Chuyện nhóm hát 'toàn mặt trời'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đây là nhận xét của NSND Kim Đức dành cho nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc - quy tụ những nghệ sĩ đầu ngành của các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống phía Bắc như: chèo, tuồng, ca trù, xẩm, quan họ, chầu văn, hầu đồng... Hơn 7 năm nay, đều đặn mỗi tháng, các “mặt trời” lại cùng mọc một lần, biểu diễn miễn phí phục vụ khán giả ở số 50 Đào Duy Từ, Hà Nội.

Một “đặc sản” của Hà Nội

Tôi có mấy người bạn ở xa, mỗi lần đến Hà Nội, nếu đúng dịp Đông Kinh Cổ Nhạc biểu diễn, họ đều coi đó là một món quà, và dù lịch làm việc kín đến đâu, vẫn cố gắng dành ra hơn một tiếng đồng hồ lên phố cổ để thưởng thức âm nhạc truyền thống.

“Tôi bình thường không đủ kiên nhẫn xem một vở tuồng, ca trù thì lại càng là cái gì xa lạ. Nhưng đến đây, lần nào cũng nghe say sưa. Có thể vì mỗi một bộ môn người ta chỉ trích một đoạn ngắn, cũng có thể là bởi những tuồng, chèo, ca trù... này đã được sắp xếp, kết nối hợp lý như kiểu một buổi hòa nhạc và sự giao thoa giữa chúng tạo ra một cảm giác vừa gần gũi vừa mới lạ, rất kích thích”. Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Sơn – dân Đà Nẵng chính hiệu chia sẻ về lý do anh trở thành khách quen của “Chuyện nhạc phố cổ” (tên chương trình biểu diễn thường kỳ của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc).

Đạo diễn Tùng Lê (TP.HCM) thì coi “Chuyện nhạc phố cổ” như kiểu một “đặc sản” Hà Nội. “Thú vui tao nhã” của anh mỗi lần ra Thủ đô – ngoài ăn ốc ở phố Đinh Liệt - là nghe các NSND hát rồi ném thẻ tre boong boong vào chậu đồng để thể hiện sự yêu thích của mình. Nói thêm về câu chuyện thẻ tre: các chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” đều được tổ chức miễn phí. Khán giả muốn ủng hộ cho nhóm có thể mua các thẻ tre có mệnh giá tối thiểu 50.000đ để ném vào chậu đồng, cổ vũ cho các tiết mục hay. Đây là cách làm có từ xa xưa, gọi là lối hát thẻ, nay được phục dựng lại như một cách tương tác với âm nhạc truyền thống, được coi là nét độc đáo của chương trình.

Một cái “độc” nữa chính là tất cả các buổi biểu diễn của nhóm đều không dùng bất cứ một dụng cụ khuếch đại âm thanh nào. Từng chỗ đặt nhạc cụ, chỗ ngồi của nghệ nhân... đều đã được một bậc thầy âm thanh người Pháp căn chuẩn để đảm bảo sóng âm có thể lan đều. Các nghệ nhân sáu, bảy mươi tuổi dù phải dùng nhiều hơi hơn để giọng hát có thể lấp đầy khán phòng cũng vẫn vui vẻ với cách chơi này. “Không có cát xê, không có micrô, hát mất sức hơn, khán giả ít hơn nhưng tôi lại thích được biểu diễn ở đây. Nếu không bận việc hoặc gặp vấn đề gì về sức khỏe thì tháng nào tôi cũng có mặt. Ở đây tôi được làm nghề đúng như những thứ mà nghề này từng hấp dẫn tôi. Còn được gặp bạn bè, đồng nghiệp”, NSND Thanh Hoài chia sẻ.

Đông Kinh Cổ Nhạc được thành lập từ năm 2014, đến năm 2015 thì chính thức biểu diễn định kỳ ở Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ). Nhóm quy tụ những nghệ nhân hàng đầu của các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống như: NSND Thanh Hoài (chèo), NSND Mẫn Thu (tuồng), NSND Minh Gái (tuồng), NSND Xuân Hoạch (xẩm), NSND Mạnh Phóng (hề chèo)... Mỗi tháng một lần, “tình nhạc” kết nối họ với nhau, cùng làm việc để chia sẻ những giá trị đẹp của di sản với cộng đồng.

Sức hút của câu chuyện văn hóa

Đông Kinh Cổ Nhạc chỉ có khoảng hai chục người, biểu diễn không nhiều, quy mô lại nhỏ, nhưng rất có sức thu hút tự thân. Nhạc trưởng từng hai lần đoạt giải Grammy: Jeff von der Schmidt sau khi xem nhóm biểu diễn đã nói với “ông bầu” Đàm Quang Minh: nếu có thể kết hợp những giai điệu này với Vũ Nhật Tân để hòa điệu các nhạc cụ truyền thống Việt Nam với các nhạc cụ phương Tây... thì ông sẵn sàng ở Việt Nam 5 năm để hỗ trợ đưa tác phẩm ra thế giới.

Nhờ thiện ý này, Vũ Nhật Tân có chuỗi tác phẩm “Ngũ hành”, sử dụng ý thơ Nguyễn Duy, viết theo lối cổ điển đương đại (dòng nhạc có sự phối hợp của nhiều loại hình âm nhạc, trong đó có cả âm nhạc dân tộc vào dàn nhạc giao hưởng). Sức hấp dẫn văn hóa của tác phẩm không chỉ khiến ông Jeff tình nguyện bỏ tiền túi cho mọi chi phí sinh hoạt ở Việt Nam để hỗ trợ, còn mời gọi được hai nghệ sĩ bộ gõ hàng đầu là Karina Yau và Chronicle Li đến từ nhóm nhạc mới Hồng Kông (cũng tự chịu mọi chi phí) sang Việt Nam cùng biểu diễn. Đêm nhạc “Tiếp và nối” diễn ra vào đầu năm 2019, công diễn tác phẩm thứ hai trong chuỗi Ngũ hành của Vũ Nhật Tân: Kim Thủy Hỏa đã được chào đón nồng nhiệt, đến mức chính Jeff von der Schmidt phải cảm thán: “các đồng nghiệp khắp thế giới cũng phải ngạc nhiên trước sự đông đảo này”. Theo lộ trình của vị nhạc trưởng người Mỹ, “Ngũ hành” sẽ lần lượt được biểu diễn ở những nhà hát giao hưởng lớn của thế giới, bắt đầu từ Hồng Kông, Nhật, qua châu Âu và chốt lại ở Mỹ. Tiếc là Vũ Nhật Tân mất sớm, cộng với sự ảnh hưởng của dịch bệnh, mãi đến gần đây kế hoạch quảng bá âm nhạc Việt Nam mới đang được khởi động lại.

Chuyện nhóm hát 'toàn mặt trời' ảnh 1
NSND Thanh Hoài và nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc biểu diễn ở L'espace

Trở lại với không gian biểu diễn trong phố cổ của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc, qua sự kết nối của những người làm nhạc khắp thế giới, mặc dù không hề có kinh phí quảng bá, bạn bè quốc tế vẫn biết và tìm đến. Chính ở sân khấu này, nhóm từng cùng biểu diễn với một ban nhạc Nhật Bản, các nghệ sĩ Hàn Quốc, được đài phát thanh Pháp thu âm một chương trình riêng...

Điều thú vị nữa, trong số các khán giả thường xuyên của chương trình “Chuyện nhạc phố cổ”, đã có một số người vì yêu mến mà xin theo học các nghệ nhân. “Trong một vài số tới, chúng tôi sẽ mời những “học trò” này lên biểu diễn cùng. Đa số họ có giọng tốt, hát cũng rất khá”, anh Đàm Quang Minh, quản lý nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc cho biết.

Ông bầu “dị” nhất nước

Đàm Quang Minh là Việt kiều Pháp nhưng có một sự mê đắm đặc biệt với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Khi trưởng thành, anh quyết định bỏ nước Pháp phồn hoa về Việt Nam “đi xe máy luồn lách” và cùng người bạn Vũ Nhật Tân điều hành nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc. Không chỉ phụ trách toàn bộ phần nhạc cổ, thậm chí phổ thơ thành ca từ, Đàm Quang Minh còn là “ông bầu” đúng nghĩa, tự bỏ tiền túi để duy trì hoạt động của nhóm.

