Chuyện những người mê khỉ rừng Sơn Trà

Gia đình voọc chà vá chân nâu. Ảnh: Thái Hồng Kỳ.
Gia đình voọc chà vá chân nâu. Ảnh: Thái Hồng Kỳ.
TP - Họ là những nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên có tình yêu đối với hệ sinh thái đa dạng trên đỉnh Sơn Trà, đặc biệt là về các loài khỉ. Họ gác mọi vướng bận của cuộc sống, lên núi ngắm khỉ, chơi với khỉ và ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp về chúng.

Triển lãm về loài khỉ

Trong ngày đầu tiên năm 2016, lần đầu tiên tại Đà Nẵng, cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật về hệ sinh thái rừng Sơn Trà do Trung tâm văn hóa thành phố phối hợp cùng Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng và CLB Nhiếp ảnh nghệ thuật sông Hàn đã được tổ chức. 104 bức ảnh chụp về các loài động, thực vật được trưng bày ở chân cầu Rồng để người dân và khách du lịch có dịp chiêm ngưỡng. Triển lãm có nhiều tác phẩm sinh động về các loài khỉ vàng, khỉ mặt đỏ và đặc biệt là voọc Chà Vá chân nâu, loài được mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng” có nhiều ở đỉnh Sơn Trà.

Triển lãm khai mạc đúng vào dịp Tết dương lịch nên thu hút sự tham quan của nhiều người. Tất cả 28 tác giả cùng có mặt để giới thiệu các tác phẩm của mình đến với những người mê nghệ thuật nhiếp ảnh và yêu động vật. Anh Thái Quán Chúng, thành viên ban chủ nhiệm CLB không giấu nổi sự xúc động: “Vui lắm, hạnh phúc tràn trề. Anh em theo đuổi nhiếp ảnh hai chục năm nay. Đã từng chụp nhiều về con người, danh thắng ở Đà Nẵng nhưng đây lại là lần đầu mở triển lãm sinh thái rừng Sơn Trà. Mấy hôm sắp diễn ra triển lãm, thời tiết Đà Nẵng mưa gió cả ngày nhưng đến hôm nay thì trời tự nhiên ráo hoảnh, anh em ai cũng phấn khởi trưng ảnh ra”.

Chuyện những người mê khỉ rừng Sơn Trà ảnh 1

Các nhiếp ảnh gia CLB Nhiếp ảnh nghệ thuật sông Hàn trong lần tác nghiệp ở rừng Sơn Trà. Ảnh: CLB cung cấp.

Anh Chúng theo đuổi nhiếp ảnh hơn chục năm nay. Gia tài của anh có hàng ngàn bức ảnh đẹp về cầu Rồng, cầu sông Hàn, Non nước Ngũ Hành Sơn,… Nhưng mãi đến đầu năm 2010, anh mới bắt đầu chụp về các loài khỉ ở Sơn Trà. Từ đó, tuần nào anh cũng 5 đến 7 chuyến lên núi để ngắm khỉ. Có hôm lên xuống hai lần trong một ngày. Cũng vì lẽ đó, thói quen, thức ăn hay quán tính của từng loài, anh nắm rõ như lòng bàn tay.

Anh Chúng nói, trong các loài có ở Sơn Trà thì khỉ vàng là nhát nhất, thấy tiếng động là lập tức núp vào lùm cây. Còn voọc Chà Vá chân nâu thì khá thân thiện với người. Chúng có bộ lông và khuôn mặt rất đẹp. Muốn gặp được khỉ thì nên đi vào hai thời điểm từ 8-9h sáng và 3- 4h chiều. Đây là hai thời điểm khỉ thường ra theo đàn để kiếm ăn và chơi đùa. Các thời điểm khác, con người rất khó thấy được chúng.

