Chuyện một doanh nghiệp chết vì lãi suất

Chuyện một doanh nghiệp chết vì lãi suất
TP - “Tôi làm gì còn nhà riêng nữa mà anh ghé thăm. Nhà cửa ngân hàng siết nợ hết rồi. Bây giờ đang ở trọ nhà người bạn tại khu bến xe mới TP Rạch Giá”.

> Doanh nghiệp chết lâm sàng

Ông Cao Hương Thiên- Giám đốc Cty TNHH Mai Sao, chuyên chế biến hải sản xuất khẩu, hiện nợ ngân hàng 70 tỷ đồng, trả lời PV Tiền Phong.

Chết vì lãi suất

Gần trưa 17-7, tôi tìm đến nơi ông Thiên đang đi ở nhờ nhà người bạn. Tôi giật mình ngỡ ngàng trước cảnh ông giám đốc Thiên tay cầm cái bay đang xây như một người thợ hồ thật sự.

Gương mặt bơ phờ, giọng buồn buồn, ông Thiên chỉ vào mấy cây kiểng vừa mới trồng nói như thanh minh: Ngân hàng siết nợ lấy nhà, còn mấy cây kiểng không định giá được. Thằng bạn nó thương tôi, ngày xưa nó khó khăn mình giúp nó, nay mình hoạn nạn nó cho mình ở nhờ nhà không lấy tiền, thôi thì khiêng cây kiểng đến đây trồng.

Vợ tôi bị bệnh căng cơ mi mắt mấy năm nay, chạy chữa tận Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Tài Thu giúp châm cứu. Hà Nội đắt đỏ, tốn kém, không có người thân quen, vì thế tôi đưa vợ về quê (Diễn Châu, Nghệ An) nhờ đệ tử của Giáo sư Thu tiếp tục chữa trị. Ba đứa con, đứa con gái đi lấy chồng.

Thằng con trai thứ hai sau khi Cty bị niêm phong đã lên TPHCM làm việc cho một Cty nước ngoài. Con gái út đang du học ở Mỹ nhưng có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng.

Tất cả nhà cửa, đất đai, nhà trọ cho công nhân ở, xe hơi, nhà máy và toàn bộ tài sản đã bị 5 ngân hàng định giá để bán thu hồi nợ. Tôi bây giờ hai bàn tay trắng, sống với mẹ già 72 tuổi.

Trước mắt mở cái quán cà phê vỉa hè. Cũng phải sống thôi, chẳng lẽ chết à”. Ông mời tôi ở lại uống li rượu. Thấy tôi ngần ngại, ông bảo: Ngồi tâm tình chút cho vui, tôi vẫn sống đơn giản với cà pháo mắm tôm, canh rau đạm bạc như hồi còn ở quê.

Tôi hỏi ông vì sao đến nông nỗi này? Ông Thiên giải thích có nhiều nguyên nhân dẫn đến phá sản doanh nghiệp, như: khủng hoảng kinh tế thế giới; tất cả chi phí đầu vào đều tăng nhưng đầu ra lại giảm; lỗi cũng do trình độ quản lí của bản thân, không dự báo nắm bắt kịp tình hình.

Tuy nhiên nguyên nhân trực tiếp đáng phải kể đến là do ngân hàng thắt chặt tín dụng và lãi suất quá cao. Ông Thiên lấy ví dụ, một doanh nghiệp có tổng dư nợ 50 tỷ, với mức lãi suất như thời gian qua thì mỗi năm mất đứt gần 12 tỷ tiền lãi cho ngân hàng.

Lãi suất ngân hàng lên tới gần 20% mỗi năm, trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy sản chỉ ở mức 2-3% trên tổng doanh thu. Lãi suất ngất trời nhưng việc tiếp cận nguồn vốn là rất khó khăn. Để đáo hạn ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã phải vay ngoài với lãi suất cao làm cho nợ chồng nợ.

