hiện nay có một số nghệ sỹ trẻ đáng chú ý. Nhạc sỹ Thái Thịnh khen ca khúc được giới trẻ hiện nay yêu thích, “Ai chung tình được mãi”: “Bài này nhiều câu thấm lắm, như “Đôi khi ta gặp nhau để dạy nhau cách sống trong khổ đau…”. Thái Thịnh kể, ban đầu ông không để ý “Ai chung tình được mãi” nhưng khi được Lệ Quyên hát cho nghe, ông đã bị ca khúc này chinh phục.

Chuyện ở quán nhạc vàng, băng cối ảnh 1

Trúc Lê, Tiến Luân, Thái Thịnh, Hàn Châu (từ trái qua)

Nhạc sỹ Thái Thịnh tiếc cho Bùi Anh Tuấn, cho Hoài Lâm, có giọng hát tốt mà không thể toả sáng hơn nữa, thậm chí còn có chiều hướng dừng lại và đi xuống. Nhạc sỹ Hàn Châu hỏi tôi: “Vừa rồi cô đi xem cái chương trình rực rỡ của Hà Anh Tuấn, có hay không?” (Ông không nhớ tên live concert “Chân trời rực rỡ”). Tôi khen Hà Anh Tuấn đưa “Tình ca” của Phạm Duy tới với khán giả trẻ.

Cũng khen Hà Anh Tuấn luôn nhớ giới thiệu tên tác giả ca khúc mà anh chọn trình bày, điều này tưởng đơn giản song bây giờ ít ca sỹ chu đáo. Nhạc sỹ Tiến Luân phân tích: “Vì nhắc tới nhạc sỹ thì ca sỹ ngày xưa rất trân trọng. Bây giờ khác nhiều”. Ông ngậm ngùi kể: Có ca sỹ thành công từ nhạc phẩm của ông mà ông còn không thể nào liên lạc trực tiếp. Ca sỹ có danh bây giờ thường có quản lý giúp mọi việc, không như thời Giao Linh, Thanh Tuyền… ngày xưa.

Hát hay chưa chắc đã ăn khách và ngược lại

Từ dàn đồ cổ, giọng Thanh Tuyền thời son trẻ vang lên: “Em ơi, nếu mộng không thành thì sao? Non cao đất rộng biết đâu mà tìm…”. Các nhạc sỹ đều nể phục vì đến bây giờ khi tuổi đã cao mà Thanh Tuyền hát “vẫn ngon”. Nhạc sỹ Hàn Châu chia sẻ quan điểm: “Hát thì phải ngân được. Trong tất cả mọi chuyện không có ngân thì không phải âm thanh mà chỉ là tiếng động.

Chẳng hạn đồng xu liệng xuống sàn thì là âm thanh nhưng tàu dừa rớt bịch một cái xuống đất chỉ là tiếng động thôi”. Con trai nhạc sỹ Trúc Phương tán thưởng giọng hát của danh ca Hoạ Mi: “Bà ấy hát ở ngoài hay hơn trên sân khấu nhiều”. Nhạc sỹ Hàn Châu không phủ nhận nhưng khen một cái tên khác trong quá khứ: “Giọng Sơn Ca tinh tế hơn nên Hoàng Thi Thơ mới lăng xê trước. Giọng ăn khách khác, giọng hay khác. Chứ không phải cứ hay là ăn khách và ngược lại”.

Chuyện ở quán nhạc vàng, băng cối ảnh 2

Những góc trong quán “Tơ vàng”

Nhắc đến cố nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ, nhạc sỹ Thái Thịnh cười: “Bác Hoàng Thi Thơ thích đặt nghệ danh cho các ca sỹ bằng tên chim, như Sơn Ca hay Họa Mi. Nếu còn dìu dắt thêm cô nào nữa thì còn đặt tên một loài chim nữa”. Khác với Hoàng Thi Thơ, nhạc sỹ Nguyễn Đức ngày ấy lại chuộng nghệ danh “Phương Hồng” nên mới có Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Ngọc, Phương Hồng Quế… Giọng hát Thanh Thuý vang lên trong quán với nhạc phẩm “Hai chuyến tàu đêm” của Trúc Phương khiến Trúc Lê gật gù: “Hay quá. Nhưng cô Thanh Thúy hát “Nửa đêm ngoài phố” mới là đỉnh cao, hay nổi da gà”. Nhạc sỹ Hàn Châu tán đồng nhận xét của Trúc Lê về nữ danh ca được bầu chọn là “hoa hậu nghệ sỹ” một thuở: “Thanh Thuý giọng thổ lạ, mỗi khi bà cất giọng ca bài “Nửa đêm ngoài phố” tôi lại lạnh cả người”.

Nói đến đây Hàn Châu hát khe khẽ: “Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời/Đường phố vắng đêm nao quen một người…”. Tôi bất ngờ với giọng hát như ca sỹ chuyên nghiệp của Hàn Châu. Ông bảo: “Tôi hát cũng được nhưng đã là gì đâu! Cô biết Nhật Trường (Trần Thiện Thanh) “tứ trụ nhạc vàng” rồi chứ gì! Còn nhạc sỹ Thanh Sơn, “Nỗi buồn hoa phượng” nữa, ông ấy là ca sỹ trước khi là nhạc sỹ”.

MỚI - NÓNG