Chuyện ly kỳ về dũng sĩ Tây Nguyên tay không đả hổ

Với bác sĩ Nguyễn Văn Hòa (bên phải), người đồng đội năm xưa.
Với bác sĩ Nguyễn Văn Hòa (bên phải), người đồng đội năm xưa.
Nhẹ nhàng từ phía sau, Y Xoan túm lấy đuôi cọp, quay một vòng rồi quật thật mạnh xuống đất. Con cọp bị tấn công bất ngờ gầm rú, vùng vẫy nhưng không có cơ hội chống trả.

Dưới gầm trời Tây Nguyên, ông là thủ lĩnh được dân bản tin yêu hết mực. Nhưng có một sự thật oai hùng về ông mà chưa một cuốn sách, chưa một bài báo nào ghi chép. Ông còn là một tay súng thiện xạ, khắc tinh của mãnh hổ rừng xanh.

Trở thành “anh dân vận”

Nằm trên giường bệnh, giọng ông còn sang sảng, khúc triết. Mỗi sự kiện, từng trận đánh vẫn bám riết lấy trí nhớ của ông, như mới ngày hôm qua. Ông tên thật là Siu Pui (dân tộc Jarai, sinh năm 1931, tại làng Djrêk, xã Nhơn Hoà, huyện Chư Sê, Gia Lai), nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận giải phóng tỉnh Đắk Lắk. Năm 1945, khi giặc Pháp tràn về, đồng bào Jarai không chịu nổi ách nô lệ đã vùng lên đấu tranh. Siu Pui khi ấy mới 14 tuổi cũng vác dao đi đánh giặc.

Trong những cánh rừng già linh thiêng giữa đại ngàn, đồng bào vừa mài chông vừa cấy lúa, trồng khoai sắn. Đói, khổ, sốt rét không làm nhụt ý chí bảo vệ buôn làng của những người nông dân chân đất. Siu Pui với bí danh là Y Xoan nhanh chóng trưởng thành trong gian khó. Năm 1951, chàng du kích Y Xoan là Chính trị viên đại đội, làm công tác vũ trang tuyên truyền trong vùng địch chiếm ở thành phố Buôn Ma Thuột.

Ngoài đánh giặc giỏi, Y Xoan còn có cách làm dân vận đơn giản nhưng hiệu quả to lớn. Làm sao để dân tin tưởng, dân yêu thương? Chúng ta đi vào vùng của dân, điều tối kỵ số một là không được giẫm vào lúa của đồng bào, không được nhổ sắn, bẻ ngô của đồng bào. Đồng bào đi làm rẫy thấy bước chân của người lạ họ sẽ tự hỏi: "Ai đi qua đây mà không phá hoa màu của mình"?. Họ sẽ so sánh người lạ với giặc Pháp. Người lạ tốt hơn giặc Pháp, vì không phá hoại hoa màu. Từ đó, trong lòng đồng bào có niềm tin với những bước chân lạ.

Hôm sau thấy bóng người lạ xuất hiện trong làng, đồng bào có cái nhìn trìu mến, và nhất định sẽ hỏi: "Có phải các anh thường đi qua làng của chúng tôi. Các anh là ai"?. Lúc ấy anh em mới trả lời: "Chúng tôi là bộ đội giải phóng quân". Trong lòng đồng bào tự nhiên có tình cảm với bộ đội, chỉ có bộ đội mới không làm hại đồng bào, không phá hoại lương thực của đồng bào. Đồng bào nhiệt tình giúp đỡ, che chở cho bộ đội. Họ sẵn sàng nhịn ăn, sẵn sàng lấy thân mình bảo vệ bộ đội.

Với phương pháp dân vận tạo niềm tin bằng sự tử tế của Y Xoan đã mang lại hiệu quả to lớn, một thời gian dài lực lượng du kích địa phương đã bám trụ địa bàn, bám sát vành đai Buôn Ma Thuột, ngăn chặn sự bành trướng của thực dân Pháp sang các vùng lân cận.

Ngọn đuốc giữa rừng

Năm 1954, Hiệp định Paris ký kết, Y Xoan tập kết ra Bắc và được cử lên Tuyên Quang học y tá. Ông may mắn được là học trò của giáo sư, bác sĩ nổi tiếng Tôn Thất Tùng. Năm 1960, y tá Y Xoan quay trở về Tây Nguyên với bí danh A Ma Thương, tiếp tục cuộc chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Là y tá duy nhất được đào tạo căn bản về y khoa, một mình không thể cáng đáng nổi hàng trăm bộ đội đang cần được chăm sóc sức khoẻ, A Ma Thương đã xuống các buôn làng vận động, kêu gọi thanh niên nam nữ tuổi đôi mươi tham gia cứu thương cho bộ đội. Là người con của buôn làng, cùng với lợi thế tiếng nói, A Ma Thương đã tập hợp được đội ngũ thanh niên hùng hậu vào rừng học làm bác sĩ.