“Tôi đang đưa vợ đi chữa bệnh ở Hà Nội thì ngân hàng đến niêm phong nhà máy vào ngày 30-12-2011, lúc cận tết. Mọi cố gắng tìm lối ra cho doanh nghiệp bị đóng sập lại từ đó. Hơn 200 công nhân buộc phải rời khỏi nhà máy. Tôi nợ năm ngân hàng tổng số tiền 70 tỷ; nợ nguyên liệu thủy sản với các chủ ghe tàu 20 tỷ và nợ vay nóng 30 tỷ. Cái chết của Cty tôi là nợ chồng nợ, lãi suất chồng lãi suất. Để đáo nợ ngân hàng tôi phải đi vay tổng cộng 30 tỷ đồng tín dụng đen, với lãi suất cực cao. Cứ một tỷ đồng mỗi ngày phải trả lãi năm triệu, mỗi tháng mất 150 triệu, mỗi năm bay đứt 1,8 tỷ. Với 30 tỷ đồng tiền lãi mỗi năm sẽ là 54 tỷ”, ông Thiên nói.

Cty Mai Sao còn chết vì… cá nóc. Cty Mai Sao là doanh nghiệp duy nhất tại Kiên Giang thực hiện thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc qua Hàn Quốc theo chương trình thí điểm của Bộ NN&PTNT từ đầu năm 2010.

Tuy nhiên đơn vị nhập khẩu là Cty Korea Poseidon Seafood (Hàn Quốc) chỉ mua duy nhất một lô hàng 22,7 tấn rồi sau đó dừng hợp đồng mà không rõ lí do.

UBND tỉnh Kiên Giang sau đó đã có văn bản khẩn gửi Bộ NN&PTNT đề nghị phía Cty của Hàn Quốc thực hiện đúng cam kết nhưng đã không có sự hồi âm nào và cũng chẳng ai chịu trách nhiệm.

Hậu quả Cty Mai Sao thiệt hại gần 10 tỷ đồng từ nguồn vốn vay và lãi suất để thực hiện dự án. Hiện đơn vị này còn tồn kho trên 30 tấn cá nóc thành phẩm cả hơn một năm nay.

“Hãy cứu Cty tôi sống để còn trả nợ”

Lẽ ra Cty Mai Sao sẽ vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, nhưng chính sự can thiệp vội vàng, thậm chí thô bạo của ngân hàng đã làm cho đơn vị này chết tức tưởi. Khi ngân hàng tới niêm phong nhà máy thì chưa có hợp đồng tín dụng nào của ông Thiên quá hạn.

Luật sư tư vấn đòi kiện ngân hàng vì gây hậu quả thiệt hại hữu hình lẫn vô hình, nhưng ông Thiên không muốn làm lớn chuyện. Ông đang cần ngân hàng cứu giúp.

Với tư cách là Giám đốc Cty TNHH Mai Sao, ông Thiên đã gửi nhiều văn bản đến UBND tỉnh Kiên Giang và các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cầu xin được khoanh nợ và hỗ trợ về tài chính (cho vay ưu đãi 30 tỷ đồng trong vòng ba năm) để Cty tiếp tục hoạt động.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã có nhiều cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ và hai lần ra văn bản gởi các ngân hàng hỗ trợ để Cty Mai Sao được hoạt động trở lại.

Lời khẩn cầu của ông Thiên là có cơ sở khi một công ty Nhật Bản đã đặt bút ký vào văn bản (ngày 24-4-2012) sẵn sàng hợp tác hỗ trợ cho Mai Sao 500 ngàn USD (thông qua bảo lãnh của ngân hàng) để tiếp tục mua bán, chế biến sản phẩm thủy sản theo danh mục hợp đồng đã được ký kết.

Cụ thể hàng tháng Mai Sao sẽ cung cấp 63 tấn mực các loại, gồm: mực ống cắt khoanh, mực ống sushi, mực ống cắt sợi và mực nang file. Một Cty của Hàn Quốc cũng đang đặt hàng Mai Sao đề nghị cung cấp mực bạch tuộc, số lượng 40-50 tấn mỗi tháng. Tổng số tiền xuất khẩu của Mai Sao sẽ tương đương mức 15-17 tỷ đồng mỗi tháng.

Các ngân hàng hiện chủ yếu tập trung bán bán tài sản của Mai Sao để thu hồi nợ. Tài sản định giá thấp hơn thực tế rất nhiều. Chẳng hạn hai xe tải lạnh nếu mua mới hiện có giá 4,4 tỷ, nhưng ngân hàng (ông Thiên xin giấu tên) chỉ bán 2,5 tỷ; Ngôi nhà lấn biển lúc ngân hàng định giá cho vay là nhà thô, giá 3,273 tỷ đồng, ông Thiên sau đó làm thêm nội thất hết 1,2 tỷ nữa.

Nhưng bộ phận xử lí nợ xấu của ngân hàng bán giá 2,5 tỷ đồng. Ngôi nhà ba lầu, diện tích đất 120m2, nằm trên một trục đường chính ở Gò Vấp (TPHCM) định giá 3,7 tỷ. Lô đất 9.000m2 trị giá khoảng 1 tỷ đồng, ngân hàng định giá 350 triệu…

“Chỉ có chiếc xe Innova định giá 500 triệu nhưng tôi bán được 546 triệu. Định giá tài sản kiểu bán tháo đi để thu hồi nợ ấy mà, thấy mà xót xa nhưng biết làm sao được”, ông Thiên chua xót.

Hành trình để tạo dựng nên Cty của con người tuổi nhâm Dần (1962), ông Cao Hương Thiên đầy gian nan. Sau khi đi bộ đội ở Hải quân vùng III (Đà Nẵng) trở về quê năm 1983, ông Thiên làm cán bộ văn hoá xã Diễn Thịnh (Diễn Châu, Nghệ An).

Năm 1991, ông Thiên rời quê hương vào làm công nhân viên quốc phòng thuộc bộ đội Biên phòng Kiên Giang. Năm 1994, ông nghỉ việc cùng vợ mua bán hải sản cung cấp cho các nhà máy chế biến. Năm 2005 đứng ra thành lập Cty Mai Sao.

Hơn hai trăm công nhân Cty Mai Sao khoảng một nửa là người địa phương còn lại là người từ Nghệ An vào làm. Ông Thiên xây nhà trọ cho công nhân ở, hỗ trợ 50% tiền phòng (200 ngàn mỗi tháng).

Nhà trọ hiện bị ngân hàng phát mãi chưa bán được nên công nhân của ông vẫn ở, họ đi làm cho Cty khác ông cũng không thu tiền phòng. Những người công nhân vẫn mong muốn làm việc trở lại cho Cty Mai Sao. Ông Thiên nói tôi nợ tiền ngân hàng chứ không nợ tiền lương công nhân.

“Người ta nói tôi vay tiền ngân hàng để đầu tư bất động sản, nhưng nhà cửa, đất đai tôi tạo dựng được là do chắt chiu, gom góp từ thời hai vợ chồng còn đi thu mua hải sản.

Khi xây dựng nhà máy chế biến thủy sản vào năm 2005 toàn bộ tài sản đưa vào thế chấp cho ngân hàng nên giờ mới cơ sự thế này. Tôi đưa vợ đi chữa bệnh người ta đồn tôi ôm tiền bỏ trốn.

Nhưng mà trốn đi đâu, trốn để làm gì khi một Cty đang làm ăn bình thường, nhà xưởng, biết bao tài sản với hàng trăm con người đang ở đó; Cty đang tạo dựng được thương hiệu, đang thực hiện hợp đồng xuất khẩu.

Những tin đồn ác ý này cũng đã đẩy Cty tôi và thế khó khăn. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để trả lời với công an, để giải trình với UBND tỉnh Kiên Giang rằng tình cảnh Cty đang khát vốn, đang có khách hàng vì thế hãy cứu Cty tôi sống để còn trả nợ…”, ông Thiên trút nỗi lòng mình với phóng viên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG