Dự án "Những khúc ca Việt cổ" tập hợp những khúc ca cổ xưa của nhiều dân tộc trên khắp cả nước như Mông, Giáy, Dao, Thái, Bana, Chămpa, Mường, Paco... được Lê Cát Trọng Lý và những người bạn viết lời Kinh và chuyển soạn phối khí cho dàn nhạc thính phòng. Công trình này bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 2 năm nay. Nữ nhạc sĩ thường được ví với Trịnh Công Sơn chia sẻ: “Trong dự án này, Lý cùng những người bạn đồng hành đóng vai trò là người quan sát, ghi chép và thực hiện thu âm để đưa những khúc ca dân gian nguyên gốc đến gần hơn với khán giả. Mong sao các khúc hát cổ với hình ảnh dung dị, đẹp, sâu sắc cũng như giai điệu ấm áp, lung linh và nhiều tình cảm phần nào xoa dịu vỗ về được cảm giác nhung nhớ "vẻ đẹp xưa cũ đã bị lãng quên hay mất đi". Cũng như làm giàu thêm cho chúng ta về vốn văn hoá dân gian trên chính quê hương mình".
Chia sẻ về quá trình thực hiện dự án, Lê Cát Trọng Lý cho biết: "Có một số vùng thì đoạn hát của họ đầy đủ như 1 ca khúc nhưng một số vùng thì nó chỉ là những tiếng ngân nga thôi, ví dụ như khúc “Đặt tên” của người Dao, họ chỉ thay lời vào cùng loại giai điệu thanh âm”.
Một khó khăn trong quá trình thực hiện dự án mà nhóm của Lê Cát Trọng Lý gặp phải đó là không còn nhiều người có thể hát được những khúc ca cổ của dân tộc mình. Một số người còn nhớ thì mỗi lần hát lại là một phiên bản khác nhau.
Trong hai buổi biểu diễn ở Hà Nội, trên sân khấu, đứng cùng với Lê Cát Trọng Lý và dàn nhạc còn có nghệ nhân Giàng A Sài, nghệ nhân Lò Thị Ban. Lần đầu tiên, những người nông dân này bước chân lên một sân khấu lớn để chia sẻ âm nhạc và câu chuyện của mình. Hình ảnh chất phác và giọng hát tự nhiên của họ khiến tôi nhớ đến những bà cụ chân đất bước thẳng từ đồng chiêm lên sân khấu tráng lệ tại Paris trong những show diễn “Hạn hán cơn mưa” dạo nào của EaSola Thủy.
Hai đêm diễn khép lại, như thường lệ, khán giả dành cho Lê Cát Trọng Lý những cơn mưa lời khen (thường người ta đều phải thích Lý mới bỏ tiền mua vé xem cô biểu diễn).
Khán giả đứng chật sảnh Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia trước buổi biểu diễn “Những ca khúc Việt cổ” |
“Một dự án quá tuyệt, đáng ra nó phải được hỗ trợ bởi ngân sách quốc gia chứ không phải cô gái nhỏ nhắn này và ê kíp gánh vác… “Những ca khúc Việt cổ” của Lý là dự án mang tính cộng đồng rất cao… Nó vừa giúp đồng bào các dân tộc bảo tồn âm nhạc cổ của họ, vừa giúp cộng đồng rộng lớn tiếp cận được những giai điệu đó qua lời Việt của Lý” (Văn Song Nguyễn)
“Lý chắc có lẽ là một trong những nghệ sĩ có lượng fan ngầm và trung thành lớn nhất Việt Nam. Nghe Lý hát, lòng thư thái dễ chịu như kiểu được massage tâm hồn bằng âm nhạc nhưng tâm lại ngẫm nghĩ về đủ điều đi qua suốt một đời người”. (Nguyễn Đức Thắng)
Lê Cát Trọng Lý chỉ thực sự bị phản ứng, bị coi là “chiếm dụng văn hóa” sau bài trả lời phỏng vấn của cô trên một kênh podcast. Số người phản đối Lê Cát Trọng Lý cho rằng cô đang làm công việc đồng hóa văn hóa “trong khi ở các nước phát triển người ta tôn trọng sự khác biệt thì ở Việt Nam người ta luôn cố gắng đánh đồng tất cả mọi người”.
Lê Cát Trọng Lý trong hành trình thực hiện “Những ca khúc Việt cổ” |
Đáp lại những ý kiến này, một số khán giả đã lên tiếng hộ Lê Cát Trọng Lý: “Tôi nghĩ văn hóa là sự phát triển, nên chắc gì cái chúng ta đang bảo tồn đã là nguyên gốc? Một bài hát dân gian được nghe từ mẹ, mẹ nghe từ bà, bà nghe từ cụ... Vậy bảo tồn bằng cách nào trước một sự thay đổi? Mình chỉ giữ được một thứ khi thấy nó đẹp và hay”.
Một ý kiến trước đó của Lý cũng được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng yêu nhạc: “Tôi đang làm những điều như hòa thanh, phối khí, “biến” những ca khúc đó thành tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc từ dân gian, giúp khán giả nghe được những tác phẩm hay, thú vị và từ đó họ sẽ đi tìm hiểu văn hóa gốc. Âm nhạc đã hay thì không nhất thiết phải là của ai, sáng tạo không nhất thiết phải là của mình. Việc “của ai” không quan trọng bằng việc mình được nghe một bài nhạc hay."
Những người đã và đang ủng hộ Lê Cát Trọng Lý có lẽ cũng chỉ quan tâm bản nhạc mà cô mang đến cho họ có hay không mà thôi!