Chuyện nhặt ở Trường Sa

Chuyện nhặt ở Trường Sa
TP - Ở Trường Sa, những người lính trẻ mới mười tám, đôi mươi ngày đêm vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. PV Tiền Phong chép lại một số mẩu chuyện trong một lần đến Trường Sa.

> Nén đau xăm bản đồ Trường Sa, Hoàng Sa trên lưng
> Để “cột mốc sống” vững vàng

Nhất quyết không “bị ôm”

Chúng tôi đến thăm Trường Sa những ngày giữa tháng 5. Một phần không thể thiếu trong các chuyến ra Trường Sa là mang theo những tiết mục văn nghệ phục vụ anh em chiến sĩ trên đảo. Đến thăm đảo nào, đội văn nghệ cũng biểu diễn hết sức mình.

Trong “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm 2013, ngoài đoàn nghệ thuật của Học viện Âm nhạc Huế, còn có những nghệ sĩ nổi tiếng như Xuân Bắc, Hoàng Bách, Lan Anh... Cũng vì thế, đến đâu, chương trình cũng nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của các chiến sĩ bằng những tràng pháo tay vang dội. “Em hâm mộ anh Xuân Bắc nhất”, Nguyễn Anh Vương (sinh năm 1994), mới ra công tác tại đảo Sơn Ca một tháng nói. Vương cho biết, khi ở nhà thường xuyên xem các đĩa hài của Xuân Bắc. Hoàng Đức Phúc (sinh năm 1995) cũng hâm mộ Xuân Bắc.

Chiến sĩ đảo Sơn Ca hào hứng với các tiết mục văn nghệ. Ảnh: Trường Phong
Chiến sĩ đảo Sơn Ca hào hứng với các tiết mục văn nghệ. Ảnh: Trường Phong.

“Không ngờ ra công tác tại Trường Sa em mới tận mắt thấy anh Xuân Bắc biểu diễn”, Phúc nói. Thấy chàng lính trẻ tên Hoàng Quốc Dũng cổ vũ nhiệt tình, một nữ ca sĩ trong đoàn nghệ thuật Huế muốn ôm và cầm tay để cảm ơn. Dù được bạn bè cổ vũ và khóa chặt cả hai tay, nhưng Dũng kiên quyết không để “bị ôm”.

Cũng mới ra đảo được vài tháng, khi nỗi nhớ nhà dần nguôi ngoai, Nguyễn Hữu Tiến Tùng (sinh năm 1993) quê ở Thanh Hóa hòa nhập dần với anh em trên đảo. Tùng làm nhiệm vụ thông tin liên lạc, trực điện đàm trên đảo Nam Yết… Ngoài thời gian trực, Tùng cùng các bạn trong đơn vị ra sân chơi bóng đá, bóng chuyền.

“Mình vừa bị bong gân”, vừa nói Tùng vừa đưa bàn chân cho phóng viên xem. Cũng vì không chơi được bóng đá, những ngày này, Tùng rủ bạn chơi cờ tướng giải khuây. Ngoài nhiệm vụ chính trong các ca trực, những chiến sĩ trẻ như Tùng còn có thú vui chăm sóc vườn rau, thú nuôi.

“Ở đây có rau muống, rau mồng tơi, rau dền, rau cải. Ngoài ra còn có lợn, gà nữa”, Võ Bá Hưng (sinh năm 1993) quê ở Quảng Bình cho biết. Hưng ra đảo từ đầu năm, là một chiến sĩ pháo binh. “Lúc đầu thì cũng nhớ nhà, nhưng sau thì thấy vui và hãnh diện vì được bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Hưng nói.

Công tác tại đảo chìm Đá Nam, bên cạnh nhiệm vụ canh giữ đảo, ngoài giờ, Phạm Văn Dương (sinh năm 1987) quê ở Nam Định trồng rau và nuôi gà, vịt. “Mình cho vịt uống và tắm nước ngọt. Chúng không bao giờ bơi xuống biển. Còn lợn thì thả rông, không cần nuôi nhốt”, Dương nói.

Những kết nối

Các thành viên tổ phục vụ đang gọt bí, chuẩn bị nấu ăn trên tàu. Ảnh: Trường Phong
Các thành viên tổ phục vụ đang gọt bí, chuẩn bị nấu ăn trên tàu. Ảnh: Trường Phong.
 

Từ ngày đi thăm Trường Sa về, mình hay nhắn tin tâm sự với các bạn đang công tác ngoài đó lắm. Có bạn tâm sự đã vài năm rồi không gặp người yêu, chỉ nhắn tin, điện thoại mà tình cảm vẫn rất son sắt, thủy chung. Mình thấy cảm phục những người lính Trường Sa và những bạn gái yêu lính Trường Sa 

Đào Thị Quỳnh Trang, sinh viên Đại học Y tế Công cộng (Hà Nội)

Dương đã công tác tại đảo Đá Nam được 8 tháng. “Ban đầu thì hơi bỡ ngỡ. Xa cuộc sống đầy đủ ở đất liền, ra đảo thấy thiếu thốn nhiều. Bây giờ cuộc sống ổn định dần dần…”, Dương chia sẻ.

Những ngày đầu, nửa đêm nằm ngủ, nghe tiếng sóng vỗ lại nhớ nhà. Mặt sạm đen vì nắng và gió biển, thân hình vạm vỡ, rắn chắc, từng trải… trông Dương già hơn so với tuổi của mình.

“Bây giờ ở đảo có sóng điện thoại, muốn gọi về đất liền lúc nào cũng được, nên cũng không nhớ nhà nhiều lắm”, Dương nói.

Bên cạnh đó, anh em trên đảo cũng an ủi, động viên nhau cùng cố gắng. Với Nguyễn Văn Thông (sinh năm 1984) công tác trên đảo Cô Lin, sóng điện thoại cũng làm vơi bớt đi nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con ở đất liền. Lúc đi công tác, vợ anh mang thai được 3 tuần. Hầu như ngày nào anh Thông cũng gọi điện về thăm hỏi tình hình ở nhà.

“Đến lúc em bé chào đời, vợ mình gửi tin nhắn hình ảnh cho mình xem. Gửi nhiều lắm, lúc em bé 1 ngày tuổi, 3 ngày tuổi, lúc 1 tháng…”, anh Thông cười.

Anh Thông bảo, dù mỗi người một quê, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn coi nhau như người ruột thịt một nhà. Anh Thông đang làm trưởng xuồng CQ của đảo Cô Lin. Nhiệm vụ chính của anh là cùng anh em trên đảo xua đuổi những tàu lạ vi phạm chủ quyền và đón các đoàn đến thăm đảo. “Mỗi khi có đoàn đến thăm, cả đảo vui và phấn khởi lắm”. Cũng vì thế, các chiến sĩ trên đảo đều để lại những vỏ ốc đẹp nhất, to nhất để tặng những đoàn khách. Có những người khéo tay còn làm những bình hoa bằng vỏ ốc, vỏ sò để chờ dịp tặng khách.

Kết thúc “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm 2013, trong danh bạ của các chiến sĩ và nhiều thành viên đoàn hành trình đã có thêm cả trăm số điện thoại. Mỗi lần có bão, biển động, nhiều thành viên và các chiến sĩ lại gọi điện hỏi thăm, thông báo tình hình cho nhau. Trên mạng xã hội facebook, nhóm những người đi thăm Trường Sa, yêu mến Trường Sa cũng được thành lập”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG