Kỷ niệm ngày ra trường, cuối năm 1963 (ảnh chụp bốn người bạn thân Lê Đức Tuấn (bìa phải), Nguyễn Thị Mỹ, Đặng Thế Minh và Hoàng Văn Thư) |
Thưa ông, ngoài hành trang là những cuốn sổ (để vẽ), khi ra trận ông còn mang theo cả cuốn thơ Puskin?
Tôi rất thích thơ, nhất là thơ tình. Trước ngày nhập ngũ, tôi thuộc khá nhiều thơ Puskin, nhưng cũng có nhiều bài mình không thuộc nên mang đi. Thỉnh thoảng, khi rảnh tôi mang ra đọc cho anh em nghe, mọi người thích lắm. Bởi hồi đó, trong đại đội gần 100% là lính trẻ chưa vợ, lại là trai Hà Nội, cũng có chữ nghĩa.
Đồng đội của ông nói ông rất lãng mạn?
Không chỉ có tôi lãng mạn, mà hầu hết thanh niên, đặc biệt là những người học đại học và có trình độ, anh nào cũng lãng mạn.
Hồi đó chúng tôi ai cũng thuộc bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi: Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu. Không chỉ lãng mạn, thời đó anh em đều rất sôi nổi và có lý tưởng. Tất cả đều ấp ủ lý tưởng lớn lao, phải giải phóng dân tộc.
Phần riêng tôi, chất lãng mạn ngấm vào mình từ ngày học mỹ thuật, cái đẹp nó luôn ở trong lòng mình. Cho nên nhìn thấy cái đẹp là thích ngay.
Trên đường hành quân, gặp cảnh đẹp là mình thấy xốn xang, rung động. Không giở sổ ra vẽ là không chịu được. Tôi tự nhủ, yêu cảnh đẹp quê hương đất nước thấy mình tự tin hơn khi ra trận.
Hồi học ở trường, ông có một mối tình đẹp?
Khóa 1 của chúng tôi hồi đó có bốn lớp, tôi học Sơn mài. Lớp có hơn 30 người, thì có bốn người chơi rất thân với nhau là tôi, Hoàng Văn Thư, Nguyễn Thị Mỹ và Đặng Thế Minh. Hồi đó, mọi người cứ vun tôi và Mỹ với nhau. Thực chất mà nói đó là những người bạn thân, riêng tôi và Mỹ thực sự có cảm mến nhau trên tình bạn một chút.
Thời đó, trai gái cảm mến nhau là thiêng liêng lắm. Mỹ đẹp, lớp tôi lại ít nữ nên mọi người đều tôn Mỹ là hoa hậu. Cả hai chúng tôi đều học rất giỏi, chơi thể thao cũng giỏi mà hát cũng rất hay.
Chúng tôi lại cùng trong đội văn nghệ của trường nên có điều kiện thân nhau hơn. Đến khi ra trường, chúng tôi lại công tác cùng cơ quan, nên tình cảm khá thân thiết...
Lê Đức Tuấn và vợ (bà Nguyễn Thị Huệ) trong ngày cưới |
Cái mà ông nói là hơn tình bạn đó đã theo ông ra chiến trường?
Ngày tôi nhập ngũ, tình cảm ấy đã theo tôi ra chiến trường. Trước ngày lên đường, chúng tôi gặp nhau, tôi đọc tặng Mỹ bài thơ Tôi yêu em của Puskin: Anh yêu em đến nay chừng có thể/Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai/ Nhưng không để em bận lòng thêm nữa/ Hay hồn em phải đợi bóng u hoài...Cầu em được người tình như tôi đã yêu em...
Yêu nhưng sao ông lại "Cầu em được người tình như tôi đã yêu em..."?
Tình yêu thực chất rất mãnh liệt nhưng khi đó mình phải kìm nén. Ngày vào bộ đội, chiến tranh biết có ngày về? Nên tôi chỉ mong người mình yêu gặp được người yêu cô ấy mãnh liệt hơn mình đã yêu.
Nghe nói, ngày ông nhập ngũ, còn có một cô gái tặng cuốn sổ và sau này ông mang trong ba lô?
Đó là một cô gái Hà Nội, cô ấy là bạn của em gái tôi. Ngoài cuốn sổ Hoàng Thư tặng tôi (để vẽ tranh), còn có cuốn sổ cô ấy tặng. Sau này cuốn sổ ấy được tôi dùng để ghi nhật ký.
Chỉ tiếc, nó bị mất năm 1968, cùng với cuốn ký họa. Có vẻ như cô ấy cũng có cảm tình với tôi, còn tôi chỉ coi cô ấy như là cô em gái. Đầu cuốn sổ, tôi nhớ cô ấy còn đề tặng hai câu thơ:
Chúc anh buồm căng lộng gió ra khơi
Trời yên biển lặng anh về quê hương
Còn người vợ của ông?
Tôi bị thương, ra Bắc an dưỡng năm 1974. Sau đó về báo Quân đội làm luôn. Khi đó, bố mẹ cũng sốt ruột lắm, vì tôi đã hơn 30 tuổi mà chưa vợ.
Năm 1976, tôi gặp bà xã cũng rất tình cờ. Đó là lúc tôi đến chơi nhà một người bạn ở Hà Đông, cô ấy cũng có bạn ở khu đó. Khi đó, cô ấy cũng đang phòng không, thế là cả đôi bên cứ vun vào. Chúng tôi yêu nhau. Nói thế nhưng hồi đó vẫn dát lắm. Yêu nhau cũng qua thư, đến tháng 12-1977 thì cưới.
Quê vợ - ký hoạ Chùa Thầy của Lê Đức Tuấn |
Mang thơ Puskin theo mình, ông không sợ lãnh đạo đơn vị phê bình sao?
Không ai phê bình cả. Vì hồi đó, đơn vị toàn trai Hà Nội, có học hành hẳn hoi, nên ai cũng lãng mạn chứ riêng gì tôi. Khi thấy tôi đọc thơ, cả lãnh đạo đơn vị và anh em đều xúm vào nghe.
Và sau ngày nhập ngũ, ông có duy trì đều liên lạc?
Cũng chỉ nhận được vài lá thư của Mỹ, vì sau đó đơn vị bí mật hành quân nên không nhận được. Tiếc là những bức thư đó cũng bị mất cùng cuốn sổ ký họa và cuốn nhật ký từ năm 1968 rồi.
Thời đó, thanh niên lên đường nhập ngũ đều viết quyết tâm thư, còn ông?
Thanh niên lúc đó đều viết quyết tâm thư, ai cũng thích ra trận, ai cũng muốn xin đi vì lúc đó cả nước hướng ra mặt trận. Nhiều người còn chích máu tay ra viết quyết tâm thư. Khi đó, tuy đã có lệnh tổng động viên nhưng tôi vẫn viết quyết tâm thư. Vì chỉ sợ khi đi khám người ta loại mình ra. Rất may, kết quả khám sức khỏe của tôi tốt nên mới được đi.
Nội dung quyết tâm thư ông viết thế nào?
Tôi không nhớ chi tiết, nhưng đại khái: Đất nước đang có chiến tranh, tôi là một thanh niên, nên tôi muốn được ra trận bảo vệ tổ quốc. Là một thanh niên, tôi sẵn sàng nhập ngũ bảo vệ tổ quốc, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu mà tổ quốc cần.
Sau khi mất cuốn sổ ký họa, ông có tiếp tục vẽ?
Dọc đường hành quân, ngoài việc vẽ vào cuốn sổ mà Hoàng Thư tặng, tôi còn vẽ ở những tờ giấy rời. Thực ra, những tập giấy rời đó tôi vẽ kỹ hơn. Nhưng sau này mất hết. Khi mất cuốn sổ, tôi còn một cuốn nhật ký nhỏ bằng bàn tay, vì khi đánh trận Chư Tan Kra, tôi mang nó theo người.
Cuốn ấy tôi vừa vẽ, vừa ghi nhật ký. Sau này bị thương về làm báo Tây Nguyên, tôi vẽ nhiều hơn, vì khi đó có bút và giấy vẽ. Hiện tôi chưa thống kê, nhưng những bức vẽ thời kỳ đó hiện tôi còn lưu giữ được khá nhiều.
Cảm ơn ông.
Bá Kiên thực hiện