“Nói là bỏ tiền túi chứ cũng không bao nhiêu. Tôi cũng chỉ có thể chi trả tiền taxi, tiền ăn bát phở cho các nghệ nhân. Mỗi chương trình, khán giả “đỡ” được chút nào thì đỡ, còn đâu tôi sẽ bù. Các nghệ nhân đến đây, phần vì yêu Tân, yêu Nguyễn Duy, phần vì chúng tôi cũng thích phiêu lưu với nhau”, anh kể.

Khán giả quen của “Chuyện nhạc phố cổ” sẽ thấy, mỗi buổi biểu diễn đều có một người đàn ông nhỏ thó mặc áo dài khăn xếp đóng vai dẫn chuyện. Lại cũng chính người đó, giữ một vị trí trong ban nhạc, khi đệm phách, khi chơi bộ gõ. Những việc này không xa lạ với Đàm Quang Minh, anh cho biết, tất cả những nghệ nhân lớn tuổi ở đây anh đều quen từ tấm bé, khi còn là cậu ấm phố cổ ngày ngày đi theo cha nghe hát cô đầu, chầu văn... Đó cũng là một thuận lợi để khi anh có ý định thành lập Đông Kinh Cổ Nhạc thì những “cây đa cây đề” này rất nhanh bị thuyết phục.

“Chuyện nhạc phố cổ” mong muốn gợi lại không gian tình cảm Việt qua âm thanh của nhạc khí của hơi hát Việt. Các nghệ nhân đa phần đều đã 60, 70 tuổi, đến giờ cũng có vài người vì tuổi tác, vì sức khỏe phải nghỉ rồi. Chúng ta còn bao nhiêu ngày được xem họ diễn nữa đâu. Mà đây đều là những di sản thật, giá trị thật của vùng đất này, không được xem phí lắm!

(Đàm Quang Minh)

“Ai cũng khó cả, nhưng ai cũng mời được. Bởi vì các ông bà ai cũng là người đầu ngành. Họ chỉ thắc mắc không biết sân chơi của mình có “thật” không, đúng tâm sự nghề của người ta không. Tôi chỉ bảo, tôi quý nghề của mọi người, có điều kiện thì muốn mời mọi người đến để chia sẻ cái thành thật của nghề. Tôi cũng chả có quyền gì mà điều động ai, nếu có thì chính là nghề các ông bà điều động, tâm các ông bà điều động, còn tài các ông bà tùy dùng, đến thích trổ tài thì trổ không thì trổ mặt cũng được”, Đàm Quang Minh kể về quá trình “gom mặt trời”.

Chuyện nhóm hát 'toàn mặt trời' ảnh 2

NSND Minh Gái diễn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”

Một số nghệ sĩ ban đầu cũng chưa quen với cách làm này: để thành một bản nhạc, người ta đánh nối bài nọ sang bài kia, từ ngâm thơ sang tụng kinh, sang chèo, dân ca, đến tuồng... thuận cái nào làm cái đó, miễn là đầy đủ sắc thái, đảm bảo được cái vui của lễ hội, cái trầm tư tình tứ của dân gian, cái linh thiêng của tâm thức cộng đồng... Quen rồi, ngay cả NSND Minh Gái cũng không còn thắc mắc vì sao diễn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” không mặc áo tuồng mà lại là áo dài.

Giải thích về sự lựa chọn này, Đàm Quang Minh cho biết: “Không mặc trang phục tuồng là vì trang phục ấy sẽ che mất kỹ thuật diễn của diễn viên, người xem cũng dễ lẫn với những hình ảnh của Tàu. Trong khi áo dài thuần Việt, lại có thể giúp diễn viên phô diễn toàn bộ kỹ thuật diễn. Người xem chỉ còn thấy một người Việt đang diễn kịch Việt. Đây là kỹ năng sân khấu và kỹ năng âm thanh thuần Việt”.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Đối tượng Thành tại cơ quan công an.
Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố
TPO - Ngày 19/4, Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trung Thành (SN 2000, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.