Chuyện người thợ mộc tài hoa và căn hầm bí mật dài 30m

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một thời, người dân ở Củ Chi (TPHCM) biết tới ông Nguyễn Văn Ten là một thợ mộc khéo tay, tận tình giúp đỡ mọi người và có tài đóng tủ thờ. Ít ai ngờ, ông là một chiến sĩ biệt động thành chuyên lo việc cất giấu và vận chuyển vũ khí vào nội thành đánh địch trong chiến dịch Mậu Thân 1968.

Bàn tay nghệ nhân

Ông Nguyễn Văn Ten sinh ra ở trong một ngôi làng truyền thống cách mạng ở Thái Mỹ, Củ Chi, TPHCM. Những năm tháng chiến tranh, địch càn quét, thả bom, nhiều người bỏ làng vào thành phố và đi nơi khác sinh sống. Gia đình ông Ten và một số hộ vẫn bám trụ tại Củ Chi để nuôi giấu các chiến sĩ biệt động thành.

Chuyện người thợ mộc tài hoa và căn hầm bí mật dài 30m ảnh 1

Chiếc tủ thờ hiện vật của Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Trong khi dân làng sống bằng nghề nông thì ông Ten được biết tới là một nghệ nhân làm mộc tài năng. Ông có thể làm những ngôi nhà cổ đường nét hoa văn rất đẹp và chế tác các loại nông cụ cũng như đồ dùng sinh hoạt từ các loại cây rừng tại Củ Chi.

Nhờ công việc làm thợ mộc và mở xưởng mộc tại nhà mà ông Ten thường dễ dàng đi đó đây, mua gỗ lạt, chế tác đồ gỗ và giao hàng cho khách ở Củ Chi và cả vào trong thành phố.

Anh Nguyễn Văn Tròn, con trai của ông Ten kể: “Địch càn quét dữ dội và cả làng chúng tôi phải đi lánh nạn, chỉ còn lại chưa đầy chục gia đình bám trụ lại. Mọi người đi làm ruộng mưu sinh còn bố tôi thì vẫn nhận đơn làm đồ mộc. Thực chất là lén nấu cơm nuôi biệt động thành cả chục người trong hầm bí mật”.

Vợ ông Ten là bà Đỗ Thị Tựa, cũng ngày đêm phụ chồng lo cơm nước, để chồng làm nghề mộc giữa vòng vây quân thù.

Anh Tròn kể: “Bố mẹ tôi vừa nuôi các con đánh giặc, vừa nuôi bộ đội. Anh tôi là Dương Văn Lực, xã đội trưởng, bị địch phục kích ban đêm. Nó bắn xong, nó bỏ chạy. Du kích theo chỗ đạn nổ tìm được xác anh tôi. Một người anh khác là anh Dương Văn Rua, làm trung đội trưởng. Chúng phục kích bắn anh tôi ở đầu làng rồi đem xác ra đồn. Chúng muốn dụ bố mẹ tôi ra lấy xác con để chúng bắn hoặc bắt sống. May nhờ có bên chùa ra xin đưa anh tôi về chôn cất”.

Bà Đỗ Thị Tựa đã được nhà nước vinh danh là Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Căn hầm bí mật đặc biệt

Gia đình ông Nguyễn Văn Ten có gần chục anh em trai, người nào cũng giỏi võ, và từ thời chống Pháp gia đình đã đều theo cách mạng. Họ đánh giặc từ gậy tầm vông vạt nhọn cho đến những khẩu súng thô sơ. Từ tự phát mà đứng lên chống Pháp rồi được đưa vào các đơn vị các tổ chức. Chính truyền thống chống giặc ngoại xâm ấy mà nhà ông Ten đã được chọn làm nơi đặt căn cứ bí mật của lực lượng biệt động thành Sài Gòn tại Củ Chi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Anh Nguyễn Văn Tròn dẫn tôi ra ngôi nhà cũ nằm dưới bóng cây. Ngôi nhà ấy khá đặc biệt, với những nét chạm trổ cầu kỳ, với mái ngói rong rêu. Điều đặc biệt là phía sau phòng khách có một căn hầm bí mật dài với lối thoát ra phía sau vườn, trước kia vốn cỏ cây rậm rạp.

Chuyện người thợ mộc tài hoa và căn hầm bí mật dài 30m ảnh 2

Căn hầm bí mật tại nhà ông Nguyễn Văn Ten dài 30m, từng chứa nhiều vũ khí của lực lượng Biệt động thành. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Anh Tròn nói: “Căn hầm bí mật này bí mật tới mức ngay cả gia đình chúng tôi cũng không biết nó dài bao nhiêu và có lối ra, vào như thế nào. Chúng tôi chỉ biết cửa hầm độ 1m thôi, nơi đưa cơm cho bộ đội và gia đình trú ẩn khi địch ném bom. Mãi sau ngày đất nước thống nhất, chúng tôi mới biết hầm dài tới 30 m, có nhiều phòng và chính là sở chỉ huy của lực lượng biệt động thành Sài Gòn ”.

Một lần, xe tăng địch vào tận làng và chuẩn bị ủi san bằng căn nhà. Khoảnh khắc cái chết và sự sống cách nhau trong gang tấc. Bộ đội ta vẫn còn ở trong hầm.

Đúng lúc ấy, ông Nguyễn Văn Ten đã nói với lính ngụy rằng ông là một thợ mộc, ngôi nhà do công sức ông làm, nên cho phép bố con ông và láng giềng tự tay dỡ ra, cất giữ gỗ, ván, các bức tranh gỗ, để sau này hết chiến tranh sẽ dựng lại. Đám lính cũng nể ông là một nghệ nhân và thấy ngôi nhà gỗ rất đẹp, nên đồng ý để ông tự tháo dỡ.

“Bố tôi giấu nước mắt vào trong, tự tay phá căn nhà đẹp của mình, ngay trước mắt quân thù. Nhưng nhờ vậy mà hầm bí mật không bị lộ, thậm chí khi dỡ nhà ra thì gỗ lạt và ngói đã ngụy trang cho hầm thêm kín đáo” – anh Tròn kể.

Đến chiều, địch rút đi, vợ chồng ông Ten lại kín đáo nấu cơm để đưa xuống cho bộ đội dưới hầm.

Căn hầm bí mật dài 30m ấy chính là nơi làm việc của đồng chí Trần Hải Phụng Tư lệnh, phụ trách các lực lượng biệt động của Quân khu Sài Gòn – Gia Định. “Tất cả các trận đánh lớn nhỏ của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định, nhất là của biệt động Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra dưới sự chỉ huy tài giỏi, mưu lược của ông Trần Hải Phụng” (Tài liệu nghiên cứu của Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM).

Những chiếc tủ thờ

Chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân, Quân khu Sài Gòn – Gia Định quyết định sẽ đánh lớn vào trung tâm thành phố Sài Gòn. Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM thì: “Chính đội biệt động đánh vào sứ quán làm rung chuyển nước Mỹ do ông Trần Hải Phụng trực tiếp lên kế hoạch và tổ chức lực lượng chỉ một tuần trước ngày Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân theo yêu cầu của đồng chí Võ Văn Kiệt”.

Bài toán là làm sao có thể đưa vũ khí vào nội thành qua các trạm kiểm soát của địch?

Ông Nguyễn Văn Ten, nghệ nhân tài hoa đã đảm nhiệm việc “chế tạo” ra các phương tiện vận chuyển vũ khí vào nội thành.

Bấy giờ, ông Ten đã sáng tạo ra tủ thờ hai ngăn, với vật liệu là gỗ nhẹ, tủ đóng chắc chắn. Vũ khí được đặt vào ngăn bí mật của chiếc tủ thờ, đặc biệt là những khẩu súng cối. Các chuyến đưa “tủ thờ” vào nội thành trót lọt đã góp lửa cho trận đánh lớn.

Ngoài ra, ông Ten còn đóng nhiều đồ gỗ gia dụng khác, có các ngăn bí mật để vận chuyển linh kiện súng AK, đạn, lựu đạn.

Anh Nguyễn Văn Tròn cho tôi xem chiếc tủ thờ dùng để vận chuyển vũ khí - được phục dựng sau chiến tranh, hiện là kỷ vật của lực lượng Biệt động thành. Chiếc tủ như nhân chứng của một thời lịch sử hào hùng và khốc liệt.

Anh Tròn nói: “Bố tôi mất năm 1992. Tính ông cụ rất giản dị. Sau chiến tranh, ông vẫn rất mê nghề làm mộc. Bố tôi hầu như không bao giờ kể về chiến tích trong chiến tranh, nhưng ông cụ có Huân chương kháng chiến cả thời chống Pháp và thời chống Mỹ”.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tròn sống trong ngôi nhà nhỏ, khiêm nhường, có treo lá cờ thêu dòng chữ “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Đơn vị bảo đảm chiến đấu A20, A30, F100 Biệt động quân khu Sài Gòn – Gia Định”.

MỚI - NÓNG