Tiền hậu bất nhất
Theo phản ánh của sinh viên lớp Luật A5A3, ĐH Thái Bình, ngày 25/8, trường tổ chức phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên của lớp tại Trường Trung cấp Khu Kinh tế Hải Phòng (thị trấn Núi Đèo, Thủy Nguyên, Hải Phòng) sau 4 năm học. Sinh viên rất bất ngờ vì bảng điểm kèm bằng tốt nghiệp thể hiện trình độ đào tạo hệ vừa học vừa làm, trong khi thông báo ban đầu lúc nhập học là hệ chính quy.
Nhận được phản ánh của sinh viên, UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu ĐH Thái Bình giải trình việc này. Trong văn bản giải trình, bà Nguyễn Thị Kim Lý, Hiệu trưởng Trường ĐH Thái Bình, cho biết, năm học 2016 - 2017, ĐH Thái Bình phối hợp Trường Trung cấp Bảo Châu, Hải Phòng tuyển sinh đào tạo trình độ ĐH. Kết quả, 42 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào ĐH chính quy ngành Luật năm 2016.
Trong giấy báo nhập học, Trường ĐH Thái Bình cũng ghi rõ: Đã trúng tuyển và đủ điều kiện học tập bậc ĐH chính quy, ngành Luật tại trường năm học 2016 - 2017 và đặt tên là lớp ĐH Luật 5A3 (ký hiệu lớp DHLA5A3), giao cho TS. Nguyễn Đức Long, Trưởng Khoa Luật, làm giáo viên chủ nhiệm. Theo bà Lý, trường đã xây dựng kế hoạch học tập cho lớp gồm 8 học kỳ với 126 tín chỉ theo hình thức chính quy tập trung tại trường.
Theo bà Lý, sau khi được kiện toàn vào năm 2017, Ban giám hiệu đã rà soát, kiểm tra, đánh giá lại các vấn đề liên quan hoạt động đào tạo của lớp DHLA5A3 Hải Phòng, thấy không đáp ứng được các quy định về hình thức đào tạo chính quy theo quy định của Luật Giáo dục ĐH 2013. Do đó, ngày 27/10/2017, tại cuộc họp hội đồng tuyển sinh, trên cơ sở các quy định của pháp luật và quá trình tổ chức đào tạo thực tế, các thành viên nhất trí 100% chuyển hình thức đào tạo của lớp DHLA5A3 từ chính quy sang giáo dục thường xuyên (tức là vừa làm vừa học).
Bà Lý nói rằng, đã giao cho TS. Long thu hồi toàn bộ giấy báo nhập học từ sinh viên bàn giao về trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm. Ngày 28/10/2017, ĐH Thái Bình thông báo về việc chuyển hình thức đào tạo và đề nghị giáo viên chủ nhiệm triển khai thông báo, giải thích lý do đến toàn thể sinh viên lớp DHLA5A3.
Quan điểm của Bộ GD&ÐT là xử nghiêm
Theo bà Lý, giáo viên chủ nhiệm khi triển khai đã không thực hiện được đầy đủ mọi quy trình, đảm bảo công khai minh bạch và thông tin đầy đủ chi tiết thông báo của nhà trường cho sinh viên dẫn đến việc sinh viên của lớp chưa nhận thức đầy đủ hình thức đào tạo. Bà Lý cho biết, trong quá trình học tập, một số sinh viên đã bỏ học, kết thúc khóa học chỉ còn lại 33 sinh viên.
Tháng 7 vừa qua, trước khi phát văn bằng, trường tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến góp ý. Tại đây, trường thông báo trên văn bằng không ghi hình thức đào tạo nhưng bảng điểm ghi hình thức đào tạo vừa làm vừa học theo quy định. Tại lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên ĐH khóa 5, chỉ có 10 sinh viên lớp DHLA5A3 nhận bằng tốt nghiệp, số còn lại không nhận bằng. Trường ĐH Thái Bình tổ chức hội nghị làm việc với đại diện ban cán sự của lớp. Sau đó, tại lễ phát bằng, bảng điểm cho sinh viên DHLA5A3 có 15 sinh viên nhận bằng và bảng điểm, 5 sinh viên nhận bằng không nhận bảng điểm, 3 sinh viên không nhận bằng và bảng điểm.
Bà Lý thừa nhận, năm 2017, đơn vị chức năng chưa kịp thời tham mưu để trường báo cáo Bộ GD&ĐT việc chuyển chỉ tiêu đào tạo ĐH ngành Luật theo hình thức chính quy sang hình thức vừa làm vừa học cho lớp DHLA5A3. Trường cũng đã thành lập Hội đồng kỷ luật, rà soát toàn bộ quy trình, tổ chức họp để sớm xem xét và tiếp tục ban hành các hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các cá nhân, đơn vị có liên quan trong quá trình tham mưu tổ chức thực hiện.
Bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT, cho biết, sau khi nhận thông tin, Bộ đã có văn bản yêu cầu trường báo cáo vụ việc. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ quy định nào cho phép trường ÐH được chuyển hình thức đào tạo từ chính quy sang vừa làm vừa học đối với 1 lớp học.