Lớp trẻ mới lớn còn chưa được đến trường học chữ. Đêm xuống, giữa khu rừng già, A Ma Thương đốt lửa mở lớp đào tạo cứu thương cấp tốc, dạy học trò học thuộc tên cái kim, cái kéo, sau đó thực hành thao tác ngay. Trên đường hành quân ai thuộc chữ cái nào thì đọc thật to cho người xung quanh nghe.

Bệnh xá thời chiến là những túp lều dựng tạm bằng lá cây, ngay dưới hầm hào đạn bay như chuồn chuồn đón mưa. Có kháng sinh mà không có kim tiêm, A Ma Thương tước thanh nứa vót nhọn dùng làm kim tiêm. Không có băng bông phải lấy lá chuối non hơ lửa bó bột cầm máu.

Sống ở trong rừng lâu, ông biết được nhiều loại lá cây thuốc quý dùng cầm máu hoặc chữa tiêu hoá vô cùng hiệu quả. Nhờ vận dụng bài thuốc tự nhiên có sẵn từ rừng mà nhiều chiến sĩ thoát khỏi cái chết. Đặc biệt là bệnh sốt sét, theo kinh nghiệm của A Ma Thương, ngủ trong rừng không có mùng mền, để không bị muỗi đốt thì cách hiệu quả nhất là đốt lá cây.

Đến năm 1965, mặt trận Tây Nguyên tăng cường thêm một số bác sĩ vào chi viện, A Ma Thương được giao làm Trưởng ban chỉ đạo quân dân y tỉnh Đắk Lắk. Thực chất, trong cuộc chiến này, các chiến sĩ blouse trắng luôn ở phía trước làn bom. Họ cần mẫn cứu thương đồng đội.

Dưới sự chỉ đạo của A Ma Thương, hai bác sĩ giỏi được đào tạo từ nước ngoài về là Nguyễn Văn Hoà và Nguyễn Văn Quyết được chọn là bác sĩ tiền phương. Với tài năng và bản lĩnh, ê kíp cứu thương giữa trận mạc đã làm nên những phép màu sự sống phi thường. Họ không thể nhớ nổi mình đã thực hiện bao nhiêu ca mổ giành giật mạng sống cho bộ đội.

A Ma Thương hào hứng kể rằng, trong một đêm mưa gió mù trời, người đồng nghiệp của ông là bác sĩ Nguyễn Văn Hoà bị sốt rét ác tính tưởng không qua khỏi. Trong người ông chỉ còn một ống thuốc Kyrin, liền tiêm cho đồng đội. Nhưng tình hình sức khoẻ của bác sĩ Hoà vẫn rất nguy kịch. Bây giờ chỉ còn một cách duy nhất là uống mật gấu. A Ma Thương cuốn chiếc đèn pin lên đầu, cầm khẩu súng Cạc Pin lao về phía rừng già. Rừng Tây Nguyên ngày ấy được mệnh danh là vương quốc của các loài thú. Ban ngày bộ đội sống còn ban đêm là thế giới của thú. Hổ, báo vồ, quật chết và ăn thịt nhiều người.

A Ma Thương chưa từng biết sợ là gì, ông phăng phăng trong đêm, đi giữa sự bao vây rùng rợn của muông thú. Ánh đèn pin le lói trên đầu, chỉ trong phút chốc nó đã quét trúng cặp mắt xanh lè của chú gấu rừng. Nhanh như tia chớp, A Ma Thương đã hạ gục đối thủ chỉ bằng một cái siết cò. Mang mật gấu về cho đồng đội uống, sự sống của bác sĩ Hoà được hồi sinh. A Ma Thương chiêm nghiệm rằng: "Sự kỳ diệu đôi khi không phải do trời, mà do lòng dũng cảm và quyết tâm của con người. Và đôi khi, không cần đến một phép màu, nó tự đến một cách vô cùng giản dị".

Chuyện ly kỳ về dũng sĩ Tây Nguyên tay không đả hổ ảnh 1 Mặc dù đang nằm viện, nhưng ông A Ma Thương vẫn minh mẫn kể chuyện

Khuất phục mãnh chúa

Từ câu chuyện bắn gấu để cứu người, A Ma Thương mới tiết lộ rằng, ông chính là một xạ thủ cừ khôi của mặt trận Tây Nguyên. Chỉ cần khẩu Cạc Pin, ông có thể hạ gục hàng loạt kẻ thù. Chưa kể ông là thợ săn số một chuyên săn thú về cải thiện bữa ăn cho bộ đội.