Anh Huỳnh Anh, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh sông Hàn cho biết, các loài khỉ khá hiếu động. Người chụp có thể may mắn bắt được ngay khoảnh khắc ưng ý nhưng có khi phải mất hàng tháng, thậm chí cả năm trời đội nắng mưa mới có được tác phẩm ưng ý. Khỉ thường đi theo đàn và thân thiện với con người nên có những hôm lên đến đỉnh mà chẳng thấy mặt mũi chúng đâu, anh đều có linh cảm chuyện chẳng lành đã đến với chúng. “Thường thì khi thấy người, cả đàn sẽ ló đầu chăm chú nhìn mình, thậm chí còn trêu chọc người. Nhưng có những lúc năm sáu hôm liền không thấy chúng xuất hiện thì mình biết đêm hôm trước, đã có người lạ mặt săn bắt chúng”, anh Huỳnh Anh nói.

Chuyện những người mê khỉ rừng Sơn Trà ảnh 2

Mẹ con nhà voọc Chà Vá bay trên không. Ảnh: Nguyễn Đăng Đệ.

Cảm động tình mẫu tử của loài khỉ

Trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Châu Liên là một trong ba “tay máy” nữ hiếm hoi mê mệt với loài voọc Chà Vá chân nâu. Chị Liên hiện là giáo viên trường Tiểu học Lý Công Uẩn nhưng cuối tuần nào cũng tranh thủ ba bốn tiếng lang thang ở đỉnh Sơn Trà. Với chị, lên núi nhiều lần không hẳn chỉ là để chụp ảnh. Cuộc sống thường ngày lắm bộn bề nên chị chạy xe lên núi để tận hưởng không khí trong lành của đất trời, xem những câu chuyện ý nghĩa qua sinh hoạt của những chú khỉ. “Khỉ là loài dễ thương và gần với con người nhất. Nhiều khi bắt gặp cảnh tượng khỉ mẹ cho con bú, chăm sóc tỉ mỉ cho con, bản năng người mẹ trỗi dậy khiến mình cảm động rơi nước mắt. Ai đó nếu một lần thấy cảnh tượng sáng sớm cả đàn khỉ tập trung thành đàn để uốn lượn, chuyền cành chào đón thành viên mới chào đời thì mới thấy chúng đáng yêu đến chừng nào”, chị Liên tâm sự.

Chị kể những lần dở khóc dở cười khi đối mặt với khỉ. Đó là những hôm chị mặc bộ đồ đỏ lên núi, đang mải mê ngắm cảnh thì hoảng hốt phát hiện ra mình đang trở thành “tầm ngắm” của các chú khỉ. Từ các lùm cây, những cái đầu ngóc lên, mắt tròn xoe nhìn chị rồi chỉ trỏ, cười nghiêng ngả. Chị Liên một phen đỏ mặt vì bị các chú khỉ chọc quê, theo dõi nhất cử nhất động. Rồi khi chị giơ máy bấm ảnh, những chú khỉ hồn nhiên tạo dáng trước ống kính mà chẳng hề sợ hãi.

Vui vì các loài khỉ ngày càng thân thiện với con người nhưng bản thân anh chị em trong CLB Nhiếp ảnh và những người yêu động vật cũng không khỏi băn khoăn. Nhiếp ảnh gia Hoàng Hà, người có nhiều tấm ảnh đẹp và độc về các loài khỉ trăn trở: “Khi nhận thấy con người là vô hại, loài khỉ sẽ vô tư tiến lại ở cự ly gần và đùa giỡn thân thiện. Nếu gặp phải những người lạ mặt có ý đồ xấu, chúng rất dễ bị họ xâm hại. Vì thế, những tấm ảnh của chúng tôi ghi lại phần vì đam mê, phần muốn sẽ trưng bày ở các cuộc triển lãm để kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ những loài động vật quý hiếm của Đà Nẵng”.

Núi Sơn Trà có hơn một trăm loài động vật với hàng chục loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ cần bảo tồn của thế giới như gà tiền mặt đỏ, trăn gấm, thủy sinh; trong đó voọc Chà Vá được xem là loài thú sinh trưởng đặc hữu của Đông Dương cần được bảo vệ. Tại đây có hơn 400 con voọc Chà Vá chân nâu được mệnh danh là Nữ hoàng của loài linh trưởng cùng với rất nhiều khỉ như khỉ đuôi dài, khỉ vàng (nên Sơn Trà được người Mỹ gọi là Monkey Mountain - Núi khỉ).

MỚI - NÓNG