Mùa mưa năm 1951, A Ma Thương (bấy giờ còn lấy bí danh là Y Xoan) chỉ huy một tiểu đội du kích đi tuần tại buôn Cờ La (huyện Krông Pak bây giờ), đến chân đèo, thấy tình hình có vẻ không ổn, ông đoán chắc ở phía trước sẽ có địch phục kích. Với lực lượng mỏng của ta, nếu cứ tiến lên thì sẽ bị thương vong nhiều. Y Xoan ra lệnh cho anh em dừng lại cố định một vị trí, chỉ mình ông đi. Trước khi đi, ông dặn anh em một câu: "Nghe tiếng súng nổ phía trước tuyệt đối không được bắn".

Chưa ai hiểu chuyện gì thì Y Xoan hăm hở lao lên. Ngày đó không có quần áo mặc, Y Xoan phải đóng khố bằng vỏ cây. Trời tối mịt mù, bàn chân to như voi của Y Xoan lướt nhẹ trên nền lá khô, gai góc cào toé máu chỉ biết cắn răng chịu. Ông quan sát trên ngọn cây có tiếng vỗ cánh của con chim. Đích thị chỗ đó sẽ có thú rừng hoặc con người. "Giáp lá cà" quan sát, Y Xoan nhìn thấy màu áo rằn ri hoà vào lá cây, trong tích tắc, Y Xoan lia một lượt đạn hạ gục hai tên địch đang mật phục.

Có tiếng súng, anh em của mình hồi hộp, đau khổ nhìn nhau đoán: "Chắc là Y Xoan hy sinh rồi". Y Xoan thu được hai khẩu súng, nhanh như sóc lăn xuống khe suối nằm chờ. Địch điên cuồng xả súng liên tục một tiếng đồng hồ. Sau làn mưa đạn, địch lần mò tới địa điểm để thu hoạch kết quả. Không thấy gì, chúng văng tục chửi thề rồi rút lui. Nhớ lại ngày oai hùng ấy, ông cười khà khà: "Ngày đó cái đầu mình có sỏi rồi, tinh thông lắm. Hơn nữa không hề sợ chết ".

Qua một đêm mưa vần vũ, sáng sớm ông vượt rừng từ Đắk Lắk sang Gia Lai họp, qua đoạn sông Ba thì trời mưa to, nước dâng cao không thể vượt sông được. Có dấu chân cọp, Y Xoan lần theo. Trong người chỉ giắt một chiếc gậy, Y Xoan nhìn thấy con cọp đang ngồi trên bờ sông chờ nước rút để qua. Nhẹ nhàng từ phía sau, Y Xoan túm lấy đuôi cọp, quay một vòng rồi quật thật mạnh xuống đất. Con cọp bị tấn công bất ngờ gầm rú, vùng vẫy nhưng không có cơ hội chống trả.

Chuyện ly kỳ về dũng sĩ Tây Nguyên tay không đả hổ ảnh 2

Cảnh cứu thương tại mặt trận Tây Nguyên (ảnh tư liệu).

Y Xoan lấy hết sức lực dùng hai tay bế bổng cọp lên ném xuống sông đang cuồn cuộn nước. Một lần khác, đang ngồi ăn cơm giữa rừng thì nghe có tiếng gừ gừ. Con hổ mắt xanh hau háu, nhe nanh trong tư thế vồ mồi. Y Xoan bỏ chén cơm xuống, cầm chắc cây gậy dài, xuống tấn sẵn sàng nghinh chiến. Trong thâm tâm đã nghĩ đến cuộc chiến khốc liệt với hổ, nhưng không hiểu thế nào, con hổ gừ lên một tiếng rồi bỏ đi. Kể đến đây, bất chợt ông dằn cảm xúc lại, mắt đỏ au.

Giọng ông chùng xuống: "Ngày xưa nhờ rừng che chở mà mình đánh được giặc, biết ơn lắm. Thế mà đất nước hòa bình rồi, mình không bảo vệ lại quay ra phá rừng, tàn sát các muông thú. Khi đương chức, mình lên án gay gắt nạn phá rừng, săn bắn, quyết liệt ngăn chặn vấn nạn này. Cả cuộc đời làm cán bộ của dân, những ngày cuối đời, ngay cả khi nằm trên giường bệnh, mình vẫn chưa thôi trăn trở, bởi rừng thì bị tàn phá, hoang thú bị săn bắn, đồng bào còn nghèo khổ".

Theo Theo Cảnh sát toàn cầu
MỚI - NÓNG